Ồn ào quanh việc diễn viên Depardieu nhập quốc tịch Nga
(VOV) - Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nhập quốc tịch Nga của tài tử gạo cội này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và nam tài tử Gerard Depardieu. (Ảnh: AFP) |
Ngày 3/1, tài tử gạo cội Gérard Depardieu, sinh 27/12/1948, là một diễn viên với hơn 170 bộ phim đã tuyên bố rời bỏ nước Pháp. Việc Gerard Depardieu xin quy chế công dân Nga được xem như một phần của “cuộc chiến” chống lại đề xuất đánh thuế cao lên giới siêu giàu của chính phủ Pháp. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cấp quyền công dân cho Gerard Depardieu. Quyết định trên sẽ cho phép Depardieu, một gương mặt quen thuộc với người dân Moscow, được quyền trả mức thuế thu nhập tương đối thấp 13% dành cho mọi người dân ở Nga.
Theo AP, ngày 6/1, nam diễn viên này nhận đã được hộ chiếu Nga sau khi bay sang Nga để dự một bữa ăn tối cùng với Tổng thống Vladimir Putin. Truyền hình Nga phát hình ảnh Tổng thống Putin ôm Depardieu khi ông đáp máy bay đến tư dinh của Tổng thống Nga ở Sochi - thành phố đăng cai Thế vận hội Olympic Mùa đông năm 2014, vào tối 5/1. Hai người ngồi quanh một chiếc bàn gỗ để dùng bữa tối và nói chuyện thân mật về bộ phim sắp được trình làng, do diễn viên Depardieu vào vai tu sĩ Nga Grigori Rasputin. Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov xác nhận thông tin Depardieu đã được cấp hộ chiếu Nga này.
Phương Tây cho rằng hành động này của ông Putin là một sự “can thiệp” vào tranh cãi về thuế và là một “đòn hiểm” cho Tổng thống Pháp François Hollande.
Phải chăng Gerard Depardieu sang Nga vì tránh thuế cao?
Phản ứng trước quyết định xin nhập quốc tịch Nga của Gerard Depardieu, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault gọi quyết định rời bỏ đất nước của ông là “hèn hạ”. Còn bản thân Depardieu trong lần lên tiếng hôm 3/1 tiết lộ, ông đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Francois Hollande và nói với ông này rằng: “nước Nga là một nền dân chủ vĩ đại và không phải là một đất nước nơi thủ tướng gọi một công dân là hèn hạ”. Về phần mình, trong một bức thư ngỏ gửi người Nga, Depardieu khẳng định: “Phải, tôi đã nộp đơn xin cấp hộ chiếu và tôi vui mừng khi nó được chấp thuận. Tôi yêu đất nước các bạn, nhân dân, lịch sử và các nhà văn của nước Nga”.
Trong bức thư được đọc trên kênh truyền hình Pervyi Kanal của Nga, ông Depardieu cũng ca tụng nước Nga là một “nền dân chủ vĩ đại”. Còn Phát ngôn viên của điện Kremli, ông Dmitry Peskov nói rằng: “Depardieu được cấp quyền công dân vì "những đóng góp với văn hóa và điện ảnh Nga”.
Vậy đâu là lý do chính khiến Gerard Depardieu phải từ bỏ hộ chiếu Pháp để sang Nga? Phần nhiều lời giải thích cho rằng bởi ở nước Pháp, Depardieu phải nộp thuế cao, thuế dành cho người thu nhập trên 1 triệu euro, cho nên ông phải chọn cách an toàn cho riêng mình. Tuy nhiên, bản thân Depardieu cũng vẫn chưa chính thức xác nhận mục đích của việc chuyển quốc tịch này.
Không chỉ riêng Gerard Depardieu mà ngay cả tỉ phú Bernard Arnault - ông chủ của các tập đoàn hàng hiệu xa xỉ Moët Hennessy Louis Vuitton cũng đã nhập quốc tịch Bỉ. Alain Afflelou - ông vua của các sản phẩm nhãn khoa cũng đã tuyên bố việc chuyển tới London (Anh) nhưng bác bỏ nguyên nhân vì thuế má.
Lời hứa của Tổng thống Pháp Francois Hollande về khoản thuế siêu lợi tức 75% đánh lên những người có thu nhập trên 1 triệu euro đã trở thành biểu tượng hàng đầu trong dịp tranh cử, nhưng khi tòa án cấp cao nhất của quốc gia này là Hội đồng Hiến pháp đã hạ mức này xuống vào tuần trước vì coi đó là không công bằng và không hợp hiến, thì ông Hollande phải đối mặt với các cáo buộc là đã làm việc thiếu chuyên nghiệp.
Trong khi đó, những lãnh đạo khả kính khác của châu Âu cũng đang không đứng về phe của Tổng thống Pháp. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói rõ ràng bà không đồng ý với tuyên bố của ông Hollande rằng cuộc khủng hoảng đồng tiền chung châu Âu đã chấm dứt. Còn Thủ tướng Anh David Cameron cùng với Thị trưởng London Boris Johnson đang muốn trải thảm đỏ cho những người giàu của Pháp không muốn đóng nhiều thuế.
Các quan chức Kremlin cho rằng, Depardieu có thể sẽ là người đầu tiên trong rất nhiều người “tị nạn thuế” tới Nga. Tại Nga, mức thuế chỉ là 13% và diễn viên này có lẽ được người dân Nga biết nhiều nhất là trong các quảng cáo Ngân hàng Sovietski. Con số 13% của Nga so với 75% của Pháp là thấp hơn nhiều. Và cách tính đơn giản nhất đối với một người bình thường là họ sẽ chọn con số thấp nhất để đóng thuế./.