Ông Putin: "Chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine lẽ ra nên bắt đầu sớm hơn
VOV.VN - Trong một sự kiện thường niên ngày 19/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine "có lẽ nên được thực hiện sớm hơn thời điểm tháng 2/2022".
“Các bạn biết đấy, nếu có thể nhìn vào tình hình năm 2022, biết được những gì đang diễn ra hiện nay, tôi sẽ nghĩ gì? Tôi cho rằng, một quyết định (triển khai kế hoạch quân sự đặc biệt ở Ukraine) như vậy đáng lẽ phải được đưa ra sớm hơn”, ông Putin tuyên bố trong sự kiện "Direct Line" thường niên; đồng thời cho rằng Moscow cũng cần chuẩn bị cho những hành động như vậy một cách kỹ lưỡng hơn nếu biết trước diễn biến sự việc.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh các hoạt động quân sự của Nga trong năm 2022 cũng được bắt đầu mà không có sự chuẩn bị đáng kể và các sự kiện ở Crimea sau cuộc đảo chính ở Kiev năm 2014 là tự phát. Ông cũng nhắc nhớ việc chính quyền Ukraine đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không tuân thủ các thỏa thuận Minsk và đã đưa ra tuyên bố về việc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Theo ông, Nga không thể chịu đựng hơn nữa việc dân thường bị giết trong cái mà Kiev gọi là “chiến dịch chống khủng bố” ở Donbass.
Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2/2022, cáo buộc chính phủ Ukraine thẳng thừng từ chối mọi thỏa thuận và leo thang pháo kích vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk. Cuộc xung đột đến nay đã kéo dài gần 3 năm nhưng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Ông Putin nhấn mạnh tính phức tạp của cuộc xung đột hiện nay, tuyên bố rằng khó có thể dự đoán được nó sẽ kéo dài bao lâu.
"Các hoạt động chiến đấu rất phức tạp, vì vậy việc đưa ra dự đoán là rất khó và không cần thiết. Chúng tôi đang tiến tới giải quyết các nhiệm vụ chính mà chúng tôi đã nêu ra khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt này, cụ thể là trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine", ông Putin nói.
Tuy vậy, Điện Kremlin chưa bao giờ loại trừ khả năng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Ông Putin nhắc lại rằng Moscow vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với chính quyền Kiev mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, ngoại trừ những điều kiện đã được nêu trong các cuộc đàm phán tại Istanbul vào năm 2022. Những thỏa thuận sơ bộ đó xác lập một vị thế trung lập cho Ukraine, cũng như tạo ra một số hạn chế nhất định về việc triển khai vũ khí nước ngoài. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin cũng lưu ý rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào sẽ phải dựa trên "thực tế trên thực địa" hiện nay.