Ông Trump nói về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ lật đổ ông Assad
VOV.VN - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các nhóm nổi dậy ở Syria lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
“Những người đã tham gia vào cuộc lật đổ đó nằm trong sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Trump phát biểu ngày 16/12 trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 vừa qua.
Theo ông Trump, bằng cách ủng hộ phe nổi dậy ở Syria, “Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một cuộc tiếp quản ở Syria mà không mất nhiều sinh mạng” và Ankara đã muốn đạt được điều này trong hàng ngàn năm.
Ông Trump cũng cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “nắm giữ chìa khóa” đối với những gì xảy ra ở Syria, nơi phe nổi dậy được Ankara hậu thuẫn đã lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hôm 8/12.
Đây được cho là những bình luận đầu tiên của ông Trump về cách ông nhìn nhận vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột Syria.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và HTS đều chưa bình luận về phát ngôn của ông Trump.
Trước đó, Reuters đưa tin, trong những ngày cuối cùng còn ở trên cương vị tổng thống Syria, ông Assad đã nói với Ngoại trưởng Iran rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực hỗ trợ các nhóm Hồi giáo Sunni tiến hành cuộc tấn công nhằm lật đổ ông.
Khi các nhóm nổi dậy do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu chiếm được các thành phố lớn của Syria, đồng thời tiến về phía thủ đô, ông Assad đã gặp Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi ở Damascus ngày 2/12.
Trong cuộc gặp, ông Assad đã bày tỏ giận giữ khi nói về điều mà ông cho là các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm lật đổ ông. Theo các nguồn tin Iran, Ngoại trưởng Araqchi khi đó đã trấn an ông Assad rằng Tehran sẽ tiếp tục hỗ trợ Syria và sẽ nêu vấn đề này với Ankara.
Ngày hôm sau, ông Araqchi đã gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan để nêu quan ngại của Tehran về sự hỗ trợ của Ankara với phe nổi dậy ở Syria. Cuộc gặp diễn ra căng thẳng. Iran cũng bày tỏ không hài lòng với việc Thổ Nhĩ Kỳ có liên kết với Mỹ và Israel, đồng thời truyền đạt lại những quan ngại của ông Assad.
Theo quan chức Iran, ông Fidan khi đó đã đổ lỗi cho ông Assad về cuộc khủng hoảng ở Syria, cho rằng ông đã thất bại trong việc tiến hành đối thoại hòa bình và sự cầm quyền nhiều năm của ông là nguyên nhân gốc rễ của xung đột.
Trong khi đó, một nguồn tin nắm được các cuộc thảo luận của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, đó không phải là chính xác những gì ông Fidan đã nói và Ngoại trưởng Iran Araqchi cũng không truyền đạt bất cứ thông điệp nào của ông Assad cho phía Ankara.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nhóm nổi dậy ở Syria tương đối phức tạp. Ankara hỗ trợ Quân đội Quốc gia Syria (SNA) – một nhóm đối lập có tham gia vào cuộc tấn công lật đổ chính quyền ông Assad, nhưng lại coi HTS là một nhóm khủng bố.
HTS là nhóm dẫn đầu liên minh đối lập và thủ lĩnh HTS, Ahmed al-Sharaa, tên gọi khác là Abu Mohammed al-Golani, là người đã lên kế hoạch cho chiến dịch lần này.
Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng tiến hành một số cuộc tấn công xuyên biên giới vào miền bắc Syria để chống lại Đơn vị Phòng vệ Nhân dân người Kurd Syria (YPG). YPG là bên ủng hộ chính cho các nhóm nổi dậy muốn lật đổ ông al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra vào năm 2011.
Trong khi đó, YPG đóng vai trò lớn trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một đồng minh chủ chốt của Mỹ đã đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria vào năm 2019.
Kể từ khi ông al-Assad bị lật đổ, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã có các cuộc đàm phán về việc chống lại sự trỗi dậy của IS ở Syria. Washington hiện duy trì khoảng 900 quân ở miền đông Syria như một hàng rào chống lại IS.