Phản ứng của các bên trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an về Triều Tiên
VOV.VN - Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày hôm qua (21/11), Mỹ hối thúc cơ quan này ra tuyên bố Chủ tịch buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về các vụ thử tên lửa gần đây, song không có tuyên bố lên án nào được đưa ra.
Động thái Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 cách đây vài ngày tiếp tục thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế với hàng loạt diễn biến nóng.
Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày hôm qua, Mỹ hối thúc cơ quan này ra tuyên bố Chủ tịch buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về các vụ thử tên lửa gần đây đang đe dọa đến sự ổn định của Bán đảo Triều Tiên. Song không có tuyên bố lên án nào được đưa ra. Các bên liên quan gồm Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc lần lượt đưa ra quan điểm riêng của mỗi bên về vấn đề này.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 hôm 18/11. Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp ngày hôm qua, tuyên bố lên án Triều Tiên đã không được đưa ra do sự phản đối từ Trung Quốc và Nga.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho rằng, điều quan trọng là Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên phải có cùng một tiếng nói chung:
“Đây là lần thứ 10 chúng ta gặp nhau mà không đưa ra được hành động đáng kể nào. Lý do rất đơn giản - hai thành viên có quyền phủ quyết của hội đồng đang tạo điều kiện và khuyến khích Triều Tiên. Việc Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa liều lĩnh mới nhất này không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân Nhật Bản, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực một cách không cần thiết, mà còn khiến khu vực Đông Bắc Á và toàn thế giới gặp nguy hiểm”.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân khẳng định, Trung Quốc quan ngại về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên khi leo thang “vòng xoáy căng thẳng và đối đầu gay gắt”. Nhưng theo vị quan chức này, việc cần làm lúc này là các bên cần giữ kiềm chế và phát biểu thận trọng. Mỹ nên chủ động, thể hiện sự chân thành, đưa ra các đề xuất thực tế và khả thi, đáp ứng tích cực các mối quan tâm chính đáng của Triều Tiên:
“Đầu tiên, cần hạ nhiệt tình hình. Tất cả các bên cần thận trọng, tránh bất kỳ những động thái nào có thể làm leo thang căng thẳng tình hình và dẫn đến tính toán sai lầm. Cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy đàm phán hòa bình. Hội đồng Bảo an nên đóng vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này, không nên lúc nào cũng lên án hay gây áp lực lên Triều Tiên. Các cuộc thảo luận tại Hội đồng nên giúp giảm bớt căng thẳng, hạ nhiệt tình hình để nhường chỗ cho các nỗ lực ngoại giao hơn là tạo ra những trở ngại cho việc này".
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva cũng bày tỏ lấy làm tiếc vì các đối tác phương Tây liên tục phớt lờ những lời kêu gọi nhiều lần từ phía Triều Tiên, đồng thời yêu cầu Mỹ chấm dứt các hoạt động thù địch và mở ra cơ hội đối thoại. Theo đại diện của Nga, những nhượng bộ mà Triều Tiên đưa ra trong năm 2018 và 2019 cũng như những tín hiệu tích cực mà nước này gửi đi thời gian qua đã không được tiếp nhận. Chính vì lập trường cứng rắn của Mỹ mà Hội đồng Bảo an đã không thể thống nhất phản ứng thích hợp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hòa đàm.
Hàn Quốc cũng tham dự phiên họp khẩn lần này của Hội đồng Bảo an với tư cách là nước liên quan trực tiếp đến vấn đề tên lửa của Triều Tiên. Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hợp Quốc Hwang Joon Kook nhấn mạnh rằng, không nên “bào chữa” cho những hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên. Các cuộc tập trận quân sự chung của liên minh Mỹ - Hàn, từ lâu đã được tiến hành một cách thường xuyên, định kỳ và mang bản chất phòng thủ, không bao giờ có thể trở thành cái cớ cho việc phát triển tên lửa và hạt nhân bất hợp pháp của chính quyền Bình Nhưỡng.
Quan chức Hàn Quốc một lần nữa kêu gọi, cộng đồng quốc tế, gồm cả Mỹ phải đoàn kết và nhanh chóng thực hiện các biện pháp đối phó quyết đoán. Nhân dịp này, Hàn Quốc cũng tranh thủ sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, hối thúc hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an có thể tích cực hợp tác và mở đường cho cộng đồng quốc tế triển khai các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Còn về phía Triều Tiên, nước này tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi các động thái của Mỹ và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, rồi sẽ đưa ra những phản ứng rõ ràng và thích hợp./.