Phản ứng của Mỹ khi Ukraine đề nghị tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga
VOV.VN - Mỹ phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự leo thang xung đột nào ở Ukraine vượt ra ngoài biên giới, Lầu Năm Góc cho hay giữa bối cảnh Kiev thúc đẩy việc được tự do tiến hành các cuộc tấn công tầm xa bằng vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga. Moscow đã cảnh báo điều này có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng hơn.
"Chúng tôi không muốn chứng kiến những hậu quả không mong muốn, một sự leo thang có thể biến cuộc xung đột này thành cuộc xung đột rộng hơn, vượt ra ngoài biên giới Ukraine", Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc Pat Ryder nhận định ngày 16/7.
Ông Ryder cũng trả lời câu hỏi về khả năng Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công vào sâu trong nước Nga. Theo đó, Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc cho rằng: "Tôi nghĩ đây là điều tất cả chúng ta cần cân nhắc và xem xét một cách rất nghiêm túc. Chính sách của chúng tôi về việc sử dụng vũ khí tầm xa vẫn chưa thay đổi".
Mỹ đã cung cấp một vài đợt vận chuyển tên lửa ATACMS cho Ukraine. Tuy nhiên, Washington chỉ cho phép Kiev sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật nhằm vào các mục tiêu của Nga trên lãnh thổ Ukraine và Crimea. ATACMS là tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn khoảng hơn 300km. Chúng không được sử dụng trên tiền tuyến mà được sử dụng để nhắm vào các mục tiêu giá trị cao nằm sâu trong những vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Ukraine. Kiev đã sử dụng ATACMS để tiến hành những cuộc tấn công mạnh mẽ nhằm vào các trực thăng và hệ thống phòng không tiên tiến của Nga.
Không lâu sau khi Moscow tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới từ khu vực Belgorod nhằm vào khu vực Kharkov ở Đông Bắc Ukraine hồi đầu tháng 5, Mỹ đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng những vũ khí tầm ngắn hơn để bảo vệ Kharkov. ATACMS vẫn chưa được phép sử dụng bất chấp lời kêu gọi từ Kiev về việc dỡ bỏ các hạn chế.
"Gần đây, chúng tôi đã cho phép Ukraine sử dụng các loại đạn pháo của Mỹ để tiến hành các cuộc tấn công đáp trả và phòng vệ xuyên biên giới. Trước việc Nga đang tập hợp quân đội hoặc sử dụng pháo cũng như trực thăng ở bên kia biên giới, chúng tôi đã nhận thức được thực tế này và cho phép Ukraine làm vậy", ông Ryder nói.
Đầu tháng này, Bộ Quốc phòng Anh đã khẳng định rõ, chính sách của nước này về việc Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa do Anh cung cấp để tấn công Nga "không thay đổi" sau khi tân Thủ tướng Keir Starmer đề nghị Kiev có thể sử dụng các tên lửa phóng từ trên không của Anh để tấn công lãnh thổ Nga.
"Sáng nay, tôi biết được về việc cho phép sử dụng tên lửa Storm Shadow để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Hôm nay, chúng tôi có cơ hội để thảo luận về việc thực hiện quyết định này trong thực tế", ông Zelensky viết trên Twitter ngày 10/7.
Một số nước thành viên NATO cho thấy họ sẵn sàng cho phép thực hiện các cuộc tấn công tầm xa bằng vũ khí phương Tây vào lãnh thổ Nga nhưng vẫn tồn tại sự chia rẽ về vấn đề này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi cuối tháng 5 cho biết, "sự leo thang liên tục có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng", đồng thời nhận định: "Nếu những hậu quả nghiêm trọng này xảy ra ở châu Âu, Mỹ sẽ hành xử thế nào khi xem xét đến sự ngang bằng của chúng tôi trong lĩnh vực vũ khí chiến lược".
"Khó mà nói rằng có phải họ muốn một cuộc xung đột toàn cầu hay không", Tổng thống Nga nói.
Đầu tháng này, truyền thông nhà nước Nga đưa tin, Moscow đang kiểm tra các mảnh vỡ của một tên lửa ATACMS, trong đó có hệ thống định vị được sản xuất theo thiết kế của Mỹ. Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti mới đây đã công bố đoạn video đầu tiên cho thấy cấu trúc bên trong của tên lửa được Ukraine vận hành này.