Phản ứng của thế giới sau khi COP26 bế mạc và thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow
VOV.VN - Hôm qua 13/11 (theo giờ Anh), Hội nghị COP26 đã bế mạc với việc thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow. Dư luận cho rằng hiệp ước này là một bước tiến quan trọng, song còn chưa đủ...
Hôm qua 13/11, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc với việc thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, trong đó cam kết tăng tốc các nỗ lực hướng tới giảm thiểu điện than và loại bỏ trợ cấp dành cho nhiên liệu hóa thạch có hiệu suất kém cùng một số cam kết khác. Dư luận cho rằng hiệp ước này là một bước tiến quan trọng, song còn chưa đủ; đồng thời đã đến lúc các nước phải kích hoạt chế độ khẩn cấp về khí hậu.
Tuyên bố sau khi Hội nghị kết thúc, Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho rằng, thỏa thuận dù “không hoàn hảo” nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ”.
“Tôi có thể nói rằng đây là chiến thắng mong manh và chúng tôi đã duy trì sự sống của mục tiêu 1,5 độ C. Đó là mục tiêu bao quát của chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu hành trình này cách đây hai năm. Nhưng mục tiêu này đang thoi thóp và sẽ chỉ sống sót nếu chúng ta giữ lời hứa và chuyển cam kết thành hành động nhanh chóng” – ông Alok Sharma nói.
Tương tự, ông Frans Timmermans - Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cho rằng, dù thỏa thuận không hoàn hảo nhưng là một sự tiến bộ: “Tôi rất hài lòng với với văn bản trong hiệp ước trong đó có việc việc loại bỏ dần than đá. Mặc dù Hiệp ước khí hậu Glasgow chưa đạt được sự mong đợi của tất cả các bên, nhưng nó giống như chuyển từ vàng 24 carat thành vàng 18 carat, dù gì thì nó vẫn là vàng. Ý tôi là, thực tế chúng ta đang thực hiện các bước đi đáng kể để loại bỏ than đá khỏi nhu cầu năng lượng của chúng ta".
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 nhưng cho rằng thế giới vẫn đối diện với nhiều nguy cơ và đứng trên "bờ vực thảm họa".
“Thỏa thuận phản ánh ý chí, quyền lợi và các mâu thuẫn vốn đang có trong chính trị quốc tế. Các nhà lãnh đạo thực hiện những bước quan trọng, nhưng tiếc rằng ý chí chính trị tập thể không đủ để vượt qua một số mâu thuẫn sâu sắc. Như tôi đã nói ở phần mở đầu, chúng ta phải tăng tốc hành động để giữ cho mục tiêu 1,5 độ C tồn tại. Hành tinh mong manh của chúng ta đang ở trong thế ngàn cân treo sợi tóc. Chúng ta vẫn có nguy cơ đối mặt với thảm họa về khí hậu. Đã đến lúc chuyển sang chế độ khẩn cấp - nếu không cơ hội chúng ta đạt phát thải ròng bằng 0 sẽ chỉ là con số không" – ông Antonio Guterres phát biểu.
Bi quan hơn, một số quốc gia đã đánh giá thỏa thuận này là thất bại. Bộ trưởng môi trường Grenada Simon Stiell nói: “Những nỗ lực thực hiện kể từ khi ký kết Hiệp định Paris đến nay vẫn chưa đủ. Chúng ta cần phải tiếp tục thúc đẩy. Các nước phát triển cần dẫn đầu thực hiện các mục tiêu khí hậu và thực hiện các cơ chế chống lại những mất mát thiệt hại mà chúng ta phải đối mặt từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác”.
Thậm chí, ông Saleemul Huq - Đặc phái viên về khí hậu của Bangladesh đã gọi kết quả COP26 hôm 13/11 là một "thất bại tuyệt đối": “Tôi e rằng, thỏa thuận là một thất bại tuyệt đối. Có thể có những điều tốt đẹp khác trong thỏa thuận nhưng tôi không quan tâm. Đó là bản án tử hình dành cho những người nghèo nhất trên hành tinh".
Trước đó, cùng ngày, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact). Nội dung đáng chú ý trong Hiệp ước này là tái khẳng định mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Hiệp ước kêu gọi các nước “giảm dần điện than, không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả", thừa nhận "sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”./.