Pháp có nguy cơ lún sâu vào bất ổn chính trị-xã hội vì cải cách hưu trí
VOV.VN - Ngày 16/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ đồng ý cho phép Chính phủ sử dụng điều 49.3 để thông qua Dự luật cải cách hưu trí mà không phải qua bỏ phiếu tại Quốc. Quyết định này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các lực lượng đối lập và các nghiệp đoàn lao động, có nguy cơ đẩy nước Pháp lún sâu vào bất ổn chính trị-xã hội.
Đã không có bất ngờ nào diễn ra trong sáng hôm qua, Dự luật cải cách hưu trí đã nhanh chóng được Thượng viện Pháp thông qua với đa số phiếu áp đảo nhờ sự ủng hộ của các thượng nghị sĩ đến từ đảng “Những người Cộng hoà” (LR) cánh hữu.
Sự chú ý sau đó đã đổ dồn về Cung điện Bourbon, trụ sở Quốc hội Pháp, nơi đang bị chia rẽ sâu sắc giữa Liên minh đa số tương đối theo đường lối trung hữu ủng hộ cải cách của Tổng thống và chính phủ với các lực lượng đối lập bao gồm các đảng cánh tả, cực tả và cực hữu. Khác với Thượng viện, các nghị sĩ thuộc đảng LR tại Quốc hội được xem là những người nắm quyền phán quyết đối với Dự luật cải cách hưu trí cũng bị phân nhóm sâu sắc.
Trước khả năng không thể giành được đa số phiếu tuyệt đối tại Quốc hội, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó đã khẩn cấp triệu tập Hội đồng bộ trưởng và bất ngờ đảo ngược quyết định khi cho phép Chính phủ sử dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để thông Dự luật cải cách hưu trí mà không cần tiến hành bỏ phiếu tại Quốc hội. Ông Macron tuyên bố chịu mọi trách nhiệm và khẳng định cải cách là lựa chọn đúng đắn để đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế.
Phát biểu tại Quốc hội chiều 16/3 trong tiếng la ó và phản đối dữ dội, Thủ tướng Pháp bà Elisabeth Borne giải thích: “Với lo ngại về khả năng sẽ chỉ thiếu một vài phiếu bầu, chính phủ không thể mạo hiểm để 175 giờ tranh luận tại Quốc hội bị lãng phí. Chúng ta cũng không thể mạo hiểm chứng kiến thoả hiệp mà hai viện lập pháp đã xây dựng nên bị bỏ rơi. Chúng ta cũng không thể để tương lai hưu trí bị đánh cược và dự luật cải cách này là cần thiết”.
Ngay sau tuyên bố sử dụng điều 49.3 của Thủ tướng, hàng nghìn người Pháp theo lời kêu gọi của các nghiệp đoàn lao động đã tập trung, đốt lửa và dựng chướng ngại vật tại quảng trường Concorde nằm ngay trước trụ sở Quốc hội để phản đối và tạo ra các khung cảnh hỗn loạn. Hàng loạt các cuộc tuần hành đã diễn ra tại các thành phố lớn khác trên toàn nước Pháp (như Marseille, Dijon, Nantes, Caen, Rennes, Nice…).
Các nghiệp đoàn lao động tuyên bố sẽ tiếp tục phát động các cuộc tuần hành vào cuối tuần này và một cuộc tổng đình công và biểu tình lớn trên toàn quốc vào ngày 23/3 tới.
Trong khi đó, các lực lượng chính trị đối lập chỉ trích gay gắt quyết định của Tổng thống và Thủ tướng đã làm suy yếu nền dân chủ Pháp, đồng thời tuyên bố sẽ trình các kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ.
Trong trường hợp các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên thất bại, Dự luật cải cách hưu trí của chính phủ dự kiến sẽ có hiệu lực kể mùa Hè năm 2023.
Theo các nhà phân tích, khả năng phe đối lập có thể lật đổ chính phủ đương nhiệm tại Pháp là không lớn khi chủ tịch đảng LR, Éric Ciotti tuyên bố không tham gia bỏ phiếu do lo ngại có thể khiến nước Pháp lún sâu hơn vòng xoáy bất ổn chính trị và xã hội kéo dài từ hơn 2 tháng qua./.