Quốc hội Pháp trước thềm bỏ phiếu Dự luật cải cách hưu trí
VOV.VN - Ngày 16/3, Hội đồng hỗn hợp Thượng viện và Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận lần cuối cùng và thông qua văn bản cho Dự luật cải cách hưu trí trước khi có thể trình lên Quốc hội để bỏ phiếu quyết định vào ngày 26/3 tới.
Cuộc họp của Hội đồng hỗn hợp, bao gồm 7 nghị sĩ thượng viện và 7 đại biểu Quốc hội, diễn ra sau khi Thượng viện Pháp, hôm 12/3, đã đạt được sự đồng thuận, về Dự luật cải cách hưu trí của chính phủ. Hiện Thủ tướng Elisabeth Borne đang tìm kiếm sự ủng hộ của các nghị sĩ ở Cung điện Bourbon để có thể xóa tan những bất đồng về dự luật này trước khi chạy đua nước rút cho cuộc bỏ phiếu cuối cùng ở Quốc hội vào ngày 26/3 sắp tới.
“Ngày mai, Hội đồng hỗn hợp sẽ biểu quyết cho Dự luật cải cách hưu trí. Họ sẽ xem xét và bầu cho điều đúng đắn nhất, không phải vì chính phủ hay bất cứ lý do gì. Bởi vì chúng tôi hoàn toàn tự hào rằng Dự luật này đã được sửa đổi dựa trên ý kiến của chuyên gia, các tổ chức xã hội và cả phe đối lập. Tôi và chính phủ cam kết sẽ làm tất cả để dự luật được thông qua trong vài ngày tới”, Thủ tướng Borne nói.
Việc có được sự đồng thuận của Hội đồng hỗn hợp là rất quan trọng đối với chính phủ Pháp, vì điều này sẽ giúp họ thống nhất ý kiến ở lưỡng viện (Thượng viện và Quốc hội) và có thêm sự ủng hộ từ các đại biểu hiện vẫn đang còn lưỡng lự cho phiên bỏ phiếu quyết định tại Quốc hội vào tuần sau.
Để có thể thông qua Dự luật cải cách hưu trí, chính phủ Pháp cần ít nhất 287 phiếu đồng thuận tại Quốc Hội và con số này sẽ có thể giảm xuống nếu có thêm nhiều phiếu trắng. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện có khoảng 220 đến 245 đại biểu cho biết họ sẵn sàng bỏ phiếu cho dự luật này của chính phủ. Trong khi đó, có tới 40 đại biểu của Đảng Cộng hòa (LR) vẫn chưa cho thấy sự ủng hộ rõ ràng.
Tuy nhiên, theo bà Valérie Boyer, phó chủ tịch Đảng Cộng hòa, Dự luật có nhiều khả năng được thông qua trong cuộc bỏ phiếu sắp tới: “Tôi ủng hộ Dự luật cải cách hưu trí này. Mặc dù chúng tôi (những nghị sĩ của đảng Cộng hòa) phải làm việc trong điều kiện khó khăn cũng như vấp phải sự phản đối của cánh tả, nhưng chúng tôi vẫn đồng ý thông qua dự luật cải cách này bởi vì nó đã đem đến được một số thay đổi quan trọng trong những vấn đề chúng tôi quan tâm”.
Trong kịch bản xấu nhất, các đại biểu đảng Cộng Hòa đều bỏ phiếu phủ quyết, dự luật sẽ không được thông qua. Khi đó, chính Phủ của bà Borne nhiều khả năng sẽ phải vận dụng các biện pháp khác để có đảm bảo dự luật được chấp thuận, kể cả việc sử dụng điều 49-3 của Hiến pháp, cho phép chính phủ nước này thông qua các dự luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội.
Tuy nhiên, dù Hội đồng hỗn hợp có thông qua văn bản cho Dự luật cải cách hưu trí hay không thì trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu quyết định tại Quốc hội vào ngày 26/3 tới, chính phủ Pháp vẫn phải đối mặt với làn sóng biểu tình ngày càng dâng cao tại nước này. Các lực lượng đối lập, đặc biệt là các đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” và đảng cựu hữu “Tập hợp quốc gia” tuyên bố sẽ tiếp tục phản đối và gửi kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ./.