Pháp-Đức gửi thông điệp “tích cực” tới Liên minh châu Âu
VOV.VN - Việc ký Hiệp ước “hợp tác và hội nhập Pháp-Đức” được cho là sẽ gửi đi một thông điệp “tích cực” tới Liên minh châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm nay (22/1) sẽ ký một hiệp ước mới nhằm tăng cường mối quan hệ giữa hai nước. Hiệp ước này được cho là sẽ gửi đi một thông điệp “tích cực” tới Liên minh châu Âu, trong bối cảnh khối này đang suy yếu do sự nổi lên của xu hướng dân túy.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters.
Hiệp ước “hợp tác và hội nhập Pháp-Đức” là sự bổ sung cho hiệp ước được ký từ năm 1963 giữa tướng De Gaulle và Nhà lãnh đạo Đức khi đó Konrad Adenauer nhằm hòa giải hai nước sau chiến tranh. Văn kiện cụ thể hóa những sự tương đồng về chính sách kinh tế, đối ngoại và quốc phòng của hai nước, nhấn mạnh sự hợp tác tại những khu vực xuyên biên giới, cũng như thiết lập một hội đồng nghị viện chung gồm 100 nghị sĩ Pháp và Đức.
Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, đây là một thời điểm quan trọng để cho thấy, cặp đôi Pháp-Đức sẵn sàng hành động vì sự phát triển của dự án châu Âu. Chưa bao giờ, Pháp và Đức lại có thể đi xa như thế trong lĩnh vực quốc phòng.
Phát biểu được xem là đề cập tới điều khoản phòng vệ chung giữa hai nước trong trường hợp bị tấn công, theo mô hình Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Pháp và Đức có thể phối hợp triển khai các biện pháp trong trường hợp bị tấn công khủng bố hay hợp tác trong các chương trình quân sự lớn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây tuyên bố, không chỉ dừng lại ở đây, Đức và Pháp mong muốn tiếp tục thúc đẩy các dự án chung tại châu Âu.
Việc ký kết hiệp ước quan trọng này diễn ra trong bối cảnh uy tín của hai nhà lãnh đạo đang giảm sút ở trong nước. Thủ tướng Merkel chuẩn bị rút khỏi vai trò lãnh đạo nước Đức vào năm 2021, trong khi Tổng thống Pháp Macron đang phải đối mặt với phong trào “Áo vàng” kéo dài suốt từ cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, hiệp ước cũng không đồng nghĩa với việc Pháp và Đức thống nhất lập trường trong tất cả các vấn đề. Hai nước vẫn bất đồng sâu sắc liên quan tới các vấn đề thuế, ngân sách khu vực đồng tiền chung châu Âu hay xuất khẩu vũ khí./.