Pháp thông qua luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân”
VOV.VN - Quốc hội Pháp hôm qua (21/3) đã thông qua Luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân” để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như hướng tới các mục tiêu khí hậu và phát triển nền kinh tế xanh và bền vững.
Khác với bầu không khí căng thẳng và thù địch trong các phiên thảo luận về Dự luật cải cách hưu trí đang gây tranh cãi, dự luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân” đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ đa số nghị sĩ Quốc hội và Thượng viện Pháp.
Theo những nội dung chính được thông qua, chính phủ Pháp đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ mở rộng các nhà máy điện hạt nhân sẵn có và nhất là xây thêm 6 nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới EPR2. Để đạt được mục tiêu trên, các thủ tục hành chính liên quan đến các vấn đề như lựa chọn địa điểm, cấp giấy phép xây dựng, thiết kế, thi công… sẽ được giảm bớt và đơn giản hoá nhằm rút ngắn thời gian xây dựng có thể kéo dài lên đến 15 năm.
Luật “Tăng cường năng lượng hạt nhân” mới của Pháp cho phép việc xem xét kéo dài thời gian vận hành của các nhà máy điện hạt nhân hiện nay lên trên 35 năm để ứng phó với cuộc khủng hoảng năm lượng hiện nay.
Mức khống chế tỷ lệ điện hạt nhân chỉ chiếm tối đa 50% tổng sản lượng điện cũng được gia hạn đến năm 2035, tăng thêm 10 năm so với dự kiến trước đó. Năm 2022, điện hạt nhân của Pháp vẫn chiếm hơn 60% cơ cấu sản lượng điện của Pháp dù một nửa trong tổng số 56 lò phản ứng hạt nhân phải dừng hoạt để bảo trì hoặc do thiếu nước làm mát.
Công tác giám sát an toàn hạt nhân sẽ do Viện bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân (IRSN) và Cơ quan an toàn hạt nhân Pháp (ASN) đảm nhiệm.
Điện hạt nhân là thế mạnh của Pháp và được kỳ vọng góp phần bảo đảm chủ quyền năng lượng quốc gia khi cả châu Âu bị lộ thế yếu điểm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài, nhất là từ Nga.
Trong nhiệm kỳ thứ 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt ưu tiên đầu tư vào điện hạt nhân, coi đây là vấn đề cấp bách. Điện hạt nhân được coi là một trong ba trụ cột chính giúp Pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải nhà kính vào năm 2050, song song với việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và chính sách tiết kiệm năng lượng./.