Pháp tiếp tục rối loạn trong Ngày biểu tình thứ 11 phản đối cải cách hưu trí
VOV.VN - Nước Pháp hôm qua (6/4) tiếp tục trải qua một biến động với các cuộc tuần hành quy mô lớn xen lẫn bạo lực diễn ra trên toàn quốc để phản đối dự luật hưu trí. Đại diện các nghiệp đoàn cho biết sẽ tiếp tục phát động biểu tình và đình công cho đến khi chính phủ thu hồi dự luật.
Tại thủ đô Paris, bầu không khí đặc biệt căng thẳng trên đại lộ Montparnasse và tại quảng trường Italie với các vụ va chạm giữa người biểu tình với lực lượng an ninh. Nhiều người biểu tình quá khích đã sử dụng đá, chai lọ và các vật thể lạ ném vào lực lượng cảnh sát.
Nhà hàng Rotonde nằm trên đại lộ Montparnasse, địa điểm được cho là nơi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thường xuyên ghé thăm đã trở thành tâm điểm thu hút, bị số cực đoan tấn công, đốt phá bên ngoài trước khi bị lực lượng an ninh trấn áp.
Các cuộc biểu tình và xô xát tương tự cũng đồng loạt diễn ra trên khắp nước Pháp, nhất là tại các đô thị lớn như Marseille, Lyon, Bordeaux, Nantes, Rennes... Phía các nghiệp đoàn ước tính đã có khoảng hơn 2 triệu người Pháp tham gia tuần hành ngày hôm qua.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Pháp cho biết số người hưởng ứng đã giảm so với các ngày tuần hành lớn trước đó với chỉ khoảng 570.000 người, trong đó riêng thủ đô Paris là 57.000 người. Hoạt động đình công trong ngành giao thông đường sắt cũng giảm mạnh, trong khi Bộ Giáo dục Pháp thông báo chỉ có khoảng 8% giáo viên tham gia đình công.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp ông Gérald Darmanin đã lên tiếng chì trích các hành động quá khích của người biểu tình, đã khiến 154 nhân viên an ninh bị thương, trong đó một số bị thương nặng, phải nhập viện. Tính đến đêm ngày hôm qua, lực lượng an ninh đã bắt giữ, thẩm vấn 222 trường hợp.
Đại diện nghiệp đoàn phong trào đấu tranh cho công nhân (FO) bà Patricia Drevon tuyên bố các nghiệp đoàn sẽ tiếp tục phát động ngày tuần hành và đình công mới, đồng thời đã gửi kiến nghị lên Hội đồng Hiến Pháp xem xét ra ra quyết định không thông qua Dự luật cải cách hưu trí dự kiến sẽ được công bố vào ngày 14/4 tới.
“Cải cách này được xem là thô bạo và bất công cho tất cả người lao động nam và nữ cũng như tầng lớp thanh niên bởi họ sẽ phải làm việc lâu hơn nữa. Các nghiệp đoàn kêu gọi Ngày tuần hành và đình công tiếp theo vào 13/4 và ủng hộ mọi biểu tình, kể cả vào ngày 14/4 tới với mục tiêu dự luật sẽ được thu hồi”.
Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy quyết tâm thực hiện cải cách hưu trí đã khiến uy tín của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Elisabeth Borne tiếp tục sụt giảm mạnh, chỉ còn lần lượt là 25% và 22%, mức thấp nhất kể từ khi tái cử nhiệm kỳ 2./.