Phi công MH370 dùng điện thoại để liên lạc khi ở trên không
VOV.VN - Lực lượng tình báo, cảnh sát đang tích cực điều tra vụ MH370 trong lúc có thêm những phát hiện mới.
Một thành viên phi hành đoàn chuyến bay MH370 đã thực hiện cuộc gọi từ điện thoại di động của mình khi chiếc phi cơ này bay thấp gần Penang (Malaysia) vào buổi sáng nó biến mất (8/3).
Bước đột phá mới nhất trong quá trình điều tra hình sự về vụ này đã xác định được cuộc gọi này phát đi từ điện thoại cá nhân của cơ phó Fariq Abdul Hamid.
Các điều tra viên đang xâu chuỗi các sự kiện vào thời khắc trước khi máy bay MH370 của Malaysia biến mất khỏi radar (ảnh: Reuters) |
Tờ New Straits Times (Malaysia) được biết các điều tra viên đang nghiền ngẫm về phát hiện này trong lúc họ cố gắng xâu chuỗi những gì đã xảy ra trước khi chiếc phản lực Boeing 777-22ER biến mất khỏi radar ở vị trí cách Penang 320km về phía tây bắc vào hôm 8/3.
Người ta hiểu rằng chiếc máy bay chở 239 người trên khoang đã bay ở độ cao đủ thấp để tháp viễn thông vẫn có thể bắt được tín hiệu điện thoại của người cơ phó.
Tuy nhiên, cuộc gọi của Fariq đã ngừng đột ngột. New Straits Times không thể khẳng định chắc chắn Fariq đã gọi điện cho ai vì các nguồn tin chủ ý không tiết lộ chi tiết của cuộc điều tra.
>> Đọc thêm: Các mốc thời gian đáng lưu ý trong vụ phi cơ MH370 mất tích
“Lý do cuộc gọi bị ngắt có thể là máy bay đang bay nhanh qua tháp và không nằm trong vùng phủ sóng của trạm phát sóng di động tiếp theo nữa,” các nguồn tin cho hay.
Người ta cũng phát hiện thêm lần liên lạc cuối cùng của Fariq qua ứng dụng WhatsApp Messenger là vào khoảng 11h30 tối hôm 7/3, ngay trước khi anh này lên phi cơ để tham gia chuyến bay 6 tiếng đồng hồ tới Bắc Kinh.
Ngoài Fariq có liên lạc bằng ứng dụng WhatsApp messenger còn có tiếp viên trưởng Goh Sock Lay (45 tuổi) vào lúc 11h30, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah (53 tuổi) vào lúc 7h45 tối, khoảng 5 tiếng trước lúc cất cánh.
Phóng viên của New Straits Times cũng được thông tin rằng kiểm tra lịch sử cuộc gọi của điện thoại Fariq cho thấy người cuối cùng mà anh gọi là một trong những người mà anh hay liên lạc (hay xuất hiện trên nhật ký cuộc gọi)”.
Cuộc gọi được thực hiện vào thời điểm không quá 2 tiếng đồng hồ trước khi máy bay cất cánh vào lúc 0h41 sáng từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur.
Một nhóm nguồn tin khác thân cận với cuộc điều tra thì lại thông báo cho New Straits Times rằng kiểm tra đối với liên lạc điện thoại của Faria cho thấy kết nối với điện thoại đã được ngắt trước khi máy bay cất cánh. Tuy nhiên “khi máy bay ở trên không trung, giữa tọa độ Igari và điểm gần Penang (trước khi biến mất khỏi radar), đường liên lạc điện thoại đã được nối lại”. Theo các nguồn tin, việc nối lại có thể đơn giản là do điện thoại di động được bật trở lại.
>> Đọc thêm: 54 phút liên lạc cuối cùng giữa MH370 và kiểm soát không lưu
Chiếc phi cơ với 12 thành viên phi hành đoàn được cho là cất cánh lúc 0h35 sáng. Nó đã biến mất khỏi màn hình radar khoảng 1 tiếng sau đó, khi đang bay trên Biển Đông. Theo lịch trình máy bay sẽ tới Bắc Kinh vào lúc 6h30 sáng cùng ngày.
Giới chuyên gia khẳng định điện thoại di động có thể kết nối ở độ cao 7.000 feet (xấp xỉ 2,1km) với trạm phát sóng. Mà các nhà điều tra cho hay máy bay MH370 đã hạ xuống độ cao 5.000 feet sau khi quay ngược đầu tại tọa độ Igari ở Biển Đông trước khi vượt qua Bán đảo Malaysia để hướng về Penang.
Trong khi đó, người họ hàng 18 tuổi Nursyafiqah Kamarudin của Fariq vào hôm 7/4 khẳng định với tờ New Straits Times rằng anh cơ phó này bước sang tuổi 28 vào ngày 1/4 và rất thân với mẹ.
“Nếu Fariq có gọi điện trước khi máy bay mất tích thì chỉ có thể là gọi cho mẹ thôi”, nguồn tin này nói.
Tổng thanh tra cảnh sát Tan Sri Khalid Abu Bakar vào hôm 2/4 cho biết họ đã “thu được một số manh mối” về những gì có thể đã xảy đến với chuyến bay dựa trên các tuyên bố đã ghi được của 176 người. Theo Khalid, phi hành đoàn vẫn là các đối tượng điều tra chính.
>> Xem thêm: Đài Nga lên tiếng về thông tin MH370 bị giam ở Afghanistan
Điều tra của cảnh sát tập trung vào 4 khả năng: không tặc, phá hoại, các vấn đề cá nhân, và các vấn đề tâm lý.
Nhóm cảnh sát tiến hành điều tra vụ này là nhóm riêng, tách biệt với Nhóm Điều tra Quốc tế bao gồm các cơ quan có kiến thức chuyên sâu về liên lạc vệ tinh và hoạt động của phi cơ.
Nhóm quốc tế đã làm việc trong nhiều tuần qua, tinh lọc các dữ liệu bao gồm các dữ liệu trích từ radar và vệ tinh, để thu hẹp khu vực tìm kiếm trên Ấn Độ Dương.
Mặc dù một số chi tiết về cuộc điều tra của Nhóm Quốc tế đã được công bố để làm yên lòng các gia đình có người thân trên chuyến bay và đáp ứng yêu cầu thông tin từ phía truyền thông, cảnh sát cho hay họ không thể tự do cung cấp chi tiết cụ thể vì điều này có thể phá hỏng cuộc điều tra của họ.
Lực lượng FBI của Mỹ đã hỗ trợ cảnh sát Malaysia về cả thông tin tình báo và kiến thức nghiệp vụ.
>> Xem thêm: Dùng robot sục sạo đáy biển để tìm phi cơ MH370
Tuần trước New Straits Times cho hay các điều tra viên đã khảo sát hàng trăm giờ video clip lấy từ các hệ thống camera theo dõi ở hầu hết mọi góc của sân bay Kuala Lumpur cũng như trên các ngả đường dẫn tới sân bay này./.