Phiến quân Iraq đe dọa Trung Đông khiến phương Tây lo ngại
VOV.VN - Phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa này, trong khi Mỹ cũng tuyên bố điều động thêm binh sỹ tới Iraq trong nỗ lực ngăn chặn sự "trỗi dậy" của lực lượng phiến quân Hồi giáo.
Thách thức an ninh không chỉ ở Iraq mà cả khu vực Trung Đông đang ngày càng gia tăng khi nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) tuyên bố thành lập một nhà nước Hồi giáo tại các khu vực mà nhóm này kiểm soát ở Iraq và Syria. Phương Tây đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa này, trong khi Mỹ cũng tuyên bố điều động thêm binh sỹ tới Iraq trong nỗ lực ngăn chặn sự "trỗi dậy" của lực lượng phiến quân Hồi giáo.
Cùng với việc kiểm soát một phần lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc và Tây Iraq, nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông tuyên bố thành lập “Nhà nước Hồi giáo”, sẽ kéo dài từ thành phố Aleppo tại phía bắc Syria tới tỉnh Diyala ở phía Đông Iraq. Việc thiết lập một nhà nước Hồi giáo của người Sunni và cai trị bằng luật Hồi giáo hà khắc từ lâu đã trở thành mục tiêu của các phiến quân.
Trong một đoạn băng ghi âm được tải lên internet, nhóm phiến quân tuyên bố thủ lĩnh của nhóm, Abu Bakr al-Baghdadi, sẽ trở thành lãnh đạo của nhà nước Hồi giáo và là “lãnh đạo của người Hồi giáo ở khắp mọi nơi”. Các phần tử nổi dậy cũng yêu cầu tất cả những người Hồi giáo “cam kết trung thành” với nhà lãnh đạo mới và “phản đối dân chủ và những thứ rác rưởi khác từ phương Tây”.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã lên tiếng cảnh báo về “bước tiến” của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman, đang ở thăm Đức ngày 30/6, ông Steinmeier cho biết: “Bước tiến của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) không chỉ là mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, mà cả khu vực Trung Đông. Chúng ta không thể để chúng trở thành hang ổ của khủng bố và bạo lực bằng việc tuyên bố cái gọi là nhà nước Hồi giáo”.
Ngoại trưởng Đức cũng cho rằng giải pháp cho bất ổn hiện nay ở Iraq cần phải do chính người Iraq đưa ra thông qua việc thành lập một Chính phủ với đại diện của tất cả các khu vực và tôn giáo.
Sau khi nhóm Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo, Mỹ đã quyết định tăng viện cho lực lượng Chính phủ Iraq trong nỗ lực ngăn chặn đà tiến công của lực lượng phiến quân. Các quan chức Mỹ cho biết đang điều thêm 300 binh sĩ nữa tới Iraq để tăng cường an ninh Đại sứ quán Mỹ và các khu vực khác ở Thủ đô Baghdad nhằm bảo vệ công dân và tài sản của Mỹ. Theo Lầu Năm Góc, với số binh sĩ tăng viện này, hiện Mỹ đang có gần 750 quân đang hiện diện ở Iraq.
Trước đó, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cảnh báo rằng nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraqvà Cận Đông (ISIL) đang lôi kéo các phần tử chủ chiến cực đoan vào cả Iraq và Syria có thể tạo nên một mối đe dọa cho an ninh quốc gia của nước Mỹ.
Ông Obama bày tỏ lo ngại những người châu Âu mà ông gọi là “hiếu chiến” tham gia phong trào thánh chiến ở Syria và Iraq đang đe dọa Mỹ, vì hộ chiếu của những đối tượng này giúp họ có thể nhập cảnh Mỹ mà không cần thị thực. Để ngăn chặn sự thâm nhập của các đối tượng này, ông Obama cho biết đã chỉ thị cho giới chức tình báo và thực thi pháp luật Mỹ gia tăng các hoạt động tình báo, do thám và tăng cường công tác giám sát an ninh tại các cửa khẩu, các tuyến biên giới, nhất là các sân bay.
Theo các nhà phân tích, tổ chức thánh chiến cuồng tín Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông được sản sinh từ mạng lưới khủng bố al-Qaeda và cuộc chiến tại Iraq do Mỹ đứng đầu hồi năm 2003. Sau khi Mỹ rút quân, Chính quyền Iraq với quyền lực giao cho cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite, kỳ thị người Sunni và nạn tham nhũng đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq phát triển lực lượng./.