Philippines giải cứu hơn 2.700 nạn nhân buôn người từ 18 nước
VOV.VN - Cảnh sát Philippines hôm qua (27/6) đã tổ chức một cuộc đột kích lớn, giải cứu hơn 2.700 lao động từ 18 quốc gia, với nhiều người được cho là nạn nhân của các vụ buôn người.
Tình trạng lừa đảo qua mạng Internet ở khu vực châu Á diễn biến ngày càng đáng quan ngại trong thời gian qua. Trong đó, nhân viên làm việc cho các trang mạng lừa đảo chính là các nạn nhân buôn người bị dụ dỗ làm những công việc quảng cáo cho các hoạt động đầu tư tiền ảo bất hợp pháp.
Số lượng nạn nhân buôn người được giải cứu khỏi 7 tòa nhà ở thành phố Las Pinas thuộc vùng đô thị Manila. Đây là cuộc đột kích lớn nhất từ đầu năm đến nay, làm dấy lên lo ngại Philippines đã trở thành cơ sở hoạt động chính của các tổ chức tội phạm mạng.
Tình trạng lừa đảo qua Internet đã trở thành một vấn đề lớn ở châu Á với các báo cáo về những người trong và ngoài khu vực, bị dụ dỗ làm việc ở các quốc gia khác với mức lương cao. Tuy nhiên nhiều người trong số này bị lạm dụng, ngược đãi và ép buộc phải tham gia dụ dỗ người chơi vào các trò lừa đảo qua mạng internet, các trò chơi trực tuyến.
Tháng 5 vừa qua, cảnh sát Philippines cũng đã đột kích vào một cơ sở tội phạm mạng khác ở thành phố Mabalacat phía bắc Manila, giải cứu gần 1.400 lao động, bị ép thực hiện các vụ lừa đảo tiền điện tử.
Cảnh sát cho biết các lao động đã bị thu hút bởi những lời đề nghị lương cao và điều kiện làm việc lý tưởng ở các quảng cáo trên Facebook, nhưng thực tế các cam kết về "việc nhẹ lương cao" chỉ là một trò lừa bịp. Họ phải làm việc theo ca 12 giờ mỗi ngày với mức lương thấp và bị cấm rời khỏi khu nhà. Nhiều người cho biết cố gắng thoát khỏi nơi làm việc nhưng bị buộc phải trả một số tiền rất lớn và lo sợ bị bán cho các tổ chức tội phạm khác.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Labuan Bajo của Indonesia vào tháng 5 vừa qua, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thắt chặt kiểm soát biên giới và thực thi pháp luật, đồng thời tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, để chống lại các tổ chức tội phạm buôn người sang các quốc gia khác, nơi lao động bị ép tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến.