Philippines: Hàng cứu trợ chất đống vì ách tắc giao thông
VOV.VN - Cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề bởi siêu bão Haiyan khiến cho hàng tấn hàng viện trợ vẫn chưa thể đến tay người dân.
Một ngày sau khi siêu bão Haiyan đổ bộ vào bờ biển phía Đông Philippines, một nhóm các bác sỹ và chuyên gia điều phối hàng hóa đã sẵn sàng bay đến thành phố bị thiệt hại nặng nề nhất sau bão để cứu trợ. Tuy nhiên cho đến ngày 12/11 tức là 5 ngày sau đó họ vẫn phải chờ đợi để được phép cất cánh.
Ách lại ngay tại sân bay
Hàng hóa viện trợ như thuốc men, nước sạch và thực phẩm đang đổ dần về thành phố Tacloban trên nhiều chiếc xe tải, máy bay và phà thông qua sự viện trợ của chính quyền Philippines và các nước trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, mức độ tàn phá khủng khiếp của cơn bão cũng như nhiều thách thức khác trong việc phân phát hàng hóa khiến cho rất ít người trong thành phố hoang tàn và ngập tràn xác chết này có thể nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Một người Mỹ đứng trong kho hàng viện trợ ngổn ngang hàng hóa chưa được chuyển đi (Ảnh Reuters) |
Một nhóm từ tổ chức Medecins Sans Frontieres, đã hoàn tất việc chuyển thuốc men dến đảo Cebu vào ngày 9/11 và tìm cách để bay đến Tacloban những cho đến ngày 12/11 vẫn chưa thể bay được. Một phát ngôn viên của nhóm cho biết “thật khó có thể xác định” khi nào họ có thể bay.
“Chúng tôi đang liên lạc với nhà chức trách, nhưng sân bay Tacloban hiện chỉ dành riêng cho quân đội Philippines sử dụng”, Lee Pik Kwan cho biết.
Hàng nghìn người hy vọng được giải cứu khỏi thành phố Tacloban đã cắm trại xung quanh sân bay và chạy thẳng đến đường băng khi máy bay hạ cánh sau khi đã đạp đổ những hàng rào sắt đã bị hư hại trước sự thờ ơ không hề ngăn cản của cảnh sát và binh sỹ. Tuy nhiên chỉ có vài trăm người được phép lên máy bay.
“Chúng tôi cần sự giúp đỡ mà chả thấy ai hành động gì”, Aristome Balute, một cụ bà 81 tuổi người không được lên máy bay rời khỏi thành phố chia sẻ, “chúng tôi đã không ăn uống gì từ chiều ngày hôm qua”. Quần áo của bà đã đẫm nước trong mưa và những giọt nước mắt không ngừng tuôn rơi trên mắt bà.
Trong chuyến đi dài 7km xung quanh thị trấn trung tâm thành phố ngày 13/11, một phóng viên của AP đã đếm được cả thảy hơn 40 xác chết. Phóng viên này không hề nhận thấy sự hiện diện của bất kỳ tổ chức nào cung cấp hàng hóa, nước uống hay thuốc men mặc dù hàng tấn hàng hóa đã chất đống sẵn tại sân bay. Một vài người đang xếp hàng để lấy nước từ một vòi nước công cộng của thành phố.
Viện trợ “nhỏ giọt” trong thành phố
“Có rất nhiều công việc cần phải làm tuy nhiên hiện giờ chúng tôi vẫn chưa đến được những nơi hẻo lánh,” Giám đốc Cơ quan Viện trợ Nhân đạo Liên Hợp Quốc Valeria Amos tuyên bố tại Manila.
“Ngay cả trong thành phố Tacloban, chúng tôi cũng chưa thể cung cấp đủ số hàng viện trợ như chúng tôi mong muốn do thành phố bị phá hủy nặng nề cũng như những khó khăn khác về điều phối hàng hóa. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để chuyển thêm nhiều hàng hóa hơn nữa”, bà Amos khẳng định.
Người dân Philippines xếp hàng nhận hàng viện trợ (Ảnh AFP) |
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Edwin Lacierda tuyên bố số hàng viện trợ đang đến thành phố Tacloban và nguồn cung cấp hàng hóa sẽ tăng lên trong vài ngày tới do sân bay cũng như cây cầu duy nhất tới thành phố đã được mở cửa trở lại.
“Chúng tôi sẽ không bỏ rơi một ai”, ông Lacierda cam kết “Chúng tôi sẽ giúp họ dù có khó khăn như thế nào”.
Các bác sỹ tại Tacloban nói rằng họ đang cần thêm nhiều thuốc hơn nữa. Tại một phòng khám gần một trạm kiểm soát không lưu bị tàn phá nặng nề, các bác sỹ quân y cho biết họ đã chữa trị cho khoảng 1.000 người bị xây xước, rách ra hoặc các vết thương sâu.
“Thật là hỗn loạn”, Đại úy Không quân Anotonio Tamayo cho biết, “Chúng tôi cần thêm thuốc men. Chúng tôi không thể tiêm vaccine chống uốn ván vì chúng tôi không còn thuốc”.
Những người còn sống sót cho đến nay vẫn không hề có nước sạch, thực phẩm và nơi trú ẩn cũng như sự trợ giúp y tế. Có rất nhiều khả năng bệnh dịch sẽ bùng phát và có nhiều người chết do các vết thương họ gặp phải trong cơn bão.
Vật lộn để sinh tồn
Số lượng người chết trong bão theo thống kê chính thức đã lên tới con số 1.1774 trong ngày 12/11 mặc dù chính quyền Philippines tuyên bố con số này có thể sẽ tăng nhanh đáng kể. Chính quyền cùng lo ngại con số ước tính 10.000 người chết có thể là chính xác hoặc thậm chí là vẫn còn thấp. Hơn 9 triệu người đã bị ảnh hưởng trong cơn bão trên khắp cả nước và hầu hết trong số họ giờ trở thành vô gia cư.
Tacloban, thành phố 220.000 dân trên đảo Leyta đã phải hứng chịu sức gió mạnh nhất và những cơn sóng khủng khiếp trong bão. Hầu hết thành phố bị tàn phá nặng nề và giờ trở thành một mớ hỗn độn của nhà cửa đổ nát, xe cộ bị đè bẹp và cây cối ngổn ngang. Các trung tâm thương mại và cửa hàng đều bị cướp sạch cả thực phẩm và nước uống bởi những nạn nhân của bão sống trong thành phố.
Thành phố Tacloban tan hoang sau bão (Ảnh AFP) |
Thành phố Tacloban và các khu vực lân cận, bao gồm một phần đảo Samar dường như không còn sự sống. Nhiều khả năng những khu vực này sẽ trở thành nơi hoang phế do nhiều người sống sót không thể di chuyển đến nơi khác do hệ thống giao thông và thông tin bị tê liệt.
Hầu hết người dân Tacloban phải qua đêm dưới mưa tầm tã trong những ngôi nhà tan hoang sau bão, bên vệ đường và dưới những tán cây. Một vài người ngủ trong lều do các nhóm cứu trợ hoặc chính phủ cung cấp.
“Việc nhóm cứu trợ đến đây cũng chả giúp được gì. Họ đều biết đây là một thảm kịch, họ biết nhu cầu của chúng tôi là rất cấp thiết. Chúng tôi phải trú ẩn ở đâu bây giờ?” cháu gái bà Aristone Balute, Mylene, cho biết “Chúng tôi rất hoang mang và không biết phải nhờ cậy ai”.
Đường xá bị phá hủy khiến cho những nổ lực cứu trợ thêm khó khăn, nhiều quan chức chính phủ, cảnh sát và quân đội cũng trở thành nạn nhân trong khi đang thi hành nhiệm vụ cứu trợ.
Tại cảng Matnog nơi các chuyến phà chở hàng hóa đến Samar, một đảo khác cũng bị hủy hoại nghiêm trọng trong cơn bão, hàng tá những chiếc xe tải chất đống hàng viện trợ đang chờ được chở qua phà. Tại thủ đô Manila những người lính đang chất bình nước, thuốc men và hàng hóa lên chiếc máy bay C-130 để mang hàng đến các khu vực thảm họa.
Cho đến giờ, cũng có một vài nạn nhân của bão đã gặp may như trường hợp của người lái xe tải 42 tuổi Joselito Caimoy. Ông đã được gặp vợ và người con trai và con gái 3 tuổi trước khi họ lên máy bay rời khỏi Tacloban. Họ ôm chặt lấy nhau và nước mắt cứ tuôn rơi khi nói lời từ biệt vì Caimoy quyết định ở lại để bảo vệ tài sản còn lại trong nhà mình.
“Mọi người đang dọn dẹp đường phố và xin thức ăn từ bạn bè, họ hàng. Sức tàn phá của bão thật khủng khiếp. Hàng hóa trong trung tâm thương mại, các quầy thực phẩm bị cướp sạch, ông Caimoy nói, “Tất cả đều trống rỗng vì người dân đã rất đói và các nhà chức trách không thể kiểm soát được mọi người”./.