2.500 người thiệt mạng trong siêu bão Haiyan ở Philippines
VOV.VN - Con số này thấp hơn rất nhiều so với ước tính ban đầu về một kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra với Philippnes sau bão.
Tổng thống Philippines Benigo Aquino ước tính số người chết trong siêu bão Haiyan tại Philippines vào khoảng 2.000-2.500 người trong khi con số chính thức tạm dừng ở mức 1.798 bao gồm gần 1.300 người ở tỉnh Leyte trong đó có 244 người tại thủ phủ Tacloban của tỉnh này.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn, ông Aquino cho biết con số ước tính này còn có thể cao hơn nhiều do nhà chức trách Philippines vẫn chưa thể tiếp cận được với gần 30 thành phố và thị trấn.
Những người sống sót sau bão ở Philippines tìm mọi cách lên máy bay đến nơi an toàn (Ảnh AP) |
“Con số 10.000 ban đầu theo tôi là quá lớn. Có thể đã có những thổi phồng thái quá do tác động về tâm lý trong những ước tính ban đầu”, ông Aquino cho biết.
Các nhóm cứu hộ vẫn chưa thể đến được với nhiều khu vực hẻo lánh của nước này, bao gồm thành phố Guian có dân số khoảng 40.000 người đã trở nên xơ xác sau bão.
Một giám đốc cảnh sát tại Philippines hôm 10/11 đã đưa ra con số người thiệt mạng do bão Haiyan lên tới 10.000 người.
Ngày 12/11, những nạn nhân sống sót sau bão đã sục sạo tìm kiếm từng mẩu thức ăn và nhiều gia đình đang ở trong tình trạng tuyệt vọng đã cố gắng tràn lên 2 chiếc máy bay hạ cánh tại sân bay quân sự Philippines để đưa họ rời khỏi thành phố Tacloban vốn cũng đã tan hoang sau bão.
Gần 2.600 người được xác nhận là đã bị thương trong bão, trong đó có ít nhất 1.800 người chỉ riêng trong khu vực thành phố Tacloban. Con số này dự tính sẽ tăng lên nhanh chóng khi các đội tìm kiếm khẩn cấp tiếp cận được với những khu vực bị bão phá hủy.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki hôm 12/11 tuyên bố có 2 người Mỹ đã thiệt mạng trong bão. Bà Psaki cho biết con số này có thể thay đổi khi có thêm những thông tin về bão.
Chuẩn tướng Paul Kenedy, người đứng đầu các chiến dịch cứu trợ của Mỹ đã kêu gọi thế giới cần phải có những biện pháp hỗ trợ Philippines và cảnh báo rằng việc này cần phải tiến hành nhanh chóng do thời gian không còn nhiều.
“Toàn bộ thế giới cần phải tham gia vào việc này, nhất là các nhóm tài trợ”, ông Kenedy tuyên bố với kênh NBC News tại một căn cứ quân sự ở Manila nơi tiếp nhận hầu hết số hàng hóa viện trợ gửi tới các khu vực chịu thảm họa của Philippines.
“Có rất nhiều người vẫn đang phải chịu đựng hậu quả của bão trong đêm nay. Nếu chúng ta hành động sau một tuần nữa thì sẽ quá muộn. Chúng ta phải hành động ngay trong đêm nay,” ông Kenedy nhấn mạnh.
Quân đội Mỹ đã gọi chiến dịch hỗ trợ của mình là “Chiến dịch Damayan” và từ Damayan trong tiếng Philippines có nghĩa là trợ giúp.
Mỹ đã gửi tàu sân bay USS George Washington chở 5.000 thủy thủ và 80 máy bay cùng với 3 tàu chiến hải quân bao gồm 2 tuần dương hạm USS Antietam và USS Cowpens và tàu khu trục USS Mustin đến khu vực Thái Bình Dương vào đêm 12/11. Các tàu của Mỹ dự kiến sẽ đến Phillipinnes sau khi được điều động khoảng 36h.
Tàu chở hàng UNNS Charles Drew cũng đã lên đường và sẽ sớm tham gia vào đội tàu USS George Washington. Tàu khu trục USS Lessen đã bắt đầu lên đường vào ngày 12/11 nhưng hiện vẫn chưa rõ thời gian tàu này đến Philippines.
Hai tàu đổ bộ của Mỹ USS Ashland và USS Germantown cũng chuẩn bị đến Philippines để tham gia vào nỗ lực cứu trợ nước này. Hai tàu này hiện đang ở Sasebo, Nhật Bản nhưng sẽ đến Okinawa vào ngày 12/11 để đón lược lượng lính thủy đánh bộ cùng với hàng hóa viện trợ tại đây trước khi đến Philippines.
Chính quyền Mỹ cũng tuyên bố rằng nước này sẽ hỗ trợ 20 triệu USD để giúp đỡ Philippines.
Nỗ lực cứu trợ quốc tế cũng đang được ráo riết thực hiện với việc nhiều nước và các tổ chức trên thế giới đã cam kế giúp đỡ hàng triệu USD. Liên Hợp Quốc ngày 11/11 đã phê chuẩn gói cứu trợ trị giá 25 triệu USD lấy từ Quỹ Đối phó Khẩn Cấp Trung tâm của Liên Hợp Quốc./.