Philippines kiện, Trung Quốc không quan tâm
(VOV) - Trung Quốc đã gửi trả Philippines công hàm về đưa tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông lên Tòa án Trọng tài của Liên Hợp Quốc.
Tại cuộc họp báo ngày 19/2 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã khẳng định điều này.
Cụ thể, ông Hồng Lỗi cho biết, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Khanh đã hội đàm với các quan chức Bộ Ngoại giao Philippines cùng ngày và bà Mã đã thông báo Trung Quốc không chấp nhận và trả lại bức công hàm cùng thông báo kèm theo của Philippines.
Người phát ngôn Hồng Lỗi lặp lại các lời lẽ quen thuộc của Trung Quốc, rằng nước này “có lịch sử và cơ sở pháp lý đầy đủ chứng tỏ chủ quyền” đối với các quần đảo và vùng nước trên Biển Đông, kể cả bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà Manila tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Bằng ngôn từ rất mạnh, ông này khẳng định đơn kiện của Philippines là “sai lầm nghiêm trọng về sự thực và pháp lý”, là bóp méo sự thật, và có những cáo buộc không thể chấp nhận được với Trung Quốc.
Không hề nao núng
Phía Bộ Ngoại giao Philippines, trong một tuyên bố ngày 18/2, cho rằng việc Trung Quốc trả lại công hàm sẽ không ảnh hưởng tới quy trình tố tụng mà Philippines đã khởi động.
Người Philippines cắm cờ lên khu vực bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham (ảnh: philippines defence) |
"Philippines vẫn tiếp tục quá trình tố tụng, vốn là một cách thân thiện, hòa bình và bền vững để giải quyết các tranh chấp mà lẽ ra tất cả các bên nên hoan nghênh", tuyên bố có đoạn. “Ngay cả khi tòa ra phán quyết chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh có thể hoàn toàn phớt lờ”.
Trung Quốc có thời hạn đến ngày 21/2 để trả lời dứt khoát có đồng ý ra trước Tòa án Quốc tế với Philippines hay không.
Tháng 1/2013, Philippines đã thông báo với Bắc Kinh về việc đã kiện “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Liên Hợp Quốc, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Có vẻ đã cạn kiệt các khả năng chính trị và ngoại giao trong giải quyết tranh chấp, Manila muốn tòa án tuyên bố những động thái của Trung Quốc ở vùng biển Đông là bất hợp pháp.
Giới quan sát cho rằng việc Bắc Kinh bác bỏ công hàm của Philippines không có gì bất ngờ, bởi lẽ nước này luôn tìm cách thảo luận song phương, nhằm tận dụng sức mạnh nước lớn trước các nước láng giềng nhỏ yếu hơn.
Dư luận hiện quan ngại các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, bao gồm cả tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở biển Hoa Đông, có thể châm ngòi xung đột vũ trang toàn diện ở Đông Á.
Năm 2012 các tàu bán vũ trang của Bắc Kinh từng đối đấu với các tàu Philippines trong nhiều tháng liền xung quanh bãi đá ngầm Scarborough/Hoàng Nham. Trên thực tế, Trung Quốc đã kiểm soát khu vực này từ tháng 6, sau khi Manila rút các tàu của họ vì một cơn bão sắp đến.
Trước tình hình này, Mỹ trước đó tuyên bố họ có lợi ích quốc gia trong việc giải quyết hòa bình những tranh chấp ở Biển Đông. Riêng ngày 18/2, Mỹ đã khẳng định hậu thuẫn cho nỗ lực của Philippines trong việc tìm kiếm sự phân xử quốc tế.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Hoa Kỳ tiếp tục khuyến khích ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy xây dựng một bộ quy tắc ứng xử cho tranh chấp biển./.