Philippines mời Trung Quốc tham gia tòa án trọng tài UNCLOS
Phía Trung Quốc đã thông báo lại là họ sẽ không tham gia, nhưng Philippines vẫn nỗ lực tìm kiếm vai trò trọng tài của quốc tế.
Bên lề sự kiện này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Philippines tại Vương quốc Anh Enrique Manalo về đơn kiện của nước này liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Dưới đây là bài phỏng vấn này:
- Trước hết, ông có thể cho biết tiến trình xử lý đơn kiện của Philippines liên quan đến tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc tại tòa án trọng tài Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS)?
Đại sứ Enrique Manalo: Tháng Hai vừa qua, Philippines đã mời Trung Quốc tham gia tòa án trọng tài UNCLOS để xử lý vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc.
Ngày 19/2, phía Trung Quốc thông báo với chúng tôi rằng họ sẽ không tham gia. Tuy vậy, Philippines vẫn tiến tục thúc đẩy tiến trình này mà trước mắt là việc giải thích cũng như áp dụng UNCLOS.
Trên thực tế, chúng tôi sẽ nỗ lực tìm kiếm vai trò trọng tài của quốc tế đối với vấn đề tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Đại sứ Philippines tại Vương quốc Anh Enrique Manalo (ảnh: Vietnam+) |
Philippines đã lựa chọn Thẩm phán Rudiger Wolfrum đại diện cho chúng tôi trong vấn đề này. Philippines vẫn hy vọng một lúc nào đó trong tương lai, Trung Quốc sẽ xem xét lại lập trường và quyết định tham gia cùng với chúng tôi tại tòa án trọng tài UNCLOS.
Philippines sẽ giải quyết vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với UNLCOS và luật pháp quốc tế.
- Theo Đại sứ, liệu Philippines có gặp phải khó khăn khi thúc đẩy tiến trình tòa án trọng tài UNCLOS? Phản ứng của các nước cho đến thời điểm này như thế nào?
Đại sứ Enrique Manalo: Như chúng tôi đã khẳng định, Philippines sẽ giải quyết vấn đề này trên tinh thần hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Tất cả các nước đều có quyền quyết định về cách thức xử lý.
Trung Quốc đã quyết định không tham gia và chúng tôi vẫn cứ tiếp tục thúc đẩy tiến trình này. Không loại trừ khả năng trong tương lai Trung Quốc sẽ tham gia cùng chúng tôi.
Song song với đó, Philippines cũng tranh thủ những giải pháp khác để thu hẹp bất đồng bằng cách thức hòa bình, ví dụ như Bộ Quy tắc ứng xử, gọi tắt là COC (Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông).
Tôi không cho rằng Philippines vấp phải bất cứ khó khăn nào. Chúng tôi vẫn đang thúc đẩy tiến trình xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và hy vọng mọi người cùng quyết tâm.
Tất cả các nước đều bày tỏ thái độ rất rõ ràng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Đó cũng chính là điều mà Philippines đang theo đuổi.
Nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp đã nhận được sự đồng thuận chung. Còn luật pháp quốc tế mà tôi đề cập cụ thể ở đây là Hiến chương Liên Hợp Quốc và UNCLOS.
- Bên cạnh việc theo đuổi tòa án trọng tài UNCLOS, Chính phủ Philipppines còn triển khai những hướng đi nào để tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp chủ quyền biển đảo?
Đại sứ Enrique Manalo: Như tôi đã đề cập ở trên, một trong những giải pháp mà Philippines vẫn đang thúc đẩy đó là COC. Đây được coi là chìa khóa cho nỗ lực thảo luận và đàm phán để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo khi có sự tham gia của tất cả các bên, ASEAN, Trung Quốc.
Dĩ nhiên, chúng tôi cũng ủng hộ sự tham gia của các đối tác đối thoại ASEAN. Chúng tôi cam kết sẽ theo đuổi những biện pháp hòa bình để các bên liên quan có thể thu hẹp bất đồng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
- Xin cảm ơn Đại sứ!