Prague - Thành phố vàng

(VOV)- Lang thang trên các con phố, tôi như lạc từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Thời gian hiện diện trên từng viên đá, con đường, góc phố.

Lần đầu tiên đặt chân tới Prague, Cộng hòa Czech trong một ngày mùa Đông tuyết trắng, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mê hồn của thành phố được mệnh danh là Thành phố của “hàng trăm chóp nón" và "Thành phố vàng”.

Đã biết thủ đô của Cộng hòa Czech là một trong những thành phố hiếm hoi ở Đông Âu không bị chiến tranh hủy hoại, nhưng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi đứng trước khung cảnh cả rừng mái nhà phủ tuyết trắng xóa với hàng trăm ngọn tháp đủ kích cỡ soi bóng xuống dòng sông Vltava.

Lang thang trên các con phố nơi đây, tôi như lạc từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Thời gian hiện diện trên từng viên đá, con đường, góc phố.

Sông Vltava chia Prague thành hai nửa. Phía tả ngạn là khu vực đồi Strahov. Đây là khu Prague xưa nhất với vô số công trình kiến trúc cổ như lâu đài Prague, hoàng cung, tu viện, tháp toà thánh St.Vitus, cung điện mùa hè...

Bên bờ hữu ngạn là Stano Mesto - khu phố cổ. Không xa với Stano Mesto là Nove Mesto - khu phố mới, trung tâm của Prague hiện đại với những đại lộ thênh thang và quảng trường Venceslas danh tiếng.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Prague là nơi hội tụ nhiều phong cách nghệ thuật và kiến trúc độc đáo, từ Roman, Gothique, Phục hưng, Barốc... Hầu hết các công trình kiến trúc đều được xây bằng đá hoa cương và được chạm khắc công phu, nghệ thuật.

Nếu Prague là một bức tranh thì đó là bức tranh mà các nghệ nhân đã chuyền tay nhau tô vẽ, hoàn thiện trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm.

Prague chụp từ Đồi Strahov

Đi bộ kết hợp với tàu điện là cách hợp lý nhất để tham quan Prague trọn vẹn, vừa thỏa mắt ngắm nhìn những kỳ quan kiến trúc cổ vừa hít thở không khí sôi động của thế kỷ 21, cảm nhận một Prague sống động và cổ tích.

Dẫn chúng tôi đi thăm Quảng trường Venceslas là một cán bộ người Hà Nội đang công tác tại Cộng hòa Czech-anh Lưu Tuấn. Anh chỉ giới thiệu qua các địa danh, nhường lại mênh mông sắc màu Prague cho tôi tự khám phá, tự cảm nhận.

Hệ thống tàu điện trong thanh cổ Prague

Từ Quảng trường Venceslas, tôi bắt đầu những giây phút ngất ngây với Prague. Quảng trường được bao bọc bởi những đền đài, nhà thờ, khách sạn mà mặt tiền được trùng tu theo phong cách Barốc.

Toà Thị chính được xây dựng năm 1338 là công trình đẹp nhất của quảng trường này. Trên tháp toà Thị chính có chiếc đồng hồ mà trong suốt hơn 500 năm qua, cứ tròn 1 giờ, chú gà trống trên nóc đồng hồ cất tiếng gáy, rồi 12 vị thánh tông đồ, tượng trưng cho 12 tháng trong năm lần lượt xuất hiện. Người ta đồn rằng những ai nghe được tiếng gà gáy thì chuyến đi sẽ gặp nhiều may mắn.


Quảng trường Con gà


Rời Quảng trường Venceslas, tôi trôi theo dòng người trên đường Karlova tới nơi hò hẹn của Tình yêu: cầu Charles (người Việt quen gọi là Cầu Tình). Hơn 500 năm trước đây, cầu Charles là cây cầu duy nhất nối liền đôi bờ sông Vltava. Cầu mang tên người đã khai sinh ra nó. Hai bên thành cầu được điểm tô bằng 30 pho tượng thánh. Mỗi pho tượng đều gắn liền với một huyền thoại. Từ trên chiếc cầu huyền thoại này, tôi thả mắt chiêm ngưỡng Prague: Sông Vltava lặng lờ trôi, bầy hải âu chao liệng, những công trình kiến trúc độc đáo soi bóng nước dòng sông…


Trên cầu Charles

Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi cầu Charles là Cầu Tình, vì nơi đây chứng kiến rất nhiều lời thề nguyện của các đôi trai gái yêu nhau. Người ta nói rằng, nếu ai đặt tay vào một trong những bức tượng tại Cầu Charles và phát tâm cầu nguyện thì sẽ ước gì được nấy. Tôi không biết mọi người ước gì, phần tôi, vào phút tâm thành ấy, tôi cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho những người thân yêu của mình.

Trên cầu Charles, dưới những bông tuyết trắng bay bay, tôi sững sờ trước người nghệ sĩ già với cây đàn pha lê say sưa gõ từng nốt nhạc, phả vào không gian một trời thanh âm mê đắm, diệu kỳ.

Các nghệ sỹ đường phố biểu diễn trên cầu Charles

Một trong những sản phẩm nổi tiếng của Czech là pha lê. Ngắm các cửa hàng pha lê trên các con phố, tôi như chìm trong thế giới của sắc màu lung linh, huyền ảo, mê mẩn chẳng muốn rời.

Trong số ít ỏi kỷ vật tôi mang theo khi rời Prague có một chiếc cốc pha lê với hình ảnh chiếc cầu Charles. Mỗi lần nhìn chiếc cốc pha lê ấy, tôi lại thấy mình như đang còn ở Praha, bên dòng sông Vltava, đứng dưới chân cầu Charles ngắm những bông tuyết rơi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên