Quân đội làm đảo chính ở Burkina Faso, thành lập chính phủ lâm thời
VOV.VN - Chưa rõ Tổng thống bị lật đổ ở đâu sau đảo chính. Tham mưu trưởng quân đội Burkina Faso đã lập chính phủ mới với sự tham vấn của các chính đảng.
Tối qua (30/10), quân đội Burkina Faso đã lật đổ Tổng thống Blaise Compaoré, giải tán Quốc hội và công bố một chính quyền chuyển tiếp trong 12 tháng. Binh biến xảy ra tại quốc gia Tây Phi này sau cuộc nổi dậy của người dân biến thành bạo lực, nhằm phản đối 27 năm cầm quyền của ông Compaoré. Hiện chưa rõ Tổng thống bị lật đổ ở đâu sau khi xảy ra vụ đảo chính.
Bên cạnh đó, chính phủ chuyển tiếp sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 19h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau.
Phát ngôn viên quân đội của Burkina Faso nói: “Trước sự suy thoái nghiêm trọng và tình hình rối ren của đất nước, chúng tôi cần phải bảo vệ đất nước, đảm bảo sự ổn định quốc gia và sự gắn kết trong xã hội. Tổng tham mưu trưởng của lực lượng vũ trang của Burkina Faso tuyên bố giải tán Quốc hội và Chính phủ. Một cơ chế chuyển tiếp sẽ được thành lập với sự tham gia của tất cả các lực lượng quốc gia, để lập lại trật tự Hiến pháp trong vòng 12 tháng tới. Một lệnh giới nghiêm cũng sẽ được thiết lập bắt đầu từ hôm nay để bảo vệ người dân trên khắp đất nước. Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Burkina Faso gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và yêu cầu người dân bình tĩnh kiềm chế, trở về nhà trong hòa bình và trật tự”.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp.
Sóng gió nổi lên tại Burkina Faso sau khi chính phủ nước này xem xét việc thay đổi một số quy định trong Hiến pháp, trong đó cho phép Tổng thống Compaoré 63 tuổi có thể được tái tranh cử vào năm tới. Hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình lớn tại thủ đô Ouagadougou và thành phố lớn thứ hai Bobo Diulaso kêu gọi Tổng thống từ chức.
Đỉnh điểm của cuộc nổi dậy xảy ra vào tối qua, khi hàng trăm người quá khích đã tấn công tòa nhà Quốc hội và các tòa nhà công khác, trong đó có trụ sở đài truyền hình quốc gia, cướp phá các văn phòng, phóng hỏa các xe ô tô, bất chấp lực lượng cảnh sát dày đặc và sự hiện diện của quân đội khắp thủ đô. Người biểu tình yêu cầu chính phủ hủy bỏ một cuộc bỏ phiếu về các kế hoạch gây tranh cãi nhằm cho phép Tổng thống kéo dài thời gian cầm quyền.
“Nếu Hiến pháp thay đổi, người dân chúng tôi sẽ mất quyền lợi bởi vì quyền lực chỉ tập trung vào một cá nhân. Chính vì vậy, đây là lý do chúng tôi biểu tình để bảo vệ quyền lợi cho nhân dân. Chúng tôi vẫn tôn trọng các điều khoản của Hiến pháp hiện nay”.
Đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các vụ đụng độ với cảnh sát.
Trước tình hình này, Liên Hợp Quốc, Mỹ, Pháp lên tiếng bày tỏ lo ngại, đồng thời kêu gọi các phe nhóm ở nước này kiềm chế và chấm dứt bạo lực. Còn Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố không chấp nhận bất cứ thế lực nào lên nắm quyền lực mà không thông qua bầu cử vì như vậy là vi phạm Hiến pháp. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (EU) tuyên bố sẵn sàng triển khai quân đội cùng với lực lượng Liên Hợp Quốc trong nỗ lực bảo vệ người dân và giải quyết tình trạng bất ổn tại quốc gia Tây phi này.
Sau khi binh biến xảy ra, nhà chức trách Burkina Faso đã tạm thời đình chỉ tất cả các chuyến bay ra vào thủ đô Ouagadougou. Hiện chưa rõ Tổng thống Compaoré đang ở đâu sau vụ lật đổ vừa nêu.
Được biết tới với tên gọi thời thuộc địa là Upper Volta, quốc gia Tây Phi từng là thuốc địa của Pháp đã giành độc lập vào năm 1960 và đổi tên thành Burkina Faso vào năm 1984.
Ông Compaoré lên nắm quyền khi mới chỉ 36 tuổi sau cuộc đảo chính năm 1987 và tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống kể từ năm 1991.
Theo giới quan sát, trong 27 năm ông Compaoré điều hành đất nước, nền kinh tế của quốc gia 17 triệu dân này ngày càng trở nên suy sụp đặc biệt kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Theo chỉ số phát triển về con người, Liên Hợp Quốc đã xếp Burkina Faso trong nhóm 10 nước nghèo nhất thế giới với gần nửa dân số sống với mức 2 đôla/ngày. Người dân Burkina Faso chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thế mạnh của nghề trồng bông. Tuy nhiên do không được đầu tư đúng mức nên ngành trồng bông nước này đã rơi vào khủng hoảng. Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, quản lý tài nguyên yếu kém càng đẩy quốc gia trẻ với 17 triệu dân này càng rơi sâu rơi vào suy thoái./.