Quân đội Ukraine chưa thể rút vũ khí hạng nặng khỏi Donbass
VOV.VN - Giới chức Ukraine cáo buộc các vụ nã pháo của phe đối lập đang cản trở quân chính phủ rút vũ khí hạng nặng khỏi giới tuyến.
Trong khi đó, phương Tây cũng cáo buộc Nga đang “giễu cợt” trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk, và cảnh báo sẽ có trừng phạt mới cho Moscow nếu tình hình miền Đông Ukraine xấu đi.
Người phát ngôn quân đội Ukraine Valentyn Fedychev ngày 23/2 cho biết đã có 2 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong 24 giờ qua.
Quân đội Ukraine nhấn mạnh, có nhiều dấu hiệu cho thấy, xung đột vẫn chưa thể chấm dứt để Kiev thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk mới, trong đó có việc rút pháo và vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến miền Đông.
Quân đội Ukraine sẽ bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến tuyến ở Donbass chỉ khi lệnh ngừng bắn được tuân thủ một cách tuyệt đối.
Theo ông Fedychev, quân đội Ukraine đã bị nã pháo 27 lần trong ngày qua, trong đó làng Shyrokyne và tuyến đường dọc bờ biển gần thành phố Mariupol đã bị tấn công trong đêm.
Quân đội Ukraine nói rằng, lực lượng đối lập đang gấp rút chuẩn bị tấn công quân chính phủ tại thành phố cảng chiến lược Mariupol, đồng thời lo ngại chiến sự có thể lan rộng ở miền Đông sau một vụ nổ làm 2 người thiệt tại Kharkov- thành phố lớn nhất miền Đông.
Trong khi đó, phía lực lượng đối lập đã bác bỏ thực hiện tấn công khu vực Shyrokyne và nói rằng tình hình tại đây vẫn đang yên tĩnh. Tình hình chiến sự tại miền Đông Ukraine đã giảm bớt sau khi lực lượng đối lập gần như kiểm soát hoàn toàn điểm nóng Debaltseve từ ngày 18/2 khi quân đội Ukraine rút đi.
Song Kiev cho rằng chiến sự chưa đủ lắng dịu để họ rút pháo khỏi tiền tuyến. Phản ứng trước việc quân đội Ukraine cáo buộc lực lượng đối lập tiếp tục nã rocket và pháo vào những ngôi làng ở khu vực Đông Nam, Thủ tướng Anh David Cameron ngày 23/2 tuyên bố diễn biến tình hình xấu đi tại miền Đông Ukraine sẽ đồng nghĩa với những trừng phạt cứng rắn hơn từ phương Tây dành cho Nga. Ông Cameron nói rằng Nga đang “giễu cợt” trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk.
“Nga phải thấy rằng bất cứ nỗ lực nào của lực lượng đối lập tại miền Đông Ukraine nhằm mở rộng phần lãnh thổ chiếm đóng của mình tới Mariuol hay cả khu vực khác nữa thì này sẽ được đáp lại bằng những trừng phạt cứng rắn của Liên minh châu Âu và Mỹ. Nga cần phải thay đổi hoặc là sẽ thấy những tổn thất kinh tế gia tăng. Trong những ngày tới, tôi sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo G7 để nhất trí hành động để đảm bảo rằng các thỏa thuận Minsk phải thực sự được thực thi nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine”, ông Cameron nói.
Cùng ngày, phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia-1, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, sẽ không xảy ra chiến tranh với nước láng giềng Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga khẳng định thỏa thuận Minsk vẫn là con đường đúng đắn để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Các thỏa thuận Minsk không chỉ là văn bản được thống nhất giữa Nga, Ukraine, Đức và Pháp. Những thỏa thuận này còn được ấn định trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và được coi là một quy chế quốc tế, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Tôi hy vọng các thỏa thuận sẽ được tuân thủ và mở ra con đường đúng đắn để đưa tình hình miền Đông Ukraine trở lại bình thường”, ông Putin tuyên bố.
Tổng thống Putin cho rằng trước tiên lãnh đạo Ukraine cần đưa đất nước trở lại với cuộc sống bình thường, đảm bảo các quyền và lợi ích của người dân ở Donbass. Ông cho rằng Kiev đang tìm cách biện minh cho thất bại quân sự của mình và đổ lỗi cho Nga.
Bất chấp viễn cảnh xấu nhất là thỏa thuận Minsk một lần nữa đổ bể. Các nước phương Tây vẫn giữ hy vọng thỏa thuận này sẽ phát huy tác dụng và giúp chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua tại Ukraine, cướp đi sinh mạng của hơn 5.600 người.
Châu Âu cũng quan tâm tới việc thực thi thỏa thuận Minsk không kém gì Nga bởi không ai cần tới một cuộc xung đột ở châu Âu, hơn nữa lại là xung đột quân sự. /.