Quan hệ Mỹ và châu Âu: Bạn hay thù?
VOV.VN - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Âu vừa qua cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang gặp nhiều sóng gió.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa có chuyến công du châu Âu. Chuyến thăm này đã thu hút sự đặc biệt của dư luận thế giới. Không chỉ làm chính trường Mỹ dậy sóng với các phát ngôn tại cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ trong chuyến công du châu Âu vừa qua cũng tiếp tục cho thấy mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu đang trong giai đoạn thực sự sóng gió.
Ảnh: AFP.
Ngay trước khi rời Mỹ thăm châu Âu, Tổng thống Donald Trump đã không phủ nhận việc ông sẽ chiến đấu hết mình để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ, bảo vệ chính sách “nước Mỹ trên hết” của mình. Ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO tuần trước, Tổng thống Mỹ đã không ngừng gia tăng sức ép lên các quốc gia châu Âu khác cần phải tăng chi tiêu cho quốc phòng.
Thậm chí ông còn nhằm thẳng vào Đức- quốc gia đầu tàu châu Âu và là một đồng minh gần gũi của Mỹ, cho rằng Đức đang là “tù nhân” của nước Nga. Chuyến thăm đầu tiên đến Anh trên cương vị Tổng thống của ông Donald Trump cũng khiến Thủ tướng Anh Theresa May không mấy hài lòng, khi ông có những chỉ trích chính phủ Anh về quyết định của Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.
Tổng thống Mỹ cũng làm gia tăng chia rẽ trong khối khi cho rằng Anh nên “kiện” EU về các điều khoản Brexit. Cuối cùng, như một lời tuyên chiến với các đồng minh đang sát cánh với Mỹ tại các chiến trường như Iraq hay Afghanistan, Tổng thống Donald Trump đã gọi EU là một “kẻ thù thương mại”.
Trong khi chỉ trích các đồng minh châu Âu, ông Donald Trump lại có những tuyên bố tích cực với Nga tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki, Phần Lan, khơi mào cho một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong nước khiến Tổng thống đang phải nỗ lực để xoa dịu.
Lãnh đạo đa số Thượng Viện Mỹ, Thượng Nghị Sĩ Mitch Mcconnell khẳng định: “Đối với tôi, những người bạn châu Âu mới là có giá trị quan trọng nhất. Chúng tôi tin rằng, châu Âu là những người bạn thực sự của nước Mỹ, còn Nga với những hành động thời gian qua thì hoàn toàn không phải”.
Nhận định về chuyến công du châu Âu của Tổng thống Trump, chuyên gia phân tích Trung tâm Wilson của Mỹ, ông William Pomeranz cho rằng, chưa có một Tổng thống Mỹ nào thực hiện chuyến công du nước ngoài với mục tiêu “giảng dạy” hay làm các đồng minh trong NATO xấu hổ. Nước Mỹ cũng chưa bao giờ có Tổng thống gọi đồng minh của mình là “kẻ thù” trong chuyến thăm châu Âu.
Châu Âu cáo buộc Tổng thống Mỹ can thiệp nền chính trị Đức
Nhiều nước Liên minh châu Âu cũng không thể ngồi yên trước những phát ngôn của Tổng thống Mỹ. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định, đối với Tổng thống Mỹ dường như ai cũng là kẻ thù. Người đứng đầu Ủy ban các mối quan hệ quốc tế của Quốc hội Đức Norbert Roettgen thì cho rằng, xếp hạng bạn bè, đồng minh hay đối tác và kẻ thù không tồn tại. Đối với Tổng thống Trump chỉ có duy nhất là chủ nghĩa cá nhân của chính ông.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Đức Michael Roth lại cho rằng: “Tổng thống Donald Trump đang tìm cách khiêu khích và chia rẽ châu Âu. Ông gọi chúng tôi là kẻ thù. Mỹ và Liên minh châu Âu đã có mối quan hệ hợp tác sâu sắc. Tuy nhiên, chúng ta không nên để cho những tuyên bố của Mỹ làm chia rẽ mà châu Âu cần phải thể hiện sự đoàn kết trong thời điểm hiện nay”.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini mặc dù nhấn mạnh mối quan hệ liên minh với Mỹ, nhưng cũng ngầm cảnh báo “EU cũng có những người bạn khác trên thế giới”.
“Những bạn bè khác” đối với EU giờ đây có thể là Nhật Bản hay Trung Quốc, khi sau hơn 4 năm đàm phán, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức đặt bút ký thỏa thuận thương mại tự do đầy tham vọng (FTA) giữa hai bên. Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, đây là thông điệp về sự đoàn kết trước chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ.
Với việc Tổng thống Trump cải thiện quan hệ với Nga và EU mở rộng sang châu Á cho thấy sự liên kết xuyên Đại Tây Dương đang ngày càng lỏng lẻo. Quan hệ Mỹ- Liên minh châu Âu trước đó cũng đã sóng gió liên quan đến các căng thẳng thương mại, Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các quan chức châu Âu cho rằng, “bóng đen đang ngày càng mở rộng trên chính trường quốc tế”. Hội nghị tại Helsinki là một tiếng chuông thức tỉnh đối với cả châu Âu và cho thấy châu Âu cần phải tự quyết định số phận của chính mình.
Bất chấp mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang xuống dần theo mức thang thấp đi trong những tuần qua, Liên minh châu Âu vẫn đang nỗ lực để cải thiện mối quan hệ này với khẳng định, chiến tranh thương mại sẽ làm tổn hại cho tất cả các bên. Dự kiến Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker sẽ đến thăm Mỹ vào tuần tới, thảo luận mối quan hệ thương mại cũng như hợp tác song phương./.
Mỹ dọa trừng phạt các công ty châu Âu hợp tác năng lượng với Nga