Quan hệ Nga- Việt: Bước tiến mới trên con đường chung
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và mối quan hệ Nga-Việt.
Chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua là một bước tiến mới trong việc tăng cường và phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
“Cuộc đối thoại chính trị hiệu quả và lâu dài được duy trì ở tất cả các cấp. Trong quá trình đàm phán đã thảo luận chi tiết một loạt các vấn đề hợp tác song phương và vạch ra kế hoạch cho tương lai. Theo kết quả cuối năm 2013, kim ngạch thương mại Nga-Việt tăng 8,5% và đạt gần 4 tỷ USD. Trong những năm tới, chúng tôi chắc chắn sẽ đạt được con số 10 tỷ USD. Việc thành lập khu vực tự do thương mại giữa các nước thành viên Liên minh Hải quan và Việt Nam chắc chắn sẽ góp phần tăng cường hợp tác. Các cuộc đàm phán đang ở giai đoạn cuối cùng. Hai bên nhất trí tăng cường việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cho Nga”, ông Putin khẳng định.
Hai nước đã ký các văn bản quy định việc mở rộng hợp tác về năng lượng, liên lạc truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng, giao thông hàng hải, cũng như Hiệp định về quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ. Các bên cũng đã thảo luận về việc sử dụng chung hệ thống vệ tinh GLONASS, cụ thể là về việc bố trí tại Việt Nam trạm quan trắc của hệ thống Nga.
Sự quan tâm lớn nhất trong chuyến thăm được dành cho sự phát triển hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Gazprom Neft và Petrovietnam đã ký kết thỏa thuận khung để khai thác mỏ Nagumanovsky và Bắc Purovski ở Nga, cũng như thỏa thuận thành lập liên doanh để phát triển mỏ dầu Dolginskoye ở biển Pechora, có trữ lượng ước tính khoảng hơn 200 triệu tấn. Ngoài ra, hai bên cũng đã ký kết hợp đồng về việc kể từ năm 2016 Nga sẽ cung cấp 6 triệu tấn dầu thô/năm cho nhà máy lọc Dung Quất tại Việt Nam.
Hợp tác Nga-Việt đang phát triển với một tốc độ khả quan, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước.
Trưởng bộ môn lịch sử các nước Đông Á kiêm Giám đốc Viện Hồ Chí Minh của trường đại học tổng hợp quốc gia St. Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov bình luận: “Hai nước chúng ta có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, khoa học và giáo dục. Nga cần phải thể hiện tất cả những gì tốt nhất để cạnh tranh trong thị trường Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước châu Âu. Để làm điều đó cần phải có mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia. Chỉ có phối hợp các nỗ lực của ba bên mới có thể thành công ở Việt Nam, đất nước đang đa dạng hóa các mối quan hệ với bên ngoài trong các lĩnh vực chính trị và kinh tế”.
Nga và Việt Nam có tài sản vô giá: đó là những thập kỷ hữu nghị và hợp tác, đó là sự viện trợ lớn lao của Nga dành cho Việt Nam trong những năm khó khăn kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ và giai đoạn xây dựng hòa bình mà Việt Nam không bao giờ quên. Đây là vốn quý cần phải bảo tồn và phát triển, và hai nước có tất cả mọi điều kiện cần thiết để làm điều đó./.