“9 người 10 ý”, NATO không nhìn chung hướng trong quan hệ với Nga - Trung
VOV.VN - Không chỉ Mỹ và châu Âu mà trong chính châu Âu cũng tồn tại không ít lập trường khác biệt trong quan hệ với Nga và Trung Quốc.
NATO – Một liên minh chia rẽ
Tổng thống Biden đang nỗ lực khôi phục lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Với việc 4 năm hỗn loạn dưới thời cựu Tổng thống Trump chấm dứt, liên minh này đã quay trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một liên minh quân sự cần quân đội và nếu không có một lộ trình rõ ràng để hiện đại hóa quân đội châu Âu, NATO sẽ không thể phản ứng trước khủng hoảng.
Hiện hiện đại hóa quân đội trong toàn liên minh là dấu hiệu cho thấy châu Âu sẵn sàng thực hiện các hành động quân sự cùng với Mỹ, song điều đó có thể đe dọa đến việc châu Âu tiếp cận nguồn cung dầu mỏ Nga hoặc thị trường Trung Quốc. Nếu các đồng minh NATO ở châu Âu sẵn sàng thể hiện khả năng quân sự, điều đó cũng gửi đi thông điệp tới Nga và Trung Quốc rằng, NATO sẵn sàng đảm bảo sự phòng thủ ở châu Âu và tham gia cùng những nỗ lực của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, điều này sẽ không sớm xảy ra. Việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và những căng thẳng ở miền đông Ukraine đã cho thấy sự phân cực của các thành viên NATO. Trong khi Ba Lan, Romania và các quốc gia vùng Baltic coi Nga là một mối đe dọa hiện hữu thì các nước Tây Âu lại có thái độ rất thận trọng trong quan hệ với Moscow. Chẳng hạn, Đức dường như muốn cân bằng quan hệ thay vì đối đầu với Nga, thông qua sự hợp tác về mặt chính trị và kinh tế.
Nhìn xa hơn, trong khi Mỹ coi Trung Quốc là một vấn đề về kinh tế và quân sự thì châu Âu, mặc dù coi Bắc Kinh là thách thức chiến lược nhưng cũng là cơ hội kinh tế. Thị trường châu Á được coi là vô cùng quan trọng cho sự thịnh vượng của châu Âu, đến nỗi mà khu vực này chưa sẵn sàng liều lĩnh chọc giận Trung Quốc. Đức đầu tư sâu vào các thị trường châu Á và khẳng định rõ rằng, cuộc xung đột Mỹ - Trung không nằm trong lợi ích của nước này.
Những ưu tiên an ninh của Pháp cũng tập trung về phía nam, hướng ra Địa Trung Hải và châu Phi chứ không phải hướng đông. Sự chia rẽ về mặt lợi ích trên khắp châu Âu khiến việc NATO đạt được sự nhất trí trong quan điểm về những mối đe dọa là rất khó.
Một số nhà quan sát cho rằng, thời điểm Chiến tranh Lạnh, khi mà các mục tiêu của các thành viên NATO liên kết chặt chẽ với nhau, đã trôi qua. Quyền lực của Mỹ đã suy giảm do toàn cầu hóa, hàng thập kỷ chiến tranh ở Afghanistan và Trung Đông, cùng những chia rẽ chính trị trong nước. Khi vai trò lãnh đạo của Mỹ bắt đầu dao động, châu Âu ngày càng bấp bênh khi cố gắng cân nhắc các lựa chọn của mình. Nga tranh thủ khai thác những rạn nứt này trong khi Trung Quốc tự biến mình thành một quốc gia có tầm ảnh hưởng ở châu Âu bằng cách đầu tư vào các công ty công nghệ ở khu vực này.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Biden khi dỡ lệnh trừng phạt với dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 là dấu hiệu cho thấy Washington mong đợi Đức sẽ lãnh đạo châu Âu hậu Brexit. Mỹ không cố gắng ép buộc Đức có lập trường cứng rắn hơn với Nga. Quyết định này cũng đưa Nga trở lại cuộc chơi cân bằng quyền lực ở châu Âu khi tăng cường sự phục thuộc của châu lục này vào năng lượng của Nga.
Lập trường với Trung Quốc
Các đồng minh NATO ở châu Âu và Mỹ không thể đạt được sự nhất trí chung về mức độ nghiêm trọng mà mối đe dọa từ Trung Quốc gây ra trong tương lai gần.
Các nhà lãnh đạo NATO xác định tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc là một mối đe dọa toàn cầu, cho thấy sự dịch chuyển trọng tâm của liên minh này sang châu Á, nhưng không phải tất cả các thành viên đều có suy nghĩ giống nhau.
Bầu không khí chính trị nói chung về Trung Quốc tại Thượng đỉnh NATO năm 2021 đã khác so với thời điểm năm 2019, khi Bắc Kinh được gọi là một lực lượng hợp tác tiềm năng mang đến "cả cơ hội và thách thức".
"Ảnh hưởng gia tăng và các chính sách quốc tế của Trung Quốc cho thấy những thách thức mà chúng ta phải giải quyết cùng nhau với vai trò là một liên minh. Chúng ta sẽ tham gia cùng Trung Quốc với quan điểm bảo vệ các lợi ích an ninh của liên minh", tuyên bố chung của NATO năm 2021 khẳng định, đồng thời dẫn ra minh chứng về kho hạt nhân ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, cũng như các hành động bất cân xứng của nước này với phương Tây.
Tuyên bố chung trên cũng xác định bản chất các chính sách của Trung Quốc là "cưỡng ép", chống lại "những giá trị cơ bản" của NATO và đại diện cho "thách thức mang tính hệ thống với trật tự thế giới dựa trên các quy tắc" và an ninh của liên minh.
Trong khi tuyên bố chung của NATO cho thấy những tuyên bố cứng rắn trước những tham vọng quân sự của Trung Quốc thì dường như không phải tất cả các thành viên đều có cùng suy nghĩ về vấn đề này.
Ngay sau khi tuyên bố chung được công bố, nhận định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một bài phát biểu rằng Trung Quốc không nên là trọng tâm của liên minh Đại Tây Dương, đã cho thấy những rạn nứt của NATO trong cách hiểu về Trung Quốc.
"NATO là một tổ chức tập trung vào Bắc Đại Tây Dương, Trung Quốc hầu như không có gì để làm với Bắc Đại Tây Dương", Tổng thống Pháp khẳng định, chỉ ra thực tế rằng, liên minh phương Tây này ban đầu được thành lập để bảo vệ châu Âu và Bắc Mỹ trước những mối đe dọa bên ngoài, chủ yếu là Liên Xô sau Thế chiến II.
Ông Macron cũng muốn một chiến lược an ninh tập trung vào châu Âu thay vì xoay trục sang châu Á. Nhà lãnh đạo Pháp khuyến khích thành lập quân đội châu Âu bao gồm các thành viên EU để bảo vệ lục địa của mình.
"Một điều quan trọng là chúng ta không nên tự phân tán mình và không nên giữ định kiến về quan hệ với Trung Quốc", ông Macron cho hay, đồng thời thể hiện sự phản đối với những nỗ lực chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu.
"Một vấn đề lớn hơn nhiều vấn đề quân sự chính là kinh tế", Tổng thống Pháp cho hay.
Tổng thống Macron dường như không đơn độc trong việc phản đối lập trường mới của NATO về Trung Quốc. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ sự thận trọng khi cho rằng, một cuộc "chiến tranh lạnh mới" với Trung Quốc là không cần thiết. Thủ tướng Đức Merkel cũng cho rằng, NATO "không nên làm quá" về sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng trên toàn cầu của Trung Quốc.
"Chúng ta cần một sự cân bằng phù hợp", bà Merkel nhận định.
Tuy nhiên, không giống như ông Macron, cả hai nhà lãnh đạo này đều đồng ý rằng NATO cần giám sát chặt chẽ các động thái của Trung Quốc.
Năm tới sẽ là thời khắc quyết định cho NATO. Những quyết định khó khăn về việc hiện đại hóa quân đội châu Âu sẽ phụ thuộc vào các nhân tố khác nhau, trong đó có kết quả cuộc bầu cử ở Đức vào tháng 9 tới và quyết định cuối cùng đối với Thỏa thuận Đầu tư Toàn diện EU - Trung Quốc.
Rõ ràng, trừ khi các thành viên NATO nhất trí về những mục tiêu địa chiến lược và hiện đại hóa quân đội, nếu không thì liên minh này vẫn chưa thể tạo nên những thay đổi quan trọng trên bàn cờ thế giới./.