AMTI: Trung Quốc quấy rối tàu dầu khí của Malaysia “hàng ngày”
VOV.VN - Theo Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), tàu của Trung Quốc đã “hàng ngày” quấy rối tàu dân sự hoạt động ở các mỏ dầu và khí đốt của Malaysia ở Biển Đông trong 2 năm qua.
Ông Greg Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, hoạt động của lực lượng tuần duyên Trung Quốc nhằm “kiểm soát” bãi cạn Luconia – nơi công ty Petronas của Malaysia có một số mỏ dầu và khí đốt. Tàu của Trung Quốc đã quấy nhiễu các tàu Malaysia có liên quan đến “bất kỳ hoạt động thăm dò hoặc khoan mới nào”.
Bãi cạn Luconia là nơi có mỏ khí đốt Kasawari đang được Petronas phát triển, nằm cách bờ biển Bintulu ở Sarawak khoảng 200 km.
Tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cho biết, ông dự báo sẽ có nhiều tàu Trung Quốc đi vào vùng biển của nước này “chừng nào” công ty Petronas còn tiếp tục các hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này.
Trả lời phỏng vấn của “This Week in Asia” qua email, ông Poling cho biết: “Tàu của họ [Trung Quốc – ND] di chuyển một cách nguy hiểm và cố ý tạo ra rủi ro va chạm để ngăn cản người dân chấp nhận các hợp đồng khai thác”.
“Nếu các tàu của Malaysia không lùi bước, Trung Quốc sẽ triển khai một trong các tàu khảo sát của nước này tiến hành các cuộc khảo sát dưới lòng biển bất hợp pháp trong vùng biển của Malaysia và các tàu này thường đi kèm với đội lớn gồm tàu dân quân biển và các tàu tuần duyên của Trung Quốc”, ông Poling cho biết thêm.
Các bên tranh chấp ở Biển Đông từ lâu đã tố Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải bán quân sự, bao gồm cả hàng trăm tàu cá dân sự để giúp thực thi các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này.
Một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ cho rằng những lực lượng bất thường này thuộc quyền chỉ huy của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại nói rằng lực lượng này chỉ là những tàu cá thương mại hoạt động vì lợi ích của riêng họ.
Indonesia cũng bị quấy rối
Ông Greg Poling cho biết, lực lượng tuần duyên Trung Quốc gần đây cũng đã bắt đầu quấy rối các hoạt động khoan dầu khí của Indonesia tại khu vực biển Natuna.
Trong quá khứ, Indonesia và Trung Quốc thường xung đột về quyền đánh bắt cá xung quanh quần đảo Natuna, khu vực giáp Biển Đông đang tranh chấp, mặc dù Indonesia không coi mình là quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp ở Biển Đông.
Theo ông Poling, các cuộc tuần tra của Trung Quốc ở vùng biển này ít hơn so với ở những vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền, vì ở đây không có các rạn san hô quan trọng mang tính biểu tượng trong khu vực.
Mặc dù vậy, điều này đã thay đổi trong những tháng gần đây và lực lượng tuần duyên Trung Quốc bắt đầu quấy rối hoạt động khoan dầu khí của Indonesia - giống như cách họ đã quấy rối các hoạt động khoan dầu khí của Malaysia và Việt Nam trong nhiều năm. Cụ thể, Trung Quốc đã triển khai một tàu khảo sát ở vùng biển Indonesia để gây khó khăn cho hoạt động khoan dầu khí của nước này.
“Ở vùng biển Indonesia, lực lượng tuần duyên Trung Quốc thường triển khai để bảo vệ các cuộc đánh bắt lớn như chúng ta đã thấy vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020”, ông Poling đề cập đến vụ một đội tàu đánh cá Trung Quốc được các tàu tuần duyên hộ tống tiến vào biển Natuna và gây ra một cuộc đối đầu lớn với phía Indonesia.
Ông Poling lưu ý: “Nhưng cho đến nay, chúng tôi chưa thấy lực lượng dân quân biển được sử dụng để đối đầu với phía Indonesia giống như cách họ đã làm với Malaysia và các bên tranh chấp khác”.
Theo ông Poling, trong hơn 4 năm qua, Trung Quốc ngày càng “mạnh dạn” hơn trong việc quấy rối hoạt động dầu khí của các nước khác. Sở dĩ có điều này là vì Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng các căn cứ phi pháp ở Trường Sa. Những căn cứ này đóng vai trò như bệ phóng cho hoạt động của hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển.
Báo cáo của AMTI được công bố tháng trước cho biết, việc Trung Quốc triển khai radar, máy bay chiến đấu và tên lửa đến những tiền đồn phi pháp ở Biển Đông đã mở rộng đáng kể khả năng phát triển sức mạnh ra xa bờ biển của nước này. Báo cáo còn nêu rõ, Trung quốc đã vận hành 4 tiền đồn lớn với các đường bằng dài hơn 3.000m trên đảo Phú Lâm, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Subi.
Bình luận về những diễn biến gần đây gần quần đảo Natuna, học giả Bill Hayton thuộc tổ chức Chatham House (Anh) cho rằng, chính phủ Indonesia cần ngay lập tức thể hiện lập trường phản đối với Trung Quốc để tránh nguy cơ tạo tiền lệ xấu và đánh mất quyền lợi của chính mình./.