Anh cáo buộc Iran cản trở tàu chở dầu hoạt động: Giọt nước tràn ly
VOV.VN - Quan hệ Iran-Anh lại “nóng” lên sau khi Anh cáo buộc Iran gây trở ngại cho tàu chở dầu nước này. Trong khi đó, Tehran khẳng định đó là lời nói dối.
Bộ Quốc phòng Anh hôm nay (11/7) ra tuyên bố cáo buộc 5 tàu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã cản trở không cho một tàu chở dầu của Anh hoạt động gần khu vực vùng Vịnh. Vụ việc chỉ dừng lại khi tàu Hải quân hoàng gia Anh HMS Montrose xen vào giữa các tàu của Iran và tàu chở dầu của Anh, phát đi cảnh báo và kéo tàu Heritage của Anh rời xa các tàu của Iran.
Quan hệ Iran-Anh lại “nóng” lên sau khi Anh cáo buộc Iran gây trở ngại cho tàu chở dầu nước này trong khi Tehran khẳng định đó là lời nói dối. Ảnh: Reuters |
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh mô tả hành động của Iran đi ngược lại luật pháp quốc tế. Người phát ngôn chính phủ Anh bày tỏ quan ngại về hành động của Iran, đồng thời kêu gọi nhà chức trách Iran giảm căng thẳng trong khu vực.
Phản ứng lại tuyên bố của giới chức Anh, hãng thông tấn FARS dẫn lời văn phòng quan hệ công chúng thuộc Hải quân Iran trong một tuyên bố đăng tải trên trang Twitter cá nhân đã phủ nhận cáo buộc của Anh, trong đó nhấn mạnh Iran không cố tình bắt giữ tàu Anh. Trong khi Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thì nói rằng, phía Anh đang đưa ra những tuyên bố gây căng thẳng và đó là những tuyên bố không có giá trị.
Vụ việc xảy ra gần một tuần sau khi lực lượng thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh hôm 4/7 vừa qua đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran do nghi ngờ tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu. Các vụ va chạm liên tiếp giữa Anh và Iran đã khiến quan hệ giữa 2 nước vốn đã căng thẳng lại càng trở nên căng thẳng hơn. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 10/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo Anh sẽ đối mặt với “những hậu quả” do bắt giữ tàu chở dầu của Iran.
“Anh chính là bên tạo ra sự bất ổn và nước Anh sẽ phải nhận hậu quả. Chúng ta sẽ cảm thấy không còn hy vọng gì khi một trong các tàu chở dầu của chúng ta muốn di chuyển trong khu vực lại phải viện đến tàu hộ tống đi kèm vì chúng ta quá sợ hãi. Hãy đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu chở dầu. Hãy làm cho thế giới trở thành nơi an toàn. Người Anh đang tạo ra sự bất ổn trên biển và họ phải chịu trách nhiệm cho mọi thứ xảy ra sau này.”
Theo đánh giá của giới phân tích, 2 vụ xung đột giữa Anh và Iran chỉ là “giọt nước tràn ly” và là một phần trong những căng thẳng tại khu vực vùng Vịnh giữa Iran với Mỹ và các nước đồng minh kể từ khi Mỹ tăng cường trừng phạt Iran và đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Sau những hành động cứng rắn của Mỹ với Iran, các nước đồng minh châu Âu của Mỹ, nhất là Anh cũng có động thái tương tự.
Hãng BBC của Anh nhận định, từ trước khi xảy ra các vụ va chạm tàu chở dầu giữa Anh và Iran, mối quan hệ giữa Anh và Iran vốn dĩ đã căng thẳng sau khi Anh cáo buộc chính quyền Iran phải chịu trách nhiệm về các vụ tấn công 2 tàu chở dầu vào tháng 6 vừa qua. Anh cũng đang gia tăng sức ép buộc Iran phải trả tự do cho một phụ nữ Anh gốc Iran bị cáo buộc làm gián điệp và đang bị Iran giam giữ 5 năm qua, kể từ năm 2016./.
Tổng thống Iran cảnh báo Anh sau vụ bắt tàu chở dầu