ASEAN 2022: Biến thách thức thành cơ hội
VOV.VN - Là một trong những khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, Đông Nam Á là nơi diễn ra cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Điều này tác động đa chiều tới môi trường an ninh và sự phát triển của các quốc gia trong khu vực.
Năm 2022 đánh một dấu mốc đặc biệt đối với ASEAN khi tổ chức 10 quốc gia thành viên này tròn 55 tuổi. Đối mặt với hàng loạt thách thức như phục hồi sau đại dịch COVID-19, khủng hoảng Myanmar, tác động của cuộc xung đột Ukraine và sự cạnh tranh giữa các nước lớn, ASEAN vẫn chứng minh vị thế và sức bật trong thời đại mới, trở thành điểm sáng của thế giới về an ninh và tăng trưởng kinh tế.
Thách thức trong và ngoài
Là một trong những khu vực phát triển năng động bậc nhất thế giới, Đông Nam Á là nơi diễn ra cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn. Điều này tác động đa chiều tới môi trường an ninh và sự phát triển của các quốc gia trong khu vực. Không thể phủ nhận những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, vốn làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ của Nga với phương Tây và sự cạnh tranh gay gắt , khiến phần còn lại của thế giới, trong đó có các quốc gia ASEAN, phải cân nhắc “nhấn nút” chọn bên.
Sau đại dịch COVID-19, ưu tiên hàng đầu của các quốc gia Đông Nam Á là tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên khu vực đang phục hồi sau tác động kinh tế của đại dịch lại phải đối mặt với các cơn gió ngược kinh tế toàn cầu, với tình trạng lạm phát tăng tại nhiều quốc gia thành viên, khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, suy thoái ở Trung Quốc và nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của châu Á giảm do xung đột ở Ukraine-Nga.
Nội khối ASEAN cũng đối mặt với hàng loạt vấn đề bao gồm cuộc khủng hoảng tại Myanmar với những câu hỏi để ngỏ về vai trò của ASEAN trong việc giải quyết vấn đề tại các quốc gia thành viên. Ngoài ra, những thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc, biến đổi khí hậu trở thành điểm nóng cùng với những vấn đề an ninh truyền thống ở Biển Đông tiếp tục thách thức khối quốc gia 10 thành viên này.
Biến nguy thành cơ
Chính sách đối ngoại: Một trong những dấu ấn ngoại giao của ASEAN trong năm 2022 đó là chính sách đối ngoại độc lập, thúc đẩy đoàn kết nội khối, tự chủ, cân bằng để vững vàng trước các cơn sóng lớn. “Không chọn bên trong cạnh tranh nước lớn” nhưng ASEAN vẫn tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các nước để đa dạng hóa nền kinh tế, tận dụng sáng kiến có lợi từ các đối tác để phát triển kinh tế.
Đối với cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc, các quốc gia ASEAN nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, trong khi vẫn tạo lập được nhiều hoạt động hợp tác với Trung Quốc.
Một hồ sơ nóng khác là cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra sự chia rẽ chính trị trên toàn cầu nhưng ASEAN vẫn giữ nguyên tắc không can thiệp vào công việc của nước khác, tiếp tục hợp tác với Nga bằng cách duy trì nguyên trạng, trong khi ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với Ucraina. Không bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc, các quốc gia ASEAN thậm chí còn đóng vai trò trung gian quan trọng trong các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng.
Có thể nói chính sách đối ngoại này đã giúp ASEAN về cơ bản giảm được các rủi ro do cạnh tranh chiến lược, đảm bảo một môi trường địa chính trị ổn định và một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở, tối đa hóa tăng trưởng kinh tế.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Masurdi cũng khẳng định đây là định hướng cho nước này khi giữ chức Chủ tịch ASEAN 2023: “ASEAN từ chối trở thành "một con tốt" trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thay vào đó, ASEAN tích cực thúc đẩy mô hình hợp tác với tất cả các quốc gia. Mô hình này cũng sẽ định hướng cho vai trò chủ tịch ASEAN của Indonesia vào năm tới. Indonesia cam kết củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong việc khẳng định trật tự khu vực ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, củng cố sự thống nhất của ASEAN như kim chỉ nam cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.
Điểm sáng kinh tế: Nhắc đến ASEAN năm 2022 không thể không đề cập đến bức tranh kinh tế ấn tượng của khối. Trong bối cảnh thế giới chao đảo với hàng loạt cuộc khủng hoảng đan xen, ASEAN trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng trưởng tại nhiều quốc gia như Philipines, Việt Nam, Indonesia… nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á.
Biến chuyển, thích ứng linh hoạt với tình hình mới, các quốc gia ASEAN nắm bắt cơ hội để phát triển. Tận dụng cơ hội chuyển dịch cơ cấu cung ứng toàn cầu do dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị, các nước ASEAN nổi lên như một giải pháp thay thế, với các thị trường từ Indonesia, Malaysia và Việt Nam... đang được hưởng lợi từ sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu. Bị tác động từ cơn gió ngược toàn cầu, lạm phát tại ASEAN vẫn ở mức tương đối khả quan, trong khi nội tệ không bị sụt giá mạnh so như các loại tiền tệ khác. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, nhiều thể chế tài chính quốc tế cho rằng Trung Quốc không còn là động lực tăng trưởng của châu Á mà vai trò này hiện nay đã dịch chuyển sang ASEAN và Ấn Độ.
Củng cố vai trò và vị thế: Ổn định chính trị và bàn đạp kinh tế giúp ASEAN tiếp tục củng cố vai trò và vị thế toàn cầu. Một số nước thành viên ASEAN đảm nhiệm chức Chủ tịch một số tổ chức quan trọng cấp khu vực và toàn cầu trong năm 2022, trong đó có Indonesia giữ chức chủ tịch G20, Thái Lan chủ tịch Diễn đàn APEC... đều đảm bảo chương trình nghị sự thành công, tạo nhiều dấu ấn quốc tế. Việc Anh chính thức trở thành nước đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN, nâng quan hệ đối tác với Mỹ và Ấn Độ lên cấp chiến lược toàn diện một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của ASEAN với tư cách tổ chức khu vực.
Dấu ấn Việt Nam
Một ASEAN mạnh mẽ và kiên cường không thể thiếu vai trò quan trọng của Việt Nam là nhận định của các quan chức khu vực. Là một thành viên tích cực, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tinh thần đối thoại, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của các quốc gia, tránh các xung đột, mâu thuẫn. Từ vấn đề thách thức nhất của khối là Myanmar.
Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN chia sẻ: “Đóng góp của Việt Nam là một quá trình tích cực, có trách nhiệm, không có sự vị kỷ. Điều Việt Nam quan tâm là sự toàn vẹn, thống nhất cũng như hình ảnh và vị thế của ASEAN. Tất cả các nước đều đánh giá rất cao sự tham gia và đóng góp của Việt Nam cũng như các hoạt động hỗ trợ và giải pháp kể từ khi khủng hoảng Myanmar nổ ra”.
Về nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN của Việt Nam, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng kinh tế Satvinder Singh nhận định: “Không chỉ tích cực thúc đẩy hội nhập ASEAN, Việt Nam còn đang hội nhập vào các nền tảng toàn cầu. Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng và đang cho phần còn lại của ASEAN thấy những gì cần thiết để chuyển đổi nền kinh tế và làm thế nào để trở nên phù hợp với khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng đang tận dụng và khai thác tốt nhất trong quá trình hội nhập ASEAN”.
Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam giúp nâng tầm ASEAN trên trường quốc tế: “Việt Nam là một thành viên rất tích cực của ASEAN và kể từ khi gia nhập đã đóng góp vào hành trình hội nhập của khu vực và quá trình xây dựng cộng đồng, đặc biệt khi nước này giữ vai trò chủ tịch ASEAN năm 1998, 2010, cũng như năm 2020. Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong việc thực hiện các định hướng ưu tiên khu vực, trong đó có nỗ lực chung của ASEAN đối phó với đại dịch COVID-19. Việt Nam cũng đã thúc đẩy quyền phụ nữ hay ủng hộ mạnh mẽ cho sự phát triển tiểu vùng, tạo ra những ảnh hưởng chung cho quá trình hội nhập khu vực nói chung. Và trong hơn 27 năm trở thành thành viên, Việt Nam đã nâng tầm vị thế ASEAN trên trường quốc tế”.
Có thể nói những đóng góp nổi bật của Việt Nam trong ASEAN cùng với các thành tựu của đất nước hiện nay là động lực giúp Việt Nam tự tin triển khai chính sách đối ngoại hướng tới vai trò ngày càng quan trọng đối với ASEAN trong giai đoạn tới./.