Bài học phòng chống Covid-19 hiệu quả từ các “điểm nóng” ở châu Á
VOV.VN-Hiện vẫn còn sớm để khẳng định Covid-19 bị đánh bại ở châu Á nhưng rõ ràng 1 số quốc gia và khu vực tại đây đã và đang kiểm soát hiệu quả dịch bệnh này.
Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên toàn cầu với số ca nhiễm tăng cao tại tâm dịch châu Âu và ổ dịch lớn thứ 3 thế giới là Mỹ. Ngày 23/3, WHO đã cảnh báo về sự "tăng tốc" của đại dịch này khi dịch Covid-19 mất 67 ngày để lên mức 100.000 ca nhiễm trên toàn cầu, 11 ngày để lên mức 200.000 ca nhiễm và chỉ 4 ngày để lên đến 300.000 ca nhiễm.
Các nhân viên phun thuốc khử trùng trong một khoang tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc ngày 11/3. Ảnh: Bloomberg |
Chính phủ các quốc gia ở mọi nơi trên thế giới đều đang nỗ lực để kiềm chế dịch bệnh, phong tỏa một khu vực hay cả quốc gia cũng như đóng cửa phần lớn nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á đã trải qua dịch SARS vào năm 2003 và gần đây là dịch MERS. Điều đó khiến cho những quốc gia tại châu Á này có kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với sự lây lan của dịch bệnh.
"Họ đã tích lũy kiến thức và kinh nghiệm qua những dịch bệnh trên, vì thế, có những khía cạnh mà các quốc gia khác có thể học hỏi từ những kinh nghiệm này", Giáo sư Kenji Shibuya thuộc Cao đẳng Hoàng gia London và từng là người phụ trách chính sách y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định dịch Covid-19 đã bị đánh bại tại châu Á nhưng việc kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh ở một số quốc gia và khu vực tại đây có thể là những kinh nghiệm mà các nước khác có thể học hỏi.
Xét nghiệm
"Dù hệ thống y tế như thế nào hay hệ thống chính trị được tổ chức ra sao thì các yếu tố then chốt nhằm kiểm soát dịch bệnh vẫn giống nhau, đó là xét nghiệm, theo dõi, cách ly và thông tin", Giáo sư Jessica Justman tại Đại học Columbia cho biết.
Hàn Quốc, quốc gia từng có số ca nhiễm cao nhất ngoài Trung Quốc, đã kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả nhờ khả năng xét nghiệm thuộc hàng nhanh nhất thế giới với hơn 10.000 xét nghiệm/ngày.
Việc xét nghiệm hiệu quả giúp Hàn Quốc có thể cách ly và điều trị cho những người nhiễm bệnh từ sớm, do đó, giảm sự lây lan của virus và giữ tỷ lệ tử vong ở mức thấp, chỉ dưới 1%.
"Chỉ xét nghiệm nhiều hơn, chứ không được ít đi là điều kiện cần thiết để xem xét virus đang lan rộng như thế nào và liệu nó có bắt đầu thích nghi với môi trường lây nhiễm mới hay không", đại diện Trung Quốc tại WHO Gauden Galea cho biết trong một cuộc phỏng vấn ngày 9/3.
Công nhân làm vệ sinh xe buýt tại Vũ Hán ngày 23/3. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Cách ly quy mô lớn
Trung Quốc đã khiến thế giới bất ngờ khi quyết định phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, mà thủ phủ là thành phố Vũ Hán hồi cuối tháng 1/2019, cách ly hiệu quả 60 triệu dân trong một động thái chưa từng có tiền lệ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng biện pháp này thực sự đã làm giảm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở các khu vực bên ngoài. Việc phong tỏa Vũ Hán có thể làm giảm sự lây nhiễm bên ngoài tới gần 80%, theo một bài báo xuất bản trên tạp chí Science ngày 6/3 do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Northeastern thực hiện.
Với số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong tăng cao, Italy đã quyết định "nối bước" Trung Quốc và thậm chí tiến xa hơn khi trở thành quốc gia đầu tiên phong tỏa toàn bộ đất nước. Pháp và mới đây là Anh cũng có biện pháp tương tự để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Zhang Wenhong - người đứng đầu đội ngũ chuyên gia y tế về Covid-19 của Thượng Hải, Trung Quốc, đồng thời là giám đốc khoa bệnh truyền nhiễm thuộc Bệnh viện Huashan của Đại học Fudan, Thượng Hải cho rằng: "Nếu toàn thế giới có thể ngừng di chuyển trong khoảng 4 tuần, dịch bệnh sẽ được ngăn chặn. Nhưng tôi không thể tưởng tượng được việc toàn thế giới tạm dừng hoạt động như vậy sẽ xảy ra. Điều này thậm chí không thể xảy ra chỉ ở riêng nước Đức hoặc châu Âu".
Không thể phủ nhận biện pháp phong tỏa của Trung Quốc đã cho thấy những hiệu quả nhất định trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhưng biện pháp này cũng phải trả những "cái giá" nhất định. Tại tỉnh Hồ Bắc, việc phong tỏa khiến hệ thống y tế địa phương bị quá tải và không thể cung cấp sự chăm sóc cơ bản mặc dù sau đó, Trung Quốc đã khắc phục bất cập này bằng việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, trưng dụng các trung tâm hội nghị, trung tâm triển lãm làm bệnh viện và huy động lực lượng lớn các y bác sĩ từ khắp nơi trên đất nước.
Giáo sư Yanzhong Huang - giám đốc nghiên cứu y tế toàn cầu tại Đại học Seton Hall tại South Orange, New Jersey cho rằng việc phong tỏa trên quy mô lớn của Trung Quốc sẽ gây nên những tổn thất không nhỏ về kinh tế - xã hội.
Bài học phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả ở Nga
Giãn cách xã hội
Giãn cách xã hội bằng cách hủy các sự kiện trên quy mô lớn, đóng cửa các địa điểm tập trung đông người, đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar, cách ly những người nhiễm bệnh và những người mà họ tiếp xúc thường được cho ra là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh.
Marc Lipsitch - Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Harvard và các đồng nghiệp của ông đã tiến hành phân tích thời gian thực hiện các biện pháp kiểm soát và sự lây lan cộng đồng của dịch Covid-19 tại các thành phố của Trung Quốc là Vũ Hán và Quảng Châu từ ngày 10/1 - 29/2/2020. Theo kết quả này, Vũ Hán tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và cách ly những người tiếp xúc với người bệnh 6 tuần sau khi phát hiện sự lây nhiễm trong cộng đồng, trong khi Quảng Châu thực hiện các biện pháp này trong 1 tuần sau khi xuất hiện các ca nhiễm. Nghiên cứu trên đã phát hiện ra rằng việc can thiệp từ sớm khiến Quảng Châu "giảm nhẹ về quy mô dịch bệnh và mức độ đỉnh dịch" so với Vũ Hán trong đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên.
Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) đã thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch bệnh từ sớm khi đóng cửa các trường học từ cuối tháng 1/2020. Các công ty và các cơ quan trong chính quyền cũng hủy bỏ các hội nghị thương mại, một số sự kiện thế thao bị hủy bỏ hoặc được tổ chức mà không có khán giả.
Giãn cách xã hội và chiến dịch khuyến cáo người dân vệ sinh sạch sẽ có thể giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm, nghiên cứu của các khoa học Australia cho biết hồi đầu tháng 3/2020.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Eran Bendavid - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Standford nhận định rằng việc giãn cách xã hội có hiệu quả hay không một phần phụ thuộc vào yếu tố văn hóa. Chẳng hạn, tại Italy, giãn cách xã hội là điều hoàn toàn trái ngược với văn hóa nước này khi người dân Italy sống trong các gia đình nhiều thế hệ hoặc thậm chí các cụm gia đình. Do đó, bản chất gia đình và tính cộng đồng mang “bản sắc Italy” đã trở thành điểm yếu lớn nhất của họ trong đại dịch toàn cầu.
Dữ liệu lớn
Sự lan rộng của virus SARS-CoV-2 tại các quốc gia châu Á cũng đòi hỏi cả chính phủ cũng như các nhà phát triển ứng dụng tạo nên những công nghệ mới nhằm phản ứng trước tình hình. Thông tin minh bạch, công khai sẽ giúp mọi người giảm bớt sợ hãi, lo lắng, cũng như ngăn chặn sự phát tán tin giả.
Tại Đài Loan, Trung Quốc, một nhóm chuyên gia đã tập hợp các cơ sở dữ liệu từ cơ quan y tế, bộ phận nhập cư và hải quan để cung cấp các thông tin theo dõi lịch sử đi lại của mọi người và các triệu chứng lâm sàng. Ứng dụng này cũng có thể sử dụng trên điện thoại di động để theo dõi những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao và ai trong số họ sau đó đã bị cách ly.
Singapore cũng có các biện pháp theo dõi tương tự, kết hợp với việc theo dõi tiếp xúc thường xuyên, đồng thời đưa ra các biện pháp trừng phạt những người không tuân thủ quy định cách ly bắt buộc hoặc nói dối về lịch sử đi lại.
Các nhà phát triển phần mềm ở Hàn Quốc đã sử dụng dữ liệu chính phủ và các báo cáo mới nhất để thiết lập các trang web và ứng dụng nhằm cho phép người sử dụng kiểm tra liệu có trường hợp mắc Covid-19 nào trong khu vực của họ hay không.
Tuy nhiên, biện pháp này đòi hỏi việc số hóa hồ sơ của chính phủ và các dữ liệu chăm sóc y tế cũng như yêu cầu một số lượng lớn dân số sử dụng điện thoại thông minh, Giáo sư Shibuya thuộc Cao đẳng Hoàng gia London cho biết.
Luôn trong trạng thái sẵn sàng
C. Jason Wang, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Ngăn ngừa hậu quả tại Đại học Standford đánh giá Đài Loan (Trung Quốc) là một khu vực coi trọng công tác ngăn ngừa dịch Covid-19 ngay từ ban đầu.
"Họ không chần chừ. Họ không muốn chết. Tỷ lệ tử vong trong dịch SARS quá cao và và họ không biết dịch bệnh mới này tồi tệ như thế nào. Không ai nghĩ rằng bệnh này giống như cảm cúm".
Từ ngày 5/1, Đài Loan (Trung Quốc) đã theo dõi những người đến Vũ Hán trước đó 14 ngày và bất kỳ ai có triệu chứng về hô hấp đều được đưa đi cách ly.
Việc Singapore - một trong những quốc gia châu Á kiểm soát khá hiệu quả dịch Covid-19 là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các biện pháp ngăn chặn và theo dõi quyết liệt, đặc biệt là trạng thái sẵn sàng ngay từ đầu.
Leong Hoe Nam - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth ở Singapore nhận định: "Khoảnh khắc mà cuộc đua bắt đầu, Singapore đã chạy trong khi những quốc gia khác mới chỉ sẵn sàng. Bạn sẽ thấy điều này xảy ra ở Mỹ, Anh và châu Âu. Khi có các trường hợp nhiễm bệnh, họ không thể phát hiện và cách ly nhanh chóng".
Singapore là một trong những quốc gia sớm thực hiện lệnh cấm đi lại, đặc biệt là đóng cửa biên giới với những người không phải công dân nước này hoặc thực hiện cách ly bắt buộc 14 ngày để ngăn chặn các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới. Ngay sau khi trình tự gien của virus SARS-CoV-2 được công bố, quốc gia này đã nhanh chóng phát triển các bộ xét nghiệm.
"Qua dịch SARS, Singapore đã rút ra được từ những bài học xương máu của mình rằng chúng tôi phải xây dựng những khả năng này ngay từ đầu. Khi bạn kiểm soát được vận mệnh của mình, bạn có thể quyết định nó sẽ đi theo hướng nào", chuyên gia Leong Hoe Nam cho biết./.
Kiều Anh/VOV.VN
Theo: Bloomberg, Straits Times, SCMP