Bài học sống chung với Covid-19 từ Đan Mạch – nơi dỡ bỏ hạn chế phòng dịch ngày 10/9

VOV.VN - Nhiều nước trên thế giới đang theo dõi Đan Mạch, quốc gia sẽ dỡ bỏ tất cả hạn chế phòng dịch vào ngày 10/9, để rút ra bài học về cách xây dựng lại cuộc sống bình thường và sống chung với Covid-19.

Covid-19 không còn là mối đe dọa tại Đan Mạch

Ngày 11/3/2020, Đan Mạch là nước đầu tiên ở Bắc Âu áp đặt lệnh phong tỏa và hiện tại đây cũng là quốc gia tiên phong trong việc dỡ bỏ các hạn chế.

Nhiều người tại Anh vẫn còn lo lắng về đại dịch Covid-19. Ngày 6/9, Anh ghi nhận hơn 41.000 ca nhiễm SARS-CoV-2. Các trường học tại Anh đang lên kế hoạch xét nghiệm 2 lần/tuần cho học sinh, kiểm tra hệ thống thông gió và trang bị trạm rửa tay. Chiến dịch tiêm chủng tiếp theo tại Anh cũng được tranh luận sôi nổi với câu hỏi đặt ra là nên tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi hay tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-15 tuổi. Đại học Cambridge ước tính rằng, cho đến nay chỉ khoảng 30% dân số Anh đã mắc Covid-19. Đây là điều đáng lo ngại về khả năng miễn dịch.

Trong khi Anh vẫn đối mặt với nhiều thử thách trong đại dịch Covid-19, một quốc gia châu Âu khác lại không gặp những rắc rối như vậy. Theo Telegraph, trên thực tế, Covid-19 đã chấm dứt đối với người Đan Mạch. Vào ngày 10/9, Đan Mạch sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng Covid-19 cuối cùng. “SARS-CoV-2 không còn mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội nhờ 72% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ”, chính phủ Đan Mạch cho biết trong một tuyên bố.

“Dịch bệnh đã được kiểm soát”, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke thông báo vào tuần trước, đồng thời thừa nhận rằng thẩm quyền của chính phủ trong việc áp đặt các biện pháp đặc biệt liên quan đến Covid-19 sắp kết thúc.

Trong thời gian tới, Đan Mạch có thể sẽ mang lại bài học cho thế giới về cách xây dựng lại cuộc sống bình thường. Mặc dù vậy, người Đan Mạch không khẳng định đã chiến thắng trước Covid-19, chỉ cho rằng họ đã tìm ra cách để sống chung với dịch bệnh.

Kế hoạch trở lại cuộc sống bình thường như trước khi đại dịch bùng phát đã được Đan Mạch chuẩn bị trong vài tháng. Chính phủ Đan Mạch cho rằng, đất nước có thể chịu được tỷ lệ lây nhiễm cao hơn do khoảng 95% những người dễ bị tổn thương, người sống trong viện dưỡng lão và người trên 60 tuổi đã được tiêm chủng đầy đủ.

Trong một bản tin cập nhật tình hình Covid-19 vào tháng 8, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã tuyên bố vaccine là “siêu vũ khí đánh bại tất cả”.

“Cuộc sống bình thường đã trở lại ở hầu hết các nơi trên đất nước. Chúng tôi hy vọng có thể tránh được những đợt phong tỏa lớn trong tương lai”, bà Frederiksen nói.

Vào cuối tháng 8, chính phủ Đan Mạch đã công bố kế hoạch giảm quy mô cơ sở hạ tầng xét nghiệm và tất cả các địa điểm xét nghiệm nhanh sẽ đóng cửa trước tháng 9. Gần đây, Đan Mạch cũng bỏ quy định giãn cách 1m, nghĩa là người dân không cần phải ngồi cách ghế trống trong nhà thờ và rạp chiếu phim.

Kể từ tuần này, học sinh và trẻ mẫu giáo sẽ không còn phải nghỉ học nếu bạn cùng lớp hoặc giáo viên mắc Covid-19. Từ tháng 9, những người tới quán bar và nhà hàng không cần phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (còn gọi là coronapas). Quy định nhà hàng phải đóng cửa vào 2h sáng đã được dỡ bỏ và các lễ hội âm nhạc được phép hoạt động trở lại. Các hộp đêm, sau khi đóng cửa trong 18 tháng, đã được mở cửa trở lại.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới mỗi tuần tại Đan Mạch tăng gấp 5 lần so với mức thấp nhất vào cuối tháng 6.

“Chúng ta thấy rằng tình hình dịch bệnh ở Đan Mạch không quá nghiêm trọng. Vì vậy, các chính trị gia và công chúng chắc chắn đều hiểu rằng đây không phải là mối đe dọa với xã hội”, Viggo Andreasen, phó giáo sư tại Trung tâm PandemiX thuộc Đại học Roskilde, nhận định.

“Dịch bệnh của những người chưa tiêm chủng”

Mặc dù số ca mắc bệnh vẫn ở mức cao, Đan Mạch chỉ ghi nhận hơn 10 ca tử vong do Covid-19 mỗi tuần, giảm so với hơn 200 ca tử vong mỗi tuần trong khoảng thời gian tồi tệ nhất của đại dịch ở nước này hồi tháng 1.

Số người điều trị tại bệnh viện do Covid-19 đã tăng gấp đôi kể từ đầu tháng 8, với 123 bệnh nhân được ghi nhận vào ngày 7/9.

Bộ trưởng Y tế Heunicke cảnh báo rằng có nguy cơ xảy ra “dịch bệnh đối với những người chưa tiêm chủng”.

Trong số những người từ 15-18 tuổi, chỉ có 43,5% đã tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng ở những người trong độ tuổi 20 cũng đang bị tụt lại phía sau.

“Vào mùa đông, nguy cơ lây nhiễm tại trường học sẽ cao hơn, đặc biệt là trong các trường tiểu học”, chuyên gia Andreasen nói.

Ông Andreasen ước tính rằng khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, khoảng 50% số người chưa tiêm chủng, có thể do họ không đồng ý tiêm vaccine, không đủ điều kiện hoặc dưới 12 tuổi, sẽ có miễn dịch thông qua lây nhiễm SARS-CoV-2 trong vòng 6 tháng.

Khi trẻ em tại Anh sắp quay trở lại trường học trong năm học mới, nhiều người kêu gọi cần có thêm quy định về việc đeo khẩu trang, hệ thống thông gió, xét nghiệm và cách ly. Trong khi đó, tình hình ở Đan Mạch lại trái ngược hoàn toàn. Tuần trước, phe đối lập thuộc đảng trung tả cùng 2 đảng nhỏ khác đã kêu gọi cho phép những trẻ em tiếp xúc gần với một người được xác nhận mắc Covid-19 không cần phải tự cách ly ở nhà.  

Hiện tại, giáo viên và học sinh trong độ tuổi từ 12-16 được khuyến khích thay vì bắt buộc xét nghiệm nhanh mỗi 72 giờ hoặc xét nghiệm PCR mỗi 96 giờ. Tuy nhiên, không có khuyến nghị tương tự dành cho học sinh trung học phổ thông. Việc khuyến khích học sinh xét nghiệm sẽ kết thúc vào cuối tháng 9 và có thể sẽ sớm được dỡ bỏ.

Vẫn còn những lo ngại

Theo Telegraph, không phải ai cũng hài lòng trước sự thay đổi trong thái độ và cách tiếp cận với đại dịch Covid-19 của Đan Mạch. Người dân Đan Mạch rất tin tưởng vào các chuyên gia trong nước, nhưng đối với nhiều người nước ngoài sống ở đây, việc chuyển từ cách ứng phó kịp thời và mang tính phòng ngừa sang chiến lược sốt sắng sau khi phần lớn dân số đã được tiêm chủng đầy đủ là điều khiến họ lo lắng.

“Nhìn vào những ca nhập viện và những đứa trẻ nằm viện trên khắp thế giới, tôi cảm thấy rất lo lắng”, Jonathan Bauer, giáo viên người Mỹ dạy tiếng Anh và nghệ thuật tại một trường trung học cơ sở ở Jutland, cho biết. Vợ của Bauer là người thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

“Đại dịch vẫn chưa kết thúc. Khi tôi đi tàu vào sáng nay, cả khoang tàu chật kín người. Điều này khiến tôi rất khó chịu”, Bauer nói.

Một người phụ nữ Mỹ sống ở Copenhagen cho rằng, thế hệ tương lai đang gặp rủi ro. “Có vẻ sẽ trái với đạo đức khi nói rằng trẻ em có thể mắc Covid-19 để có khả năng miễn dịch. Chúng ta biết rõ rằng điều này có nguy cơ khiến các em bị suy giảm nhận thức vĩnh viễn”, người phụ nữ nói.

Bà và gia đình đã ngừng ăn uống bên trong các nhà hàng và quán bar vì khách hàng tới những nơi này không còn bị kiểm tra thẻ coronapas. Gia đình bà cũng đeo khẩu trang khi đi mua sắm hoặc ở trong những không gian kín.

Tại quán rượu WarPigs ở quận Meatpacking của thủ đô Copenhagen, quản lý Mads Snedevind nói rằng, thẻ coronapas rất hữu ích khi Đan Mạch là quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng loại chứng nhận này cách đây 6 tháng.

“Khi bạn ngồi bên trong nhà hàng hay quán bar, bạn biết mọi người đều an toàn, nhưng là do bạn không thường xuyên nhìn thấy những người đeo khẩu trang nên bạn có thể cảm thấy tình hình dịch bệnh đang bình thường”, Snedevind nói.

Không phải tất cả người Đan Mạch đều tin rằng đất nước này đang đi theo một chiến lược Covid-19 đúng đắn. Theo ông Andreasen, những lo ngại của Snedevind và 2 người Mỹ trên không phải là không có căn cứ.

“Chiến lược của Đan Mạch đang đặt những người trưởng thành, những người chưa được tiêm chủng đứng trước rủi ro nghiêm trọng”, ông Andreasen nói.

Theo chuyên gia Andreasen, việc để virus tự do lây lan trong trường học có thể mang lại những mối nguy hiểm không ngờ. Đó là lý do tại sao ông tin rằng, những học sinh tiếp xúc gần với những người mắc bệnh nên tiếp tục được xét nghiệm và cách ly./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Biến thể Delta hoành hành, Singapore lúng túng trong chiến lược sống chung với Covid-19
Biến thể Delta hoành hành, Singapore lúng túng trong chiến lược sống chung với Covid-19

VOV.VN - Singapore có thể phải tái áp đặt các hạn chế nếu đợt bùng phát Covid-19 do biến thể Delta hiện nay không được khống chế. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho mô hình sống chung với Covid-19 của Singapore và cũng là lời cảnh báo đối với các nước theo đuổi chiến lược tương tự.

Biến thể Delta hoành hành, Singapore lúng túng trong chiến lược sống chung với Covid-19

Biến thể Delta hoành hành, Singapore lúng túng trong chiến lược sống chung với Covid-19

VOV.VN - Singapore có thể phải tái áp đặt các hạn chế nếu đợt bùng phát Covid-19 do biến thể Delta hiện nay không được khống chế. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho mô hình sống chung với Covid-19 của Singapore và cũng là lời cảnh báo đối với các nước theo đuổi chiến lược tương tự.

Kinh nghiệm cho Đông Nam Á khi đặt cược "sống chung với Covid-19"
Kinh nghiệm cho Đông Nam Á khi đặt cược "sống chung với Covid-19"

VOV.VN - Về lý thuyết, sống chung với Covid-19 có thể đem đến những giải pháp bền vững và lâu dài nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện chiến lược này không hề đơn giản.

Kinh nghiệm cho Đông Nam Á khi đặt cược "sống chung với Covid-19"

Kinh nghiệm cho Đông Nam Á khi đặt cược "sống chung với Covid-19"

VOV.VN - Về lý thuyết, sống chung với Covid-19 có thể đem đến những giải pháp bền vững và lâu dài nhưng thực tế cho thấy việc thực hiện chiến lược này không hề đơn giản.

Châu Á có thể học được gì từ chiến lược sống chung với Covid-19 của Israel?
Châu Á có thể học được gì từ chiến lược sống chung với Covid-19 của Israel?

VOV.VN - Số ca mắc bệnh tăng trở lại ở Israel dù hơn 60% dân số đã tiêm chủng đầy đủ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến không hồi kết với đại dịch, nhưng các chuyên gia châu Á vẫn xem Israel là hình mẫu cần học hỏi về giải pháp sống chung với Covid-19.

Châu Á có thể học được gì từ chiến lược sống chung với Covid-19 của Israel?

Châu Á có thể học được gì từ chiến lược sống chung với Covid-19 của Israel?

VOV.VN - Số ca mắc bệnh tăng trở lại ở Israel dù hơn 60% dân số đã tiêm chủng đầy đủ làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến không hồi kết với đại dịch, nhưng các chuyên gia châu Á vẫn xem Israel là hình mẫu cần học hỏi về giải pháp sống chung với Covid-19.