Bài học từ Thái Lan và yêu cầu cấp bách tiêm vaccine cho người cao tuổi
VOV.VN - Thái Lan, quốc gia duy nhất trong 30 quốc gia Reuters phân tích dữ liệu, có tỷ lệ người cao tuổi được tiêm vaccine thấp hơn tỷ lệ tiêm vaccine ở các nhóm tuổi trẻ hơn.
Lý giải tỷ lệ tử vong tăng cao ở Thái Lan
Chỉ 2 tuần trước khi đến lượt sau khi hẹn lịch tiêm vaccine đã chờ đợi trong một thời gian dài ở Bangkok, người mẹ 62 tuổi của chị Anyamanee Puttaraksa có triệu chứng sốt. 3 ngày sau, mẹ của chị Anyamanee được xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 4 tiếng sau, bà đã qua đời.
Cùng với nỗi buồn khi mất đi người thân, chị Anyamanee cảm thấy giận dữ với chiến dịch tiêm vaccine của chính phủ khi khiến cho những người cao tuổi nằm trong nhóm được tiêm vaccine thấp nhất của Thái Lan - tương phản hoàn toàn với nhiều khu vực trên thế giới, nơi mà những người cao tuổi dễ tổn thương là đối tượng được ưu tiên.
"Nếu mẹ tôi được tiêm vaccine, tình trạng của bà ấy sẽ không nghiêm trọng như vậy", chị Anyamanee chia sẻ.
Dữ liệu từ chính phủ được Reuters phân tích cho thấy Thái Lan đã tiêm vaccine đầy đủ cho 6,7% trong số 10,9 triệu người từ 60 tuổi trở lên, thấp hơn hẳn so với tỷ lệ 15% ở những người từ 18 - 59 tuổi và tỷ lệ 10,2% trong toàn bộ dân số, bao gồm cả trẻ em, đối tượng chưa được tiêm vaccine.
Thái Lan, quốc gia duy nhất trong 30 quốc gia Reuters phân tích dữ liệu, có tỷ lệ người cao tuổi được tiêm vaccine thấp hơn tỷ lệ tiêm vaccine ở các nhóm tuổi trẻ hơn.
Theo dữ liệu của chính phủ, Malaysia đã tiêm vaccine đầy đủ cho ít nhất 64% người cao tuổi tính tới 2/8, so với 42% tổng dân số được tiêm đủ liều.
Tại Indonesia, chỉ 17% người cao tuổi được tiêm vaccne đầy đủ nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ 13% dân số được tiêm vaccine đủ liều.
Bác sĩ Chawetsan Namwat, quan chức cấp cao tại Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho biết, kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi đã dịch chuyển sau đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng ở Bangkok và nhận định, tỷ lệ tiêm vaccine tương đối thấp ở nhóm tuổi này có thể đã dẫn đến nhiều ca tử vong hơn ở những người cao tuổi.
Từ tháng 4/2021, những người từ 60 tuổi trở lên ở Thái Lan chiếm ít nhất 62% số ca tử vong ở Thái Lan và khoảng 8,7% số ca mắc. Tỷ lệ tử vong ở những người cao tuổi tăng lên đã cho thấy tác động của việc triển khai chậm chiến lược tiêm vaccine.
Tại Indonesia, người cao tuổi chiếm gần 12% số ca mắc nhưng chỉ chiếm 47% số ca tử vong.
Một số ý kiến cho rằng chính sách tiêm vaccine của Thái Lan là một phần nguyên nhân của việc số ca mắc tăng vọt lên hơn 10.000 trường hợp ở quốc gia này, nơi từng chứng kiến chưa tới 100 ca tử vong vào năm ngoái.
"Tỷ lệ tử vong cao hơn là kết quả trực tiếp của việc không ưu tiên tiêm vaccine cho những người cao tuổi sớm", Chris Potranandana, đồng sáng lập Zendai, một tổ chức tình nguyện hỗ trợ người cao tuổi và người nghèo tiếp cận xét nghiệm cũng như điều trị Covid-19, chia sẻ.
Bác sĩ Chawetsan giải thích, số ca tử vong cao trong đợt bùng phát hiện nay có liên quan đến số ca mắc tăng cao và tỷ lệ tử vong chỉ tăng nhẹ trong đợt bùng phát lần này.
Kể từ tháng 4, tỷ lệ tử vong ở Thái Lan - tỷ lệ được xác định giữa số ca tử vong và số ca mắc, đã tăng gần gấp 3 lên 0,96%, so với 2 đợt bùng phát đầu tiên là 0,33%, dữ liệu phân tích của Reuters cho biết. Tỷ lệ này với người cao tuổi tăng từ 4% vào trước đó lên 7,2% hiện nay.
Dịch chuyển ưu tiên và yêu cầu cấp bách tiêm vaccine cho người cao tuổi
Mặc dù chính phủ ban đầu thông báo người cao tuổi là nhóm ưu tiên trong chiến dịch tiêm vaccine nhưng kế hoạch ưu tiên dựa trên độ tuổi đã chuyển sang kế hoạch ưu tiên dựa trên địa lý sau khi dịch bùng phát ở Bangkok vào tháng 4.
Ngoài ra, những nhóm tuổi trẻ hơn và trong độ tuổi lao động ở thủ đô của Thái Lan có thể tiếp cận các trung tâm tiêm chủng dễ dàng hơn so với những công dân lớn tuổi, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn ở nhóm người cao tuổi, ông Chawetsan cho hay.
"Chúng tôi đã ưu tiên tiêm vaccine cho người cao tuổi nhưng chúng tôi không dự đoán trước được làn sóng lây nhiễm dữ dội của biến thể Delta. Khi điều đó xảy ra, chúng tôi phải huy động nguồn lực cho những khu vực nguy cơ có tỷ lệ lây nhiễm cao và tiêm vaccine cho tất cả các nhóm tuổi để kiềm chế sự lây nhiễm", ông Chawetsan nhận định.
Bangkok đã được phân bổ 1/3 nguồn vaccine Covid-19 của Thái Lan khi chiến dịch tiêm vaccine diện rộng của nước này bắt đầu vào tháng 6, mặc dù khu vực này chỉ chiếm 1/10 dân số, theo dữ liệu chính thức từ Reuters.
Một lượng lớn vaccine nữa được chuyển tới đảo du lịch Phuket, nơi chính phủ có kế hoạch tiêm vaccine cho tất cả người trưởng thành để khôi phục du lịch quốc tế.
Chiến dịch tiêm vaccine khởi đầu lộn xộn khiến cho những người cao tuổi ở nước này gặp nhiều khó khăn, ông Potranandana nhận định. Việc đặt lịch tiêm vaccine được giới thiệu trên nhiều trang web và ứng dụng di động nhưng đôi khi kế hoạch này bị hủy bỏ với một thông báo ngắn hoặc hẹn lại ở một thời điểm khá xa trong tương lai do thiếu vaccine.
"Việc tiếp cận này không hướng đến người cao tuổi, vốn là nhóm đối tượng ít thành thạo công nghệ nhất".
Ông Chawetsan cho biết, số người đăng ký ban đầu ở mức thấp còn do tâm lý ngần ngại tiêm vaccine ở những người lớn tuổi.
Chính phủ Thái Lan cho biết mục tiêu hiện nay là tăng cường tiêm vaccine cho người cao tuổi. Theo ông Chawetsan, khoảng 70% người cao tuổi sẽ nhận được ít nhất 1 mũi vaccine vào cuối tháng 9.
Dù vậy, nhiều gia đình phàn nàn, việc này đã diễn ra quá trễ.
"Họ lẽ ra nên tiêm vaccine cho người cao tuổi ngay sau các nhân viên y tế và lực lượng tuyến đầu", Thippawan Rodinthra - 18 tuổi chia sẻ sau khi người ông 78 tuổi của cậu mất vì Covid-19 vào tháng trước./.