Triều Tiên thử bom H, dân Hàn Quốc kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân
VOV.VN - Chính sách của Tổng thống Trump và vụ thử bom H vừa rồi của Triều Tiên đã khiến người Hàn Quốc nghĩ đến việc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ.
Phản ứng trước vụ thử bom hạt nhân mới nhất của Triều Tiên, các chuyên gia và nhà bình luận Hàn Quốc đã kêu gọi nước này bước sang trang mới trong cách hành xử với Triều Tiên và “dùng lửa để đối chọi lại với lửa”.
Quân đội Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật đáp trả vụ thử bom H của Triều Tiên. Ảnh: EPA.
Nhiều người Hàn Quốc đang kêu gọi quốc gia này hãy tự phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình, lấy đó làm phương tiện răn đe độc lập với Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump quan tâm nhiều đến vấn đề đối nội của nước Mỹ hơn và có vẻ không để tâm nhiều tới việc bảo vệ Hàn Quốc.
Hiện nay Hàn Quốc là nơi đồn trú của khoảng 30.000 lính Mỹ. Hàn Quốc về lý thuyết được nằm dưới “chiếc ô hạt nhân của Mỹ”. Bản thân Hàn Quốc thì bị cấm phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình, theo một thỏa thuận đạt được giữa Seoul và Washingtgon vào năm 1974.
Mong muốn có vũ khí riêng
Bài xã luận của tờ Dong-a Ilbo – tờ báo lớn thứ 2 tại Hàn Quốc có đoạn: “Do vũ khí hạt nhân cứ được liên tục chế tạo và chìa vào đầu chúng ta, nên chúng ta không thể lúc nào cũng dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ”.
Mỹ từng bố trí vũ khí nguyên tử ở Hàn Quốc sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nhưng đã rút số vũ khí này về vào năm 1991 khi Triều Tiên và Hàn Quốc cùng tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Bài xã luận của Dong-a Ilbo cho rằng thỏa thuận năm 1974 giờ không còn phù hợp nữa.
Tờ báo viết: “Không có lý do gì để chúng ta cứ bám vào cái tuyên bố này để mà phi hạt nhân hóa Hàn Quốc, chưa nói tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
Triều Tiên đã thử quả bom hạt nhân mạnh nhất của họ cho tới nay, vào hôm 3/9, tạo ra một trận động đất 6,3 độ richter có thể cảm nhận được ở vùng đông bắc Trung Quốc.
Năng lực thực sự của Triều Tiên đối với bom nhiệt hạch đến đâu?
Gần 60% người dân Hàn Quốc ủng hộ khởi động một chương trình vũ khí hạt nhân, theo một cuộc thăm dò dư luận vào tháng 9/2016. Những người ở độ tuổi 60 và hơn thế ủng hộ ý tưởng này một cách áp đảo.
Jeon Yun-gu chỉ còn vài năm nữa là đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Cậu thiếu niên 16 tuổi này cũng thể hiện quyết tâm sẵn sàng chiến đấu để chấm dứt mối đe dọa hạt nhân lơ lửng trên đầu đất nước Hàn Quốc.
Cậu nói: “Chúng tôi nên ngừng nói chuyện với Triều Tiên và hãy có thái độ cứng rắn với họ. Chúng tôi nên phản ứng với họ bằng chính thứ họ có – vũ khí hạt nhân. Do vậy chúng tôi nên tự phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Tôi nghĩ, chúng tôi nên tấn công”.
Kêu gọi Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân
Nhưng một số khác cho rằng bước đi đầu tiên là đưa vũ khí hạt nhân của Mỹ trở lại Hàn Quốc.
Park Byung-kwang, Giám đốc Trung tâm Đông Bắc Á tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia có liên quan tới cơ quan tình báo của Hàn Quốc, cho rằng “Với mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên ngày càng tăng, chúng ta nên đưa các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trở lại Hàn Quốc”.
Ông Park nói rằng Hàn Quốc không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với Mỹ để giải quyết khủng hoảng ngày càng sâu sắc hiện nay bất chất tính cách đặc biệt của Tổng thống Mỹ Trump.
Ông Park cho rằng ý tưởng tự phát triển vũ khí hạt nhân cùa riêng Hàn Quốc là không khả thi, do Hàn Quốc chịu ràng buộc của nhiều thỏa thuận, hiệp ước quốc tế. Theo ông, các lệnh trừng phạt không phải lúc nào cũng có tác dụng đối với Triều Tiên nhưng Hàn Quốc thì lại khác – nó có nền kinh tế hội nhập đầy đủ vào cộng đồng thế giới nên dễ chịu tác động từ các lệnh trừng phạt.
Nhưng ở vùng nông thôn dọc theo khu phi quân sự giữa 2 miền của bán đảo Triều Tiên, người dân Hàn Quốc thường có thái độ cứng rắn hơn khi liên tục đối mặt với các đe dọa từ phía Triều Tiên.
Woo Jong-il, một người dân Hàn Quốc sống ở gần biên giới Hàn-Triều, chia sẻ: “Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và đang tiếp tục thử nghiệm vũ khí này bất chấp sự phản đối của toàn thế giới. Nga, Mỹ, Trung Quốc – họ đều có vũ khí cả. Đến cả Triều Tiên, một quốc gia nhỏ cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, vậy tại sao chúng tôi lại không được phép có?... Hoặc là Mỹ hãy trao cho chúng tôi một quả bom hạt nhân, hoặc là họ hãy để cho chúng tôi tự phát triển lấy một quả bom như vậy”./.