Biển Đông: Điểm nóng của các cuộc tập trận
VOV.VN - Đúng thời điểm chiến sự ác liệt ở Syria, Biển Đông cũng nóng lên khi cùng lúc diễn ra các cuộc tập trận của nhiều nước trong khu vực và Mỹ.
Australia nói tập trận Biển Đông không nhằm vào Trung Quốc
Theo ABC News, tàu chiến, máy bay quân sự và 400 binh sĩ Australia bắt đầu cuộc tập trận chung với bốn nước đồng minh chiến lược ở Biển Đông vào ngày 4/10 nhưng theo lực lượng quốc phòng Australia hoạt động này không hề có ý khiêu khích Trung Quốc.
Cuộc tập trận tên gọi Bersama Lima kéo dài ba tuần ở phía nam Biển Đông với sự tham gia của Australia và các nước như Malaysia, Singapore, New Zealand và Anh.
Binh sĩ Australia sử dụng súng máy trên tàu khu trục hải quân HMAS Warramunga. (ảnh: ABC News) |
Đây là cuộc tập trận thường niên trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ của 5 nước. Năm nay đến phiên Singapore chủ trì.
Tàu khu trục hải quân HMAS Warramunga, 12 chiến đấu cơ F/A-18A Hornet, máy bay tuần tra biển AP-3C Orion và máy bay do thám E-7A Wedgetail tham gia tập trận.
Tư lệnh Không quân Hoàng gia Greg Jervis nói rằng cuộc tập trận này không nhằm vào các động thái bành trướng của Trung Quốc trong khu vực thời gian gần đây.
“Chúng tôi không đứng về bên nào liên quan tới những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hoặc có bất cứ động thái nào tương tự. Đây chỉ đơn thuần là một cuộc tập trận thường niên có mục đích chia sẻ kiến thức về chiến thuật của nhau cũng như tăng cường khả năng phối hợp tác chiến của lực lượng vũ trang 5 nước”, Tư lệnh Greg Jervis nói.
Hiệp ước phòng thủ của 5 nước Australia, Malaysia, Singapore, New Zealand và Anh ký kết vào năm 1971.
Indonesia tập trận lớn chưa từng có
Người phát ngôn Không quân Indonesia Jemi Trisonjaya cho biết, từ 6/10, hơn 2.000 binh sĩ cùng 70 chiến đấu cơ tham gia vào cuộc tập trận kéo dài 2 tuần tại quần đảo Natuna với mục đích khẳng định quyền kiểm soát đối với khu vực giàu khí đốt tiếp giáp biển Đông.
Cuộc tập trận bao gồm không chiến và ném bom các mục tiêu trên biển. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới trực tiếp theo dõi cuộc tập trận này. Kịch bản tập trận là một chiến dịch không kích và tái chiếm đường băng trong bối cảnh kẻ địch đang chiếm giữ khu vực Pulau Natuna Besar.
Theo Chỉ huy lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia Gatot Nurmantyo, Tổng thống Widodo chủ trương tăng cường sức mạnh cho cả ba binh chủng nhằm bảo vệ các hòn đảo chiến lược.
Tổng thống Indonesia Widodo tới theo dõi cuộc tập trận. (ảnh: Reuters) |
Trước đó, hồi tháng 6, Tổng thống Indonesia đã tiến hành một chiến dịch “chưa từng có tiền lệ” nhằm thúc đẩy việc khai thác hải sản và dầu mỏ tại chuỗi đảo Natuna. Ông Widodo cũng chủ trương xây dựng các công trình quốc phòng tai đây sau sự kiện Hải quân Indonesia “đụng độ’” với các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển này.
“Chúng tôi muốn khẳng định sự tồn tại của mình trong vùng biển này. Chúng tôi có đủ sức mạnh không lực để răn đe đối phương”, Người phát ngôn Không quân Indonesia Jemi Trisonjaya nhấn mạnh.
Mặc dù thừa nhận đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của quân đội Indonesia nhưng Ngoại trưởng Retno Marsudi khẳng định đây chỉ là cuộc tập trận thường kỳ.
Giới quan sát cho rằng cuộc tập trận đã khiến tình hình Biển Đông thêm bất ổn trong bối cảnh Philippines bất ngờ tách khỏi Mỹ. Cuộc tập trận cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh sau những cuộc chạm trán gần đây giữa Hải quân Indonesia và các tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông.
Các chuyên gia cũng cho rằng tình hình Biển Đông đang rất bất ổn khi nhiều nước thay đổi lập trường lâu nay của mình.
Mỹ - Philippines tập trận lần cuối trên Biển Đông?
Từ 4/10, Mỹ và Philippines bước vào cuộc tập trận mà theo tuyên bố của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đây là cuộc tập trận cuối cùng với Mỹ trong nhiệm kì tổng thống 6 năm của ông.
Tham gia tập trận là 1.100 lính Mỹ và 400 binh sĩ Philippines. Mục tiêu tập trận là tăng cường sự sẵn sàng của hai phía để đối phó với các cuộc khủng hoảng, đồng thời thắt chặt mối quan hệ lịch sử.
Ngay sau lễ khai mạc buổi tập trận, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã phải đính chính lại tuyên bố của Tổng thống nước này rằng đây chưa phải là cuộc tập trận cuối cùng. Cho dù, theo đường lối đối ngoại mới của Tổng thống, ông Duterte muốn “giải phóng” đất nước khỏi sự phụ thuộc mang tính trói buộc vào Mỹ.
Philippines liệu có “dứt tình” với Mỹ?
Các quan chức Mỹ cũng nói rằng Washington chưa được chính phủ Philippines thông báo chính thức về bất kì động thái hủy bỏ các cuộc tập trận dự kiến nào.
Chuẩn tướng hải quân Mỹ, ông John Jansen, cho biết ngoài việc thúc đẩy an ninh khu vực, các cuộc tập trận sẽ giúp cứu nhiều mạng người sau này nhờ cải thiện tốc độ và hiệu quả phản ứng trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Về phía Mỹ, khi được hỏi về những chỉ trích liên tục gần đây từ Manila, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói rằng, Mỹ quan tâm đến những tuyên bố của Philippines nhưng tin rằng, những lời chỉ trích không phản ánh đúng thực tế các hình thức hợp tác hiện có giữa hai nước.
“Chúng tôi vẫn đảm bảo thực thi những cam kết an ninh thực chất với Philippines. Những gì chúng tôi hiện tập trung thực hiện đó là đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân Philippines phù hợp với luật pháp và các quy định của Mỹ”, ông Kirby nói.
Biển Đông vẫn là quan tâm hàng đầu của Mỹ
Diplomat dẫn thông tin từ Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, các cuộc tập trận có nội dung chống tàu ngầm, đối phó các viễn cảnh chiến tranh và bắn đạn thật đã diễn ra trong 2 ngày 3 và 4/10 tại biển Đông.
Tham gia các cuộc tập trận có 18.000 quân nhân, hơn 180 máy bay Mỹ, tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard lớp Wasp, tàu vận tải đổ bộ USS Green Bay lớp San Antonio, tàu bến đổ bộ USS Germantown lớp Whidbey Island.
Cựu Đô đốc chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương Dennis Blair trả lời ABC News. |
Theo người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia, Đô đốc chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương đã nghỉ hưu, ông Dennis Blair thì Biển Đông vẫn là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có động thái bành trướng tại khu vực này. Ông Blair cũng kêu gọi Australia tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ.
Chuyên gia này cho rằng tình hình Biển Đông chưa bao giờ hết nóng khi liên tiếp xuất hiện các cuộc tập trận trong tháng 10, sau cuộc tập trận giữa Trung Quốc và Nga hôm 12/9.
Ông Blair cũng nhận định cả Mỹ và Trung Quốc thật khó có thể thỏa hiệp và giảm thế đối đầu trên Biển Đông khi 2 nước chưa hiểu được rõ ý đồ của nhau. Điều này khá nguy hiểm khi mà những va chạm nhỏ cũng dễ dẫn đến những xung đột gây tác động lớn đối với khu vực./.