Các nước Arab Vùng Vịnh dần “xuống nước” với Qatar?
VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, hiện cả Qatar và các nước Arab đều không muốn căng thẳng leo thang.
Trong chuyến thăm Kuwait hôm qua (3/7) - nước trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã chuyển tới Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah "thông điệp phản hồi" liên quan đến bản yêu sách của các nước Arab và vùng Vịnh.
Giới quan sát cho rằng, hiện cả Qatar và các nước Arab đều không muốn căng thẳng leo thang. Ảnh minh họa: AP.
Tuy nhiên, nội dung chi tiết của thông điệp hiện chưa được công bố. Trong bản danh sách 13 điểm của các nước Arab vùng Vịnh, việc chấm dứt hỗ trợ cho các tổ chức khủng bố như Anh em Hồi giáo, đóng cửa kênh tryền hình Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, cũng như đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar là những yêu cầu chủ chốt mà các nước Arab đưa ra với Qatar.
Trong khi các nước Arab và vùng Vịnh tuyên bố bản yêu sách của họ là không thể đàm phán, thì Ngoại trưởng Qatar Al-Thani cho rằng, "tối hậu thư" của Saudi Arabia và các đồng minh không nhằm mục đích giải quyết vấn đề khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền và làm suy yếu Qatar.
Một số nước cũng lên tiếng ủng hộ Qatar và bác bỏ những yêu cầu “ không thể chấp nhận được” của các nước Arab đối với Qatar.
Người phát ngôn Cơ quan Liên Hợp Quốc về nhân quyền Rupert Colville khẳng định: “Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền lo ngại về yêu cầu Qatar đóng cửa mạng lưới Al Jazeera cũng như các phương tiện truyền thông khác. Bất chấp việc các bạn có xem, có yêu thích hay nhất trí với các nội dung của nó hay không, kênh tiếng Anh và Arab của Al Jazeera là hợp pháp và có hàng triệu người xem trên thế giới. Yêu cầu đóng cửa kênh truyền hình này là vi phạm quyền tự do ngôn luận”.
Với thời hạn chót đang đến gần, các nước Arab khẳng định, nếu Qatar không thực hiện tối hậu thư này sẽ phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt mới.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đánh giá thấp khả năng có thể leo thang căng thẳng nếu hai bên không nhất trí được một giải pháp. Nói như vậy nhưng, Qatar có thể bị cô lập và buộc phải ra khỏi liên minh khu vực 6 thành viên .
Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt bắt đầu được đề cập nhưng giới quan sát cho rằng, hiện cả Qatar và các nước Arab đều không muốn căng thẳng leo thang. Mặc dù khẳng định tối hậu thư là không thể đàm phán, nhưng rõ ràng 4 quốc gia là Saudi Arbia, UAE, Bahrain và Ai Cập đều nhận thấy một thực tế rằng, khủng hoảng ngoại giao kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến du lịch, nhập khẩu thực phẩm, mà còn làm gia tăng căng thẳng tại Vùng Vịnh và không tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Điều đáng lo ngại nữa là có thể đẩy Qatar tiến gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Qatar trả lời yêu cầu của các nước Arab
Giới quan sát nhận định, việc nhóm các quốc gia vùng Vịnh gia hạn thời hạn chót cho Qatar thực hiện tối hậu thư cho thấy các nước này không nắm trong tay ưu thế để có thể áp đặt ý muốn của họ lên Qatar.
Các quốc gia hiểu rằng, Qatar sẽ bác bỏ những yêu cầu mà họ đưa ra nên có thể họ sẽ phải nhượng bộ và nhờ vào nỗ lực hòa giải của Kuwait để cứu lấy thể diện của mình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar khẳng định, mặc dù nước này sẵn sàng đối mặt với các biện pháp trừng phạt nhưng cũng để ngỏ khả năng đối thoại.
“Chúng tôi không lo sợ bất cứ hành động nào được đưa ra và Qatar sẵn sàng đối mặt với bất cứ hậu quả nào. Tuy nhiên có các luật quốc tế mà chúng ta không nên vi phạm và có biên giới không nên được vượt qua.
Những nước này và Qatar cùng ở trong một khu vực, được coi là trung tâm của sự ổn định. Vì vậy tôi nghĩ một quyết định khôn ngoan đó là tránh những hành động vô trách nhiệm nhằm vào Qatar hay bất cứ quốc gia nào. Không quốc gia nào và các đồng minh quốc tế chấp nhận sự leo thang trong khu vực,. Khu vực này là trụ cột của thế giới, chứ không đơn thuần là trụ cột của khu vực Arab”, ông al-Thani nhấn mạnh.
Leo thang khủng hoảng giữa Qatar và các quốc gia Arab Vùng Vịnh là điều không mong muốn không chỉ với người dân các nước liên quan, mà cả thế giới trong một khu vực vốn đã chứa đầy những bất ổn như hiện nay.
Hiện tất cả đang đều mong đợi vào những nỗ lực hòa giải của Kuwait có thể tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thời gian vừa qua. Dự kiến Ngoại trưởng 4 nước Arab ngày mai (5/7) sẽ có cuộc họp tại Ai Cập nhằm thảo luận những bước đi tiếp theo với Qatar./. Qatar “được” thêm 48h để đáp ứng yêu sách của các nước Arab vùng Vịnh