“Cách Nga hành xử ở Syria là hình mẫu giải quyết khủng hoảng”
VOV.VN - Cách Nga xử lý vấn đề Syria sẽ trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Theo Sputnik, đây là nhận định được Thượng tướng Branko Krga, cựu Tổng Tham mưu trưởng các Lực lượng Vũ trang Nam Tư đưa ra sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố rút toàn bộ quân đội khỏi Syria sau khi chiến dịch chống IS kết thúc.
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trước các binh sĩ Nga tại căn cứ Không quân Hmeymim ở Syria. Ảnh: Sputnik
Quyết định rút lui chiến lược
“Khi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, quân đội nước ngoài cần phải rút khỏi quốc gia họ tham chiến để tạo điều kiện cho các chính trị gia và tướng lĩnh trong nước tự giải quyết vấn đề nội bộ của họ.
Việc rút quân của Nga cho thấy đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng Syria đã chấm dứt- trong trường hợp này là IS đã bị đánh bại. Bất kỳ quốc gia nào ủng hộ một giải pháp hòa bình cho Syria cũng nên ủng hộ các quyết định của Moscow”, ông Krga nói.
Bình luận về ý định hiện diện quân sự vô thời hạn của Mỹ tại Syria, Tướng Krga cho rằng chính quyền Damascus “khó có thể hoan nghênh “động thái này của Mỹ nhất là trong bối cảnh Washington từ lâu đã ủng hộ phe đối lập chống lại chính quyền hợp pháp tại Syria.
Tướng Krga bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ có thể triển khai các chiến dịch trên bộ tại Syria: “Rất khó để dự đoán mục tiêu của các chiến dịch này là gì. Tuy nhiên, cách hành xử của Mỹ không có gì đáng ngạc nhiên. Mỹ luôn muốn hiện diện tại những “điểm nóng” trên thế giới bởi điều đó mang lại rất nhiều lợi ích cho họ”.
Kết nối chặt chẽ với thế giới Hồi giáo
Ông Krga cũng cho rằng, chuyến thăm Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin có ý nghĩa “đặc biệt quan trọng về địa-chính trị đối với tình hình khu vực”.
“Ai Cập là một trong những trung tâm lớn của thế giới Hồi giáo. Một điểm rất quan trọng liên quan đến chuyến thăm Ai Cập của ông Putin chính là, chỉ trong vài tháng qua, ông Putin đã có các cuộc trao đổi với đại diện 4 trung tâm hàng đầu của thế giới Hồi giáo là Ai Cập, Saudi Arabia, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ”, tướng Krga lý giải.
Theo tướng Krga, Nga luôn thể hiện được cách tiếp cận đúng đắn với các quốc gia Hồi giáo, điều này xuất phát từ việc chính tại Nga cũng có nhiều khu vực có đa số người Hồi giáo sinh sống như Ingushetia, Dagestan và Chechnya. Ông Krga nhận định: “Đây là bằng chứng cho thấy Nga muốn tăng cường hiện diện quân sự tại Trung Đông và trên toàn cầu”.
Ván cờ Trung Đông: Nga đang “chơi trên cơ” Mỹ và không sa lầy ở Syria
Hướng đến tranh chấp Palestine-Israel về Jerusalem
Khi được hỏi về hệ lụy từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, ông Krga bày tỏ hy vọng, căng thẳng Palestine-Israel sẽ không leo thang và hai bên sẽ chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
“Một cuộc chiến mới sẽ không đem lại lợi ích cho ai hết”, ông Krga cảnh báo và nêu câu hỏi: “Vấn đề là, liệu Israel- hiện đang nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ- có chấp thuận việc giải quyết tranh chấp với Palestine bằng con đường hòa bình hay không?”.
Ông Krga nhớ lại một cuộc đối thoại với các đại diện Israel liên quan đến vấn đề Kosovo. Khi vị tướng này đề xuất rằng Serbia cần giải quyết vấn đề Kosovo càng sớm càng tốt, một đại diện của Israel cho rằng: “Đó không phải là ý tưởng hay. Belgrade cần phải đợi cho đến khi quyền lực của Serbia lên đến đỉnh điểm rồi mới tính đến việc này”.
Tướng Krga nhận định: “Đó là triết lý của Israel trong việc xử lý các tranh chấp với Palestine. Họ luôn chờ đợi đúng thời điểm có lợi nhất cho họ để hành động. Từ quan điểm lợi ích quốc gia, triết lý đó hoàn toàn đúng đắn, nhưng nhìn từ vấn đề quan hệ quốc tế, triết lý này không phải lúc nào cũng phù hợp”.
Trước đó, ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chính thức công nhận Jerusalem là của Israel và ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem.
Động thái này của ông Trump khiến các nước trong khu vực (trừ Israel) lo ngại về một cuộc xung đột mới lại bùng phát sau khi “đại dịch IS” vừa mới bị quét sạch tại cả Syria và Iraq.
Đến ngày 12/12, Hamas- Tổ chức Hồi giáo dòng Sunni tại Palestine- đã tuyên bố bắt đầu đợt intifada thứ 3 nhằm vào lực lượng an ninh Israel tại cả khu vực Bờ Tây, Dải Gaza và Jerusalem.
Intifada- là một biến thể của tiếng Arab có nghĩa là “làm rung chuyển”. Từ này được sử dụng chủ yếu để mô tả các cuộc biểu tình bạo lực của người dân Palestine chống lại lực lượng an ninh Israel tại các khu vực mà người Palestine cho rằng, Israel chiếm đóng phi pháp của họ.
Gần 1 tuần sau, ngày 19/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng tại Jerusalem và kêu gọi các bên có liên quan tiến hành “đối thoại trực tiếp nhằm tìm ra một giải pháp được tất cả các bên chấp thuận dựa trên các nghị quyết đã có của Liên Hợp Quốc”.
“Tại thời điểm này, chúng tôi rất lo ngại về vấn đề Jerusalem. Chúng tôi sẽ làm mọi điều cần thiết để đưa vấn đề Jerusalem trở lại theo hướng xây dựng và mở ra cơ hội đàm phán”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói./.
Rút quân khỏi Syria, Nga trở lại đầy mạnh mẽ ở Trung Đông