Căng thẳng Nhật – Hàn vẫn chưa được hóa giải
VOV.VN - Cuộc đàm phán cấp thứ trưởng đầu tiên trong vòng 8 tháng qua giữa Nhật - Hàn đã kết thúc mà không đạt được kết quả nào đáng kể
Dù cho Mỹ đã rất nỗ lực trong vai trò trung giải, song dường như cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều không thể vượt qua những bất đồng liên quan đến lịch sử thời chiến về ngôi đền Yasukuni và tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima. Vậy là cơ hội để khai thông mối quan hệ không suôn sẻ hiện nay giữa hai nước đồng minh của Mỹ tại Đông Bắc Á lại đổ dồn vào cuộc gặp 3 bên Mỹ - Nhật – Hàn dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3 này.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Saiki (trái) và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yong. (ảnh: AFP) |
Cuộc đàm phán giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yong tại Seoul diễn ra chỉ ít ngày sau khi Mỹ lên tiếng thúc giục hai nước đồng minh của mình cần nhanh chóng cải thiện quan hệ. Thế nhưng, bất chấp sự “sốt ruột” của Mỹ, cuộc gặp đã kết thúc mà không đạt kết quả nào, khi cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tái khẳng định lập trường về các vấn đề lịch sử.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae-yong đã nhấn mạnh “Để mối quan hệ song phương có thể phát triển bền vững, Nhật Bản cần kiềm chế đưa ra các phát biểu mang tính xét lại lịch sử, đồng thời có những hành động chân thành để giải quyết các vấn đề trong quá khứ." Ở phía bên kia, Nhật Bản cũng cho thấy không có sự nhượng bộ nào khi tuyến bố “Về mặt nguyên tắc, nội các của Thủ tướng Shinzo Abe kế thừa quan điểm lịch sử của các chính phủ trước đây."
Nhìn lại quan hệ giữa Nhật Bản – Hàn Quốc có thể thấy, chính việc hai bên kiên quyết theo đuổi lập trường lịch sử của mình khiến cho mối quan hệ này luôn trong tình trạng nóng – lạnh bất thường. Mặc dù giới lãnh đạo hai nước đã rất cố gắng để giải quyết những khúc mắc liên quan đến ngôi đền cổ Yasukuni – nơi thờ các binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong chiến tranh, và tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Dokdo/Takeshima, thế nhưng đây là bài toán hóc búa không dễ gì tìm lời giải thỏa mãn được nhu cầu của cả hai bên. Gần đây nhất, mối quan hệ Nhật – Hàn lại nổi sóng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe tới thăm ngôi đền Yasukuni hồi cuối năm ngoái.
Mối quan hệ giữa hai nước lại căng thẳng khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đi thăm ngôi đền Yasukuni. (ảnh: AP) |
Mặc dù chưa thể tìm ra tiếng nói chung trong các vấn đề lịch sử, nhưng đến nay Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn chưa bao giờ “trở mặt” với nhau một cách hoàn toàn, thay vào đó mối quan hệ “đối tác tin cậy lẫn nhau” vẫn được hai bên nỗ lực duy trì. Lý do quan trọng là cả Nhật Bản và Hàn Quốc cùng là đồng minh thân cận của Mỹ ở Đông Bắc Á.
Với mục tiêu giữ vững an ninh, phát triển kinh tế, việc Hàn Quốc và Nhật Bản lựa chọn lẫn nhau làm chỗ dựa là khá dễ hiểu trong vòng cung các nước ở khu vực này là Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh nhu cầu nội tại, việc giữ vững thế chân kiềng 3 chân Mỹ - Nhật – Hàn còn luôn được bên thứ 3 là Mỹ củng cố, bởi Nhật Bản và Hàn Quốc là những nhân tố thiết yếu trong chiến lược xoay trục của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong giai đoạn căng thẳng mới nhất này, chính Mỹ là nước liên tục đưa ra những lời hối thúc hai đồng minh nhanh chóng hàn gắn quan hệ. Trở lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Danny Russel đã khẳng định “Mỹ tiếp tục nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thận trọng và tự kiềm chế từ cả hai bên để thực hiện các bước hàn gắn quan hệ."
Giới phân tích nhận định, Mỹ chắc chắn sẽ nỗ lực hết sức để gia cố mắt xích Seoul – Tokyo vốn đang suy yếu. Vì vậy, cho dù cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản và Hàn Quốc mới đây chưa mang lại kết quả, nhưng mọi chuyện có thể sẽ chuyển biến khả quan hơn khi các cuộc gặp được tổ chức với sự góp mặt trực tiếp của Mỹ. Và đó cũng là lý do dư luận thế giới chờ đợi những bước đi nhằm tháo gỡ bế tắc ngoại giao Nhật – Hàn sẽ được đưa ra trong cuộc gặp ba bên. Cuộc gặp dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 3 này, bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân tại Hà Lan./.