Căng thẳng Trung- Mỹ leo thang sau vụ xua đuổi máy bay trên Biển Đông
VOV.VN -Trung Quốc phản ứng gay gắt trước việc máy bay Mỹ tuần tra trên Biển Đông. Mỹ tuyên bố tiếp tục tuần tra
Theo Tân Hoa xã, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phản ứng gay gắt trước việc một máy bay trinh sát Mỹ đã tuần tra trên không phận quần đảo Trường Sa.
"Quân đội Trung Quốc đã tuân thủ nguyên tắc và yêu cầu các máy bay Mỹ rời đi”, phát ngôn viên Hồng Lỗi nói trong cuộc họp báo.
Ông Hồng Lỗi bày tỏ sự “không hài lòng mạnh mẽ” và chỉ trích việc tuần tra bằng máy bay của Mỹ “là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh hàng hải của Trung Quốc”.
Hải quân Trung Quốc “xua đuổi” máy bay tuần tra Mỹ
Máy bay P-8A Poseidon của Mỹ tuần tra trên Biển đông (Ảnh cắt từ video clip của Hải quân Mỹ, đăng trên Washington Post) |
Truyền thông thế giới mấy ngày nay đều đưa tin, ngày 20/5 khi một máy bay trinh sát Mỹ P-8A Poseidon bay trên không phận gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã phi pháp cải tạo gần đây, Hải quân Trung Quốc liên tục cảnh báo và yêu cầu máy bay này rời khỏi khu vực. Nhóm phóng viên CNN trên máy bay đã ghi chép lại được 8 lần Hải quân Trung Quốc đưa ra cảnh báo này.
Các nhà phân tích cho rằng, đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách lập Khu vực quân sự đặc biệt (Military Exclusive Zone), một động thái có thể khiến leo thang căng thẳng trong khu vực.
Các phóng viên CNN cũng ghi lại những lời cảnh báo qua radio của Hải quân Trung Quốc: “Máy bay quân sự nước ngoài. Đây là Hải quân Trung Quốc. Các anh đang bay vào khu vực cảnh báo quân sự. Các anh phải rời khỏi đây ngay lập tức. Đi, đi ngay".
Các phóng viên CNN cũng ghi nhận, sau mỗi lời cảnh báo, các phi công Mỹ đều phản hồi một cách bình tĩnh rằng, máy bay P-A8 đang bay trên không phận quốc tế.
Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông. Trong những tháng gần đây, các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang nhanh chóng bồi đắp phi pháp các bãi đá thành các đảo nhân tạo tại quần đảo tranh chấp giữa một số nước và vùng lãnh thổ.
Hôm thứ Năm (21/5), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Bắc Kinh "có quyền giám sát vùng trời, vùng biển và bảo vệ an ninh quốc gia, phòng ngừa sự cố bất ngờ trên biển".Các bãi đá (ảnh trái chụp ngày 3/1) đã nhanh chóng được bồi đắp thành đảo nhân tạo (ảnh phải, 30/4), ảnh chụp từ vệ tinh do CSIS công bố (AFP) |
Trước đó, Philippines cho biết phía Trung Quốc cũng từng có các cảnh báo tương tự đối với máy bay quân sự của mình trong ba tháng qua. Động thái này cho thấy rằng Trung Quốc đang nỗ lực loại trừ các máy bay quân sự nước ngoài vào khu vực này.
Nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột?
Báo Washington Post trích dẫn lời các chuyên gia quốc tế cho rằng, một nỗ lực nhằm áp đặt các hạn chế trong không phận quốc tế sẽ làm leo thang căng thẳng trong khu vực, và thậm chí có thể gây kích động các cuộc đối đầu giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc.
Theo Washington Post, tại Washington, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren, nói các hoạt động tuần tra sẽ tiếp tục thực hiện tại Biển Đông. Reuters cũng trích dẫn, trả lời trong một cuộc họp báo ở Washington ngày 22/5, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tuyên bố, những chuyến bay tuần tra của Mỹ là “hoàn toàn hợp pháp” và lực lượng hải quân Mỹ cùng các máy bay quân sự nước này sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến bay như vậy trong tương lai.
Trước đó, trong một diễn biến liên quan, trong một cuộc tuần tra trên Biển Đông, tàu tác chiến của Mỹ và Trung Quốc đã “chạm trán” nhau trên biển. Bloomberg News ngày 20/5 trích lời Đô đốc Hải quân Mỹ Michelle Howard cho biết, tàu tuần duyên USS Fort Worth đã gặp một tàu quân sự của Trung Quốc ở khu vực gần quần đảo Trường Sa. USS Fort Worth là tàu tác chiến tuần duyên đầu tiên của Mỹ được điều đến Biển Đông để tuần tra tại vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa.
Bà Howard cũng cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã có một thỏa thuận với nhau về việc sử dụng các quy tắc ứng xử cho những cuộc gặp bất ngờ trên biển để tránh xảy ra đụng độ giữa hai bên. Hai tàu tác chiến nói trên đã sử dụng quy tắc này trong lúc tuần tra nên đã không xảy ra vụ việc nào đáng tiếc.
Báo Washington Post đưa ra lý lẽ của bà Yanmei Xie, chuyên gia phân tích cao cấp của nhóm Nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế: "Mặc dù Trung Quốc đã che đậy mục đích quân sự của những hòn đảo nhân tạo, họ có nhiều khả năng hướng tới mục đích làm thay đổi cán cân quyền lực trên Biển Đông bằng cách đối đầu với Hải quân Mỹ, lực lượng đang chiếm ưu thế trong khu vực".
Trung Quốc có thể sử dụng các cơ sở đã hoàn tất để "phục vụ máy bay chiến đấu nhằm đánh chặn, đuổi và cố gắng đuổi các máy bay quân sự nước khác," chuyên gia Xie lưu ý.
Theo luật pháp quốc tế, việc xây dựng phi pháp các hòn đảo nhân tạo sẽ không chứng minh được quyền chủ quyền đối với lãnh hải 12 hải lý. Chính quyền Mỹ cũng đã nói rõ rằng nước này sẽ không chấp nhận lý lẽ hay bằng chứng của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền. Báo National Interest ngày 18/5 cho biết, Mỹ sẽ “không hoan nghênh nỗ lực biến Biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc”.
Tuần trước, các thượng nghị sĩ của lưỡng viện Quốc hội tại Washington đã kêu gọi Mỹ cần phản ứng mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn hoạt động đơn phương của Trung Quốc.
Ngày 20/5, tại một cuộc họp báo tại Jakarta (Indonesia) Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken phát biểu rằng “các hành động của Trung Quốc đã làm xói mòn lòng tin trong khu vực và có thể gây xung đột”.
"Cách hành xử của Trung Quốc có nguy cơ tạo ra một tiền lệ là các nước lớn dược tự do lấn át nước nhỏ hơn, kích động căng thẳng, tạo bất ổn, thậm chí có thể dẫn tới xung đột”, Reuters trích dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Blinken nói./.