Cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tăng nhiệt vào năm 2022, đối đầu vẫn là xu thế chủ đạo
VOV.VN - Mỹ và Trung Quốc đang bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh gay gắt về kinh tế, địa chính trị và cuộc cạnh tranh này được dự đoán sẽ nóng hơn trong năm 2022.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng đỉnh điểm vào năm 2021 khi 2 nước đối đầu và hoài nghi trên khắp các lĩnh vực từ thương mại, quốc phòng đến ngoại giao. Theo giới phân tích, xu hướng này có thể tiếp tục trong năm 2022.
Tại Mỹ, việc theo đuổi lập trường cứng rắn với Trung Quốc là vấn đề hiếm hoi được sự đồng thuận của các thành viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vốn đang bị chia rẽ gay gắt khi quốc gia này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Còn ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đang nỗ lực củng cố vị trí là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất đất nước kể từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông, chính vì vậy, các chính sách của ông Tập được dự đoán sẽ ngày càng cứng rắn hơn.
Dấu hiệu cho thấy một năm đầy sóng gió
Thế vận hội Mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh được coi là sự kiện mở màn cho một năm 2022 nhiều trắc trở trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ tuyên bố sẽ không cử các quan chức chính phủ tới tham dự sự kiện này. Anh và Australia cũng thông báo sẽ tham gia chiến dịch tẩy chay ngoại giao của Washington. Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc Mỹ phản bội các nguyên tắc của Olympic và cảnh báo sẽ có "biện pháp đáp trả kiên quyết”.
Căng thẳng nhiều khả năng sẽ gia tăng vào tháng 2/2022, khi Mỹ tận dụng sự kiện thể thao này và chiến dịch tẩy chay để thu hút sự chú ý của thế giới đối với cáo buộc Trung Quốc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương.
Ông Lôi Cường – nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh nhận định: “Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục vào năm 2022, trên các lĩnh vực như nhân quyền, địa chính trị và an ninh. Đây là tình huống mà giới lãnh đạo của cả hai nước đều dự đoán được. Tôi không nghĩ hai bên sẽ thực hiện bất cứ biện pháp hữu hiệu nào để giảm căng thẳng, nhưng họ sẽ kiểm soát tình hình”.
Vấn đề Đài Loan và Hong Kong cũng là những vấn đề đáng chú ý, dễ khiến Mỹ và Trung Quốc gia tăng căng thẳng. Vào năm 2021, Mỹ đã khiến Trung Quốc tức giận khi cho phép các nhà lập pháp tới thăm Đài Loan.
Theo dự đoán vào năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép với Hong Kong và phản đối các nỗ lực nhằm công nhận Đài Loan là một vùng lãnh thổ độc lập về mặt ngoại giao. Bắc Kinh từng tuyên bố rằng, bất cứ hành động ly khai nào nhằm “dựa vào Mỹ để giành độc lập” đều sẽ thất bại và “Đài Loan độc lập đồng nghĩa với chiến tranh”.
Từng có ý kiến cho rằng Eo biển Đài Loan sẽ là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 dự kiến diễn ra vào năm 2022 – một sự kiện vô cùng quan trọng, nước này sẽ muốn ổn định tình hình thay vì gây leo thang căng thẳng.
Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - trụ sở Washington) đánh giá: “Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ tránh những rủi ro có thể gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo vai trò lãnh đạo nhiệm kỳ thứ 3 mà ông đang hướng tới”.
Tại Biển Đông, Mỹ và đồng minh sẽ tiếp tục thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trên các vùng biển quốc tế mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đang từng bước phát triển và củng cố sức mạnh của lực lượng hải quân để bảo vệ các lợi ích của nước này. Tuy vậy, một cuộc xung đột ở các vùng biển là điều mà cả 2 bên đều muốn tránh.
Chia tách về mặt công nghệ
An ninh mạng sẽ là một vấn đề lớn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến chính sách kinh tế và chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc. Năm 2021, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng quy mô lớn tại nước này. Washington cũng phản đối việc triển khai công nghệ truyền thông thế hệ mới của Trung Quốc trên toàn cầu, đặc biệt là mạng 5G.
Mỹ muốn chia tách công nghệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới và nỗ lực này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn vào năm 2022, với việc Washington tiếp tục ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận phần cứng quan trọng do Mỹ sản xuất. “Mỹ mới chỉ bắt đầu thắt chặt hạn chế đối với việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc và chắc chắn nước này sẽ có nhiều động thái mới vào năm 2022”, chuyên gia Glaser nhận định.
Năm 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ lấp kín những lỗ hổng về các quy định đối với lĩnh vực công nghệ, chẳng hạn như quy định cho phép nhà sản xuất chất bán dẫn SMIC của Trung Quốc mua công nghệ quan trọng của Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ có thể đưa thêm nhiều tổ chức và cá nhân Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại, bà Glaser lưu ý. Mỹ cũng đang thảo luận với đồng minh về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Trung Quốc.
“Đối đầu vẫn là xu thế chủ đạo”
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại vào năm 2022. Một số đánh giá cho rằng, tăng trưởng chỉ ở mức 5%. Kịch bản này có thể tạo động lực cho Trung Quốc hợp tác với Mỹ để giảm bớt các rào cản thương mại từng được thiết lập dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến vào tháng 11/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ quản lý sự cạnh tranh giữa hai nước trong tương lai. Nhưng giới phân tích vẫn hoài nghi về triển vọng Mỹ-Trung hợp tác để giải quyết các bất đồng.
Nhà kinh tế Shen Ling tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Đông cho biết: “Tôi nghĩ rằng sự hạ nhiệt căng thẳng kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có thể chỉ là tạm thời, đối đầu vẫn là xu thế chủ đạo. Khi cán cân quyền lực giữa hai nước thay đổi và Trung Quốc đang trên đà bắt kịp sức mạnh kinh tế của Mỹ, quan hệ song phương sẽ thiên về cạnh tranh nhiều hơn hợp tác”.
“Bên cạnh đó, tình hình chính trị trong nước, chẳng hạn như Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc và cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ năm 2022 sẽ ảnh hướng khá lớn đến chính sách đối ngoại của các bên. Vì thế tôi không cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có được những tiến bộ đáng kể trong giải quyết các vấn đề song phương. Tuy nhiên, hai bên vẫn có thể đạt được một số thỏa thuận nhằm đáp ứng những mối quan tâm chung”./.