Châu Âu chờ đón mở cửa du lịch mùa Hè nhờ “chứng chỉ Covid-19”
VOV.VN - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu đầu tuần trước tại Brussels, các lãnh đạo châu Âu đã thống nhất thông qua chứng nhận y tế liên quan đến Covid-19, hay còn được gọi là “giấy thông hành Covid-19”.
Châu Âu thông qua “chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19”
Quyết định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với châu Âu bởi mùa du lịch Hè đã bắt đầu và để cứu vãn được mùa du lịch Hè năm nay thì yếu tố quan trọng nhất là du khách đến từ các nước, cả trong nội bộ Liên minh châu Âu lẫn từ các nước đối tác lớn, như Mỹ, Anh, Trung Quốc hay Trung Đông… phải được tự do di chuyển mà không bị cản trở bởi các quy định khắt khe về y tế như cách ly, xét nghiệm, hoặc được đến nước này trong EU nhưng lại bị cấm sang nước khác.
Giấy chứng nhận y tế về Covid-19 cho phép những người sở hữu được phép đi lại tự do trong không gian Schengen bởi trên giấy chứng nhận đó có đầy đủ các thông tin về việc du khách đó đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 hay chưa, thời gian tiêm, loại vaccine được tiêm, hoặc chứng nhận đã có miễn dịch hay xét nghiệm âm tính trong thời gian gần nhất. Khi sở hữu chứng nhận với đầy đủ các thông tin đó, du khách sẽ không bị cản trở bởi các biện pháp hạn chế.
Đối với ngành du lịch châu Âu thì giấy chứng nhận này có ý nghĩa sống còn bởi các nước châu Âu đã thiệt hại hàng trăm tỷ euro từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến châu Âu phải đóng cửa biên giới với bên ngoài gần 1 năm qua.
Các nước châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Hy Lạp… nằm trong số những điểm đến du lịch lớn nhất thế giới. Ngành du lịch đóng góp đến khoảng 14% GDP của Tây Ban Nha, trên 13% GDP Italy, gần 8% GDP của Pháp và thậm chí lên đến 20% GDP của Hy Lạp. Do đó, nếu mùa du lịch Hè này thất bại thì nền kinh tế các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha có nguy cơ không gượng dậy nổi sau Covid-19.
Giấy chứng nhận y tế còn có một ý nghĩa quan trọng khác nữa, đó là cho phép du khách từ các thị trường lớn quay trở lại châu Âu, đặc biệt là các du khách từ Mỹ và Anh, hai quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao hàng đầu thế giới hiện nay. Một chi tiết cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của hai thị trường này đó là trước đại dịch du khách từ Mỹ và Anh chiếm đến 30% của tổng số gần 65 triệu du khách đến Italia mỗi năm. Tại Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha… các du khách từ Mỹ và Anh cũng là lượng du khách đông nhất, chi tiền nhiều nhất, bên cạnh du khách Trung Quốc và Trung Đông.
Cuối cùng, đó là việc sử dụng chứng nhận y tế sẽ cho phép người dân châu Âu lấy lại nhịp sống trước đây, giảm bớt các sức ép tinh thần vô cùng mệt mỏi trong hơn 1 năm qua, bởi mùa Hè là mùa mà gần như toàn bộ người dân các nước châu Âu đều đi nghỉ.
Vẫn còn nhiều thách thức đặt ra
Các ưu điểm của chứng nhận y tế, bao gồm cả phiên bản giấy lẫn phiên bản kỹ thuật số, là không phải bàn cãi, cả về mặt lợi ích kinh tế của các quốc gia lẫn quyền tự do di chuyển của công dân. Tuy nhiên, chứng nhận y tế này cũng gây ra một số bất cập. Thứ nhất, đó là nguy cơ đẩy mạnh tình trạng phân biệt đối xử. Do chứng nhận này chỉ được cấp cho những người đã tiêm đủ các mũi vaccine ngừa Covid-19 hoặc có chứng nhận miễn dịch nên sẽ có một lượng lớn dân số châu Âu chưa thể sở hữu chứng nhận này vì chưa được tiêm vaccine.
Hiện nay chưa đến một nửa số công dân trưởng thành tại châu Âu được tiêm vaccine và theo kế hoạch phải đến hết mùa Hè 2021, châu Âu mới tiêm vaccine ngừa Covid-19 được cho 70% dân số trưởng thành. Nói cách khác, trong tình huống lạc quan nhất, vẫn sẽ có khoảng 30% người dân chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, còn một số lượng không nhỏ các công dân châu Âu từ chối tiêm vaccine vì tại châu Âu, việc tiêm vaccine là không bắt buộc và phong trào chống vaccine cũng khá mạnh tại một số nước. Do đó, chứng nhận y tế sẽ có thể tạo nên sự bất bình đẳng giữa các công dân, giữa các quốc gia vì ngay trong nội bộ EU, có một số nước đang tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhanh hơn các nước khác.
Tiếp đến, tình hình dịch bệnh tại các nước không giống nhau và mỗi nước EU đều có toàn quyền về chính sách y tế của mình, do đó sẽ áp dụng các biện pháp y tế tùy theo các ưu tiên quốc gia. Ví dụ rõ nhất hiện nay là các nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… đã mở cửa sẵn sàng đón du khách Anh mà không bắt buộc cách ly trong khi các nước khác như Pháp, Đức… vẫn bắt du khách Anh dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn phải cách ly 10 ngày do lo ngại hiện nay biến chủng virus từ Ấn Độ đang lây lan nhanh tại một số vùng của Anh.
Vì thế, về tổng thể, dù có chứng nhận y tế thì một du khách cũng không thể được tự do đi lại trong toàn bộ các nước Schengen và cho đến 1/7/2021, việc áp dụng chứng nhận y tế về Covid-19 vẫn chỉ mang tính thử nghiệm. Các nước châu Âu sẽ phải theo dõi sát sao xem liệu việc mở cửa dựa trên chứng nhận y tế có khiến dịch bệnh bùng phát trở lại hay không bởi dù châu Âu đã tiêm vaccine rất nhiều nhưng hiệu quả thực sự của vaccine vẫn phải chờ thời gian trả lời.
Khả năng nhân rộng mô hình tương tự tại các khu vực khác
Để thông qua “chứng nhận kỹ thuật số về Covid-19”, châu Âu đã phải trải qua một quá trình thảo luận rất dài với nhiều vấn đề phức tạp liên quan.
Yếu tố quan trọng nhất để áp dụng chứng nhận y tế về Covid-19 tương tự châu Âu là phải có đủ vaccine để tiêm cho dân chúng. Chỉ khi nào số lượng công dân được tiêm vaccine đủ lớn và chiếm đa số trong dân chúng thì mới có thể bàn luận về việc áp dụng chứng nhận y tế này. Đây là vấn đề nan giải với hầu như tất cả các nước trên thế giới hiện nay bởi Mỹ, châu Âu và Canada đã thu gom phần lớn lượng vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất.
Trong khi các nước như Mỹ, Anh, một số nước châu Âu đã tiêm được 60-70% dân số trưởng thành thì đa số các nước trên thế giới mới chỉ ở mức vài %. Sự bất bình đẳng vaccine thể hiện rõ ở việc trong khi hàng trăm triệu nhân viên y tế ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ vẫn chưa được tiêm vaccine thì Mỹ và châu Âu đã lên kế hoạch tiêm cho cả trẻ em từ 12 đến 15 tuổi, những đối tượng rất ít bị tổn thương bởi Covid-19. Vì thế, để tiến tới áp dụng chứng nhận y tế về Covid-19 như châu Âu thì việc quan trọng nhất với các nước khác là tìm kiếm vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể và tiêm được cho tối đa dân số.
Tất nhiên, quá trình châu Âu thảo luận và đang bắt đầu áp dụng chứng nhận y tế về Covid-19 này cũng gợi mở rất nhiều hướng đi bổ ích cho các nước khác. Đầu tiên, khi chưa thể áp dụng trên quy mô lớn hay ở phạm vi liên quốc gia thì các nước có thể áp dụng một chứng nhận y tế ở quy mô nhỏ, tức là cho phép những người đã tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 và mới có chứng nhận âm tính được phép tham dự các sự kiện đông người, trong không gian kín…
Việc này sẽ giúp duy trì được nhiều hoạt động kinh tế quan trọng như nhà hàng, quán bar, rạp hát, bảo tàng… kể cả trong những thời điểm dịch bệnh phức tạp. Cho đến lúc này, bài học từ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới cho thấy nhân loại sẽ còn phải học cách chung sống lâu dài với dịch bệnh cho đến khi vaccine được triển khai toàn diện và các nước đạt được miễn dịch cộng đồng.
Thời gian chờ đợi có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm và trong thời gian đó, các hoạt động kinh tế vẫn phải được duy trì một cách tối đa nếu không sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, bất ổn xã hội. Châu Âu đang đi đầu trong việc thử nghiệm sống chung với virus nhờ vào vaccine và bất cứ kết quả nào từ quá trình thử nghiệm này cũng đều rất hữu ích cho các nước đi sau. Một lợi thế khác mà các nước, các khu vực đi sau có được là việc thông qua một giấy chứng nhận y tế về Covid-19 sẽ đơn giản hơn so với châu Âu, bởi châu Âu có đến 27 nước với quá nhiều điểm khác biệt về tình hình y tế cũng như ưu tiên về kinh tế./.