Châu Âu tìm giải pháp thúc đẩy an ninh năng lượng
VOV.VN - Lãnh đạo một số nước châu Âu vừa có cuộc họp tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để tìm giải pháp giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga.
Cuộc họp được xem là nhằm thúc đẩy khả năng tự lực của châu Âu trong vấn đề khí đốt với các biện pháp cụ thể mà chủ chốt là dựa vào sức mạnh của hai nước thành viên là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong lĩnh vực này. Hai nước này không bị phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và phát triển mạnh về năng lượng tái tạo; có thể thỏa mãn 25% tiêu thụ của Bồ Đào Nha và 17% của Tây Ban Nha.
Phá vỡ “hòn đảo năng lượng bị cô lập” Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
Tuy nhiên, nếu không có hệ thống đường ống dẫn thì, các nước châu Âu khác sẽ không thể tranh thủ nguồn lực của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Và Tây Ban Nha được ví như một hòn đảo năng lượng do không được kết nối đủ với Pháp để có khả năng chia sẻ điện và khí đốt với các nước châu Âu khác.
Do đó, lãnh đạo 3 nước Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhất trí nghiên cứu hai dự án về kết nối năng lượng, xây dựng cáp dưới lòng biển dài khoảng 400km ở vùng Vịnh Gascogne và một đường truyền tải điện xuyên dãy núi Pyrénée. Dự án xây cáp ngầm dưới biển có thể tốn khoảng 1.9 tỷ euro và các nước muốn tận dụng các nguồn tài chính có sẵn của EU để triển khai.
Mục đích của Brussels rất rõ là: đảm bảo an ninh dự trữ năng lượng bằng cách thúc đẩy tinh thần giữa các nước thành viên; thúc đẩy cạnh tranh để giảm giá năng lượng cũng như tìm cách giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua sử dụng năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, cũng có một ý tưởng khác là củng cố đường dẫn khí giữa Tây Ban Nha với Pháp, để có thể chuyển nguồn khí đốt nhập khẩu từ Algeria sang các nước châu Âu khác, sẽ giúp châu Âu bớt phụ thuộc vào Nga.
An ninh năng lượng: chuyện lâu dài với châu Âu
Áp lực về an ninh năng lượng đối với châu Âu nay không chỉ còn là trong suy nghĩ là đã được thể hiện công khai trong các tuyên bố của nhiều lãnh đạo châu Âu. Ngay trong cuộc họp vừa rồi, Thủ tướng Bồ Đào Nha nhấn mạnh: “Tổng thể thị trường châu Âu giờ quá phụ thuộc vào năng lượng, khí đốt của Nga”.
Thực tế, giá năng lượng ở châu Âu cao hơn nhiều so với ở Mỹ; tới 30% mức điện kinh doanh và gần 5 % điện sinh hoạt. Giá khí đốt thì cao gấp đôi ở Mỹ và rõ ràng thực tế này làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp châu Âu. Và câu chuyện thúc đẩy an ninh năng lượng đặt ra cho châu Âu từ rất lâu.
Tổng thống Pháp Hollande thừa nhận cuộc khủng hoảng Ukraine càng cho thấy tính cấp thiết cần đoàn kết giữa các nước châu Âu trong vấn đề năng lượng. Tuy nhiên, việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu khí đốt từ Nga là một vấn đề mang tính dài hạn và vĩ mô hơn với châu Âu hơn là chỉ câu chuyện Ukraine.
Giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga: tương lai chưa gần
Kế hoạch phá vỡ thế cô độc của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha về khí đốt và năng lượng tái tạo để chia sẻ với các nước châu Âu khác, là một ý tưởng hay và nhiều triển vọng.
Nếu có đường ống dẫn, thì châu Âu có thể đạt được mục tiêu bớt lệ thuộc vào Nga nhưng dĩ nhiên, không phải trong thời gian “ngày một, ngày hai”. Chưa kể đến việc với nhiều nước thành viên EU chưa kết nối với hệ thống đường ống dẫn châu Âu như các đảo Malta, đảo Síp và 6 nước Đông Âu gồm Bulgaria, Estonia, Phần Lan, Latvia, Litva và Slovakia phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn khí đốt nhập khẩu của Nga. Do đó, việc giảm bớt sức ép từ phía Moscow không phải chuyện đơn giản.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker đặt việc đưa ra chiến lược năng lượng của châu Âu là ưu tiên lớn trong nhiệm kỳ của mình; nhưng dự kiến chiến lược này đòi hỏi hơn 1.000 tỷ euro trong 5 năm và 2.000 tỷ euro trong 10 năm. Do đó, kế hoạch thực tế đầu tư khoảng 315 tỷ euro mà ông Juncker đưa ra cuối năm ngoái, rõ ràng là không đủ.
Với kế hoạch san sẻ năng lượng tái tạo từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, châu Âu khẳng định không chỉ muốn đảm bảo nguồn dự trữ năng lượng, để giảm phụ thuộc vào Nga mà còn muốn trở thành “nhà vô địch thế giới về năng lượng tái tạo” và trở thành “người học trò gương mẫu” tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu sẽ diễn ra tại Pháp vào cuối năm nay.
Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết giảm 20 % lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính; thay vào đó là sử dụng 20 % các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện từ nay đến năm 2020. Lĩnh vực năng lượng tái tạo là rất hứa hẹn nhưng ở thời điểm này, châu Âu đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực này./.