Chỉ huy Nga lo ngại Kursk có thể trở thành Bakhmut 2.0
VOV.VN - Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Nga, có biệt danh Hades người từng phục vụ trên 4 mặt trận chiến đấu trên khắp miền đông Ukraine cho biết, các cuộc giao tranh dữ dội nhất đang diễn ra trên đất Nga. Ông lo ngại Kursk có thể trở thành Bakhmut 2.0.
Quân đội Nga đang nỗ lực giành quyền kiểm soát một phần lãnh thổ tại tỉnh Kursk mà lực lượng Ukraine chiếm được.
Giao tranh dữ dội chưa từng có
Trận chiến kéo dài giành thị trấn Sudzha bị Ukraine chiếm giữ và vùng nông thôn xung quanh hiện giờ đã trọng tâm của cuộc xung đột. Cả hai bên đều triển khai số lượng đáng kể lực lượng dự bị của họ để kiểm soát Sudzha – nằm ở vùng biên giới Nga giáp với Ukraine.
![chỉ huy nga lo ngại kursk có thể trở thành bakhmut 2.0 hình ảnh 1 chi huy nga lo ngai kursk co the tro thanh bakhmut 2.0 hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large/public/2025-02/aa1ytmfp.jpg)
"Đây là một trong những trận chiến dữ dội nhất. Tôi chưa từng chứng kiến điều tương tự như vậy trong toàn bộ chiến dịch quân sự đặc biệt", chỉ huy Hades, hiện đang phụ trách đơn vị có khoảng 200 binh sỹ chiến đấu ở Kursk, cho biết.
Pasi Paroinen - nhà phân tích quân sự của Nhóm Black Bird có trụ sở tại Phần Lan, cho rằng, cuộc tấn công của Nga vào Sudzha sẽ gây tổn thất lớn cho cả binh sỹ và dân thường, vì Ukraine đã triển khai lực lượng mạnh nhất của họ tại Kursk.
Cả Nga và Ukraine đều coi Kursk là vùng lãnh thổ quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nỗ lực thúc đẩy. Các nhà phân tích quân sự cho biết, lực lượng Ukraine đã triển khai một số lực lượng dự bị tốt nhất của họ tới Kursk, hy vọng sử dụng khu vực này như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán.
Đối với Tổng thống Putin, chiến dịch đột kích Kursk của Ukraine đánh dấu cuộc xâm nhập đầu tiên vào lãnh thổ Nga kể từ Thế chiến II – giống như một cú vỗ mặt. Ông quyết tâm đẩy lùi Ukraine ra để không phải nhượng bộ bất kỳ điều gì liên quan đến các vùng lãnh thổ. Moscow đã triển khai hàng chục nghìn binh lính, trong đó có cả lính nghĩa vụ và binh sỹ Triều Tiên, để đẩy lùi đối phương.
Ukraine "muốn tiến hành các cuộc đàm phán từ một vị thế mạnh mẽ. Nhưng cho đến thời điểm diễn ra đàm phán, không rõ họ có thể trụ lại ở Kursk hay không”, Trung tướng Apti Alaudinov, chỉ huy đơn vị lực lượng đặc biệt Akhmat tại khu vực Chechnya của Nga lưu ý.
Kursk có thể trở thành Bakhmut 2.0
Với mức độ rủi ro cao như vậy như vậy, các binh sỹ Nga chiến đấu ở Kursk tin rằng cuộc giao tranh sẽ trở nên ác liệt hơn trong thời gian tới.
“Chúng tôi lo ngại Kursk có thể trở thành Bakhmut 2.0”, chỉ huy Hades cho biết.
Bakhmut là một thành phố của Ukraine, nơi lực lượng Wagner của Nga đã giành quyền kiểm soát vào năm 2023 sau cuộc tấn công kéo dài 9 tháng. Thành phố này từng là biểu tượng cho sức chiến đấu bền bỉ của Ukraine khi phải đối mặt với hỏa lực vượt trội của Nga.
Một chỉ huy khác của Nga cho rằng, cái giá phải trả cho các cuộc giao tranh tại Kursk sẽ rất lớn và rất khó đánh giá mức độ thương vong.
Nhiều binh sỹ Nga nói rằng, việc chiến đấu trên chính lãnh thổ của mình đã giúp họ giữ vững động lực trong một cuộc chiến tiêu hao kéo dài gần 3 năm qua, nhằm đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt.
“Chúng tôi phải chiến đấu cho đất nước, cho người dân và các giá trị của chúng tôi”, Aleksandr – một binh sỹ Nga chia sẻ.
Kể từ khi Ukraine phát động chiến dịch tấn công bất ngờ tại Kursk cách đây sáu tháng, cả hai bên đều chịu tổn thất nặng nề ở địa hình bằng phẳng, lộ thiên trong khu vực. Nga, với những bước tiến chậm nhưng chắc, đã có thể giành lại khoảng 60% trong số 804 km2 vuông lãnh thổ bị Ukraine chiếm giữ ở giai đoạn đầu.
Tuy vậy, đến ngày 6/2, tận dụng điều kiện thời tiết và sự vắng mặt tạm thời của quân đội Triều Tiên, lực lượng Ukraine tiếp tục tiến hành cuộc tấn công bất ngờ về phía Đông Nam Sudzha và chiếm một số ngôi làng gần đó với tổng diện tích hơn 10 km2, bao gồm Kolmakov, Cherkasskaya Konopelka và có thể là Fanaseevka. Cuộc đột phá theo hướng Ulanok mà Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đạt được trong ngày đầu tiên của các hành động này là khoảng 5 km.
Không giống như nỗ lực trước đó vào ngày 6/1, các cuộc tấn công này được cho là thành công về mặt chiến thuật. Mặc dù bước tiến của quân đội Ukraine đã bị Nga chặn lại, nhưng Kiev đã giành được chỗ đứng trong một số khu định cư và có khả năng sẽ tiến xa hơn nữa. Nhiệm vụ của Lực lượng Phòng vệ Ukraine trong khu vực này nhiều khả năng là ngăn Nga tiến vào Ulanok và Plekhovo.
Máy bay không người lái sợi quang đang trở thành vấn đề lớn đối với các đơn vị Ukraine tại đây, cũng như trên các khu vực khác của tiền tuyến, vì chúng không dễ bị chế áp bằng phương tiện tác chiến điện tử. Nga đã ngăn chặn được cuộc đột phá của quân đội Ukraine ở khu vực Kursk bằng những máy bay không người lái này.
Sau các cuộc tấn công của Ukraine, lực lượng Nga cũng hoạt động mạnh mẽ hơn ở phía đối diện của mặt trận Kursk - phía Tây Bắc Sudzha. Binh lính Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công bằng bộ binh và bắt đầu gây áp lực với Kiev ở phía Nam Malaya Loknya. Quân Nga bắt đầu tiến về Sverdlikovo, một thành trì quan trọng và việc Nga chiếm được thành trì này có thể làm gián đoạn hoạt động hậu cần của Ukraine ở Kursk.
Mở hành lang nhân đạo
Theo New York Times, hiện có khoảng 2.000 đến 3.000 người dân đang bị mắc kẹt tại các vùng giao tranh ở Kursk. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau không tạo điều kiện cho dân thường sơ tán, khiến họ phải chịu đựng mùa đông lạnh giá, thiếu thốn lương thực, thực phẩm và không có nước sạch.
Các nhà phân tích lo ngại, việc quân đội Nga tăng cường không kích và quyết tâm trấn giữ thị trấn Sudzha của Ukraine sẽ tạo ra một thảm họa nhân đạo chưa từng thấy kể từ những năm 1990. Đến cuối tháng 1, lực lượng Nga chỉ còn cách trung tâm thị trấn vài km.
Hiện Nga và Ukraine đang thảo luận về việc mở một hành lang nhân đạo cho những dân thường bị mắc kẹt sau các tuyến phòng thủ của Ukraine tại khu vực Kursk, Ủy viên Nhân quyền của Nga Tatiana Moskalkova ngày 12/2 cho biết.
Tuần trước, Văn phòng của Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo, họ sẵn sàng hợp tác với Moscow để mở hành lang nhân đạo, nhưng vẫn chưa nhận được yêu cầu chính thức. Về phần mình, Điện Kremlin nêu rõ đang thực hiện mọi biện pháp để hỗ trợ những người dân ở các khu vực bị Ukraine chiếm đóng mà không trực tiếp đề cập đến đề xuất của Kiev
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ về vấn đề này với Ukraine và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Hy vọng sẽ có một giải pháp tích cực”, bà Moskalkova cho biết.