Chìa tay với Taliban, vì sao Trung Quốc vẫn lo ngay ngáy khi Afghanistan thất thủ?
VOV.VN - Trong bài bình luận đăng tải hôm 16/8, CNN cho biết, khi Trung Quốc chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn đang diễn ra tại thủ đô Kabul của Afghanistan, nước này có thể nhận thấy những rủi ro nhiều hơn là cơ hội.
“Đó chỉ là vấn đề kiểm soát mối đe dọa”
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố rút toàn bộ binh sỹ ra khỏi Afghanistan vào tháng 4/2021, đã có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể nhân cơ hội để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại và tranh thủ mở rộng sự hiện diện cũng như ảnh hưởng của nước này ở Afghanistan.
Những lập luận như vậy ngày càng được củng cố sau cuộc gặp giữa các thủ lĩnh cấp cao của Taliban và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào tháng 7 vừa qua. Tại cuộc gặp, ông Vương Nghị tuyên bố "Taliban sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải và tái thiết ở Afghanistan”.
Nhưng đối với Trung Quốc – nước láng giềng của Afghanistan, vốn có sự đầu tư đáng kể về nguồn lực trong khu vực, những thách thức an ninh đến từ sự trỗi dậy của Taliban cấp thiết hơn nhiều so với bất cứ lợi ích chiến lược nào mà Bắc Kinh có thể nhận được.
Trả lời phỏng vấn Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, ông Andrew Small, một nhà nghiên cứu cấp cao của Quỹ Marshall Đức có trụ sở tại Washington cho rằng: “Trung Quốc không có xu hướng nhìn nhận tình hình tại Afghanistan thông qua lăng kính cơ hội. Đó chỉ là vấn đề kiểm soát mối đe dọa”.
Trung Quốc từ lâu đã cảnh giác với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Afghanistan – quốc gia có chung đường biên giới dài 80km với tỉnh Tân Cương tại khu vực Hành lang Wakhan. Nhưng trên thực tế, Bắc Kinh cũng được hưởng lợi từ sự ổn định do Mỹ mang lại trong 2 thập kỷ qua.
Trung Quốc lo ngại rằng Afghanistan sẽ bị phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) - một nhóm cực đoan được thành lập bởi các phần tử thánh chiến người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở miền Tây Trung Quốc, lợi dụng để làm căn cứ và phát động các cuộc tấn công vào Tân Cương. Vấn đề này đã được Ngoại trưởng Vương Nghị đưa ra trong cuộc gặp các thành viên cấp cao của Taliban tháng 7 vừa qua. Đổi lại, Taliban cam kết sẽ “không bao giờ cho phép bất cứ lực lượng nào sử dụng lãnh thổ Afghanistan để thực hiện những hành động gây bất lợi cho Trung Quốc”.
Nhưng những rủi ro an ninh không chỉ giới hạn ở vùng biên giới của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đầu tư mạnh mẽ vào Trung Á thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và thương mại trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai-Con đường. Chính vì vậy, tác động của việc Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan đối với các nhóm phiến quân Hồi giáo có thể đe dọa những lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc trong khu vực rộng lớn hơn.
“Mặc dù Bắc Kinh đánh giá rất thực tế về cán cân quyền lực ở Afghanistan nhưng họ luôn tỏ ra không thoải mái đối với chương trình nghị sự của Taliban. Chính phủ Trung Quốc lo ngại thành công của Taliban tại Afghanistan sẽ truyền cảm hứng cho các lực lượng nổi dậy khác trên khắp khu vực”, ông Small nói.
Mối đe dọa an ninh này đã được nêu bật vào tháng 7/2021 khi 9 công nhân Trung Quốc thiệt mạng trong 1 vụ đánh bom liều chết tại Pakistan – một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các công dân Trung Quốc tại nước ngoài trong những năm gần đây.
Sự lo lắng của Trung Quốc trước việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan được phản ánh trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này. Bắc Kinh đã liên tục chỉ trích Mỹ hành động "vô trách nhiệm" khi "vội vã rút quân".
Bắc Kinh không có ý định theo chân Mỹ?
Tuy vậy, Trung Quốc cũng phát tín hiệu rằng họ không có ý định triển khai binh sỹ tới Afghanistan để lấp đầy khoảng trống quyền lực do Mỹ để lại như một số nhà phân tích đã nhận xét. Thời báo Hoàn cầu ngày 15/8 đăng tải bài bình luận nhấn mạnh, sự suy đoán như vậy là "hoàn toàn vô căn cứ”.
“Những gì Trung Quốc có thể làm là sơ tán công dân nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hoặc đóng góp vào công cuộc tái thiết và phát triển Afghanistan sau chiến tranh, thúc đẩy các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) khi quốc gia Nam Á này khôi phục an ninh và ổn định”, bài báo có đoạn viết.
Truyền thông Trung Quốc cũng mô tả tình hình ở Afghanistan là “sự hổ thẹn lớn” đối với Mỹ và sử dụng điều này để lập luận về tính ưu việt của chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ” của các quốc gia khác mà Bắc Kinh theo đuổi từ những năm 1950. “Sự thay đổi mạnh mẽ trong tình hình tại Afghanistan là một đòn giáng nặng nề đối với Mỹ. Điều đó cho thấy sự thất bại hoàn toàn trong ý định của Mỹ nhằm tái định hình Afghanistan”, một bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu nhận xét.
Bắc Kinh có lẽ nhận thức rõ cái giá phải trả khi can thiệp vào tình hình an ninh tại Afghanistan. Nhiều bài bình luận trên truyền thông Trung Quốc gần đây đã gọi quốc gia này là “nghĩa địa của các đế chế”.
Giới phân tích cho rằng, thay vì theo chân Mỹ, Trung Quốc có thể đang áp dụng một cách tiếp cận thực dụng đối với Afghanistan. Bằng cách công khai chuyến thăm của phái đoàn Taliban tới Trung Quốc vào tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đang gửi đi thông điệp rằng, họ sẵn sàng công nhận và làm việc với một chính phủ do Taliban nắm quyền tại Afghanistan, miễn là điều đó phù hợp với lợi ích của họ.
Sự tự tin của Bắc Kinh trong việc xử lý quan hệ với Taliban được phản ánh qua tình hình thực tế ở Kabul. Trong khi Mỹ và các đồng minh cố gắng sơ tán các đại sứ quán của những nước này ra khỏi Afghanistan, Trung Quốc và Nga vẫn chưa có động thái gì.
Trong một tuyên bố ngày 15/8, Đại sứ quán Trung Quốc tại Kabul cho biết họ đã “yêu cầu các phe phái khác nhau ở Afghanistan đảm bảo sự an toàn của các công dân Trung Quốc, các thực thể của Trung Quốc và lợi ích của Trung Quốc”.
Bắc Kinh cho biết, chưa có bất kỳ báo cáo nào cho thấy công dân Trung Quốc bị thương vong, đồng thời nhắc nhở công dân "theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh, tăng cường các biện pháp phòng ngừa an toàn và hạn chế ra ngoài”./.