Chiến lược an ninh quốc gia Nga: Tuyên ngôn của kỷ nguyên mới

VOV.VN - Điểm trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia mới là tập trung vào tình hình nội bộ của chính nước Nga; ban lãnh đạo Nga có lý do để tập trung giải quyết những điểm yếu, sự mất cân bằng và bất bình đẳng trong nước.

Chiến lược An ninh Quốc gia mới dài 44 trang của Liên bang Nga được Tổng thống Putin ký ngày 2/7 là một tài liệu đáng chú ý. Chiến lược mới được cập nhật của Điện Kremlin không chỉ bao gồm các vấn đề an ninh quốc gia mà còn bao gồm toàn bộ các vấn đề khác, từ kinh tế đến môi trường, các giá trị và quốc phòng, là một tuyên ngôn cho một kỷ nguyên khác - tuyên ngôn được soạn thảo trong bối cảnh cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng với Mỹ và các đồng minh; sự trở lại với các giá trị truyền thống; và tầm quan trọng các vấn đề như công nghệ, biến đổi khí hậu đối với tương lai của Nga.

Chiến lược này đưa ra một cách nhìn về một thế giới đang trải qua sự biến đổi và hỗn loạn, theo đó, quyền bá chủ của Phương Tây, đang trên đà thể hiện, dẫn đến nhiều xung đột hơn, và nghiêm trọng hơn. Về kinh tế, Nga phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh dưới các hình thức hạn chế khác nhau nhằm gây thiệt hại và kìm hãm nước này. Về an ninh, việc sử dụng vũ lực là một mối đe dọa ngày càng tăng. Trong lĩnh vực đạo đức, các giá trị truyền thống và di sản lịch sử của Nga đang bị khuynh hoại. Về chính trị trong nước, Nga phải đối phó với những âm mưu của nước ngoài nhằm gây bất ổn lâu dài trong nước.

Môi trường bên ngoài đầy rẫy những mối đe dọa và sự bất an ngày càng gia tăng này được coi là một kỷ nguyên, hơn là một giai đoạn. Trong bối cảnh đó, điểm trung tâm của chiến lược là tập trung vào chính nước Nga: nhân khẩu học, sự ổn định chính trị và chủ quyền, sự phù hợp và hòa hợp quốc gia, phát triển kinh tế trên cơ sở công nghệ mới, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, cuộc sống tinh thần và đạo đức quốc gia.

Trọng tâm hướng nội này được lịch sử dự báo. Cách đây đúng 30 năm, Liên Xô sụp đổ ngay khi sức mạnh quân sự của họ đang ở đỉnh cao, chứ không phải do một cuộc xâm lược nước ngoài. Gần đây, khi đã giành lại vị thế cường quốc và cải tổ, củng cố quân đội thành công, ban lãnh đạo Nga hiện có mọi lý do để quay về vấn đề đối nội nhằm giải quyết những điểm yếu, sự mất cân bằng và bất bình đẳng trong tình hình nội bộ của đất nước.

Chiến lược nêu ra một loạt các biện pháp để giải quyết các vấn đề trong nước, từ nghèo đói gia tăng và tiếp tục phụ thuộc nghiêm trọng vào công nghệ nhập khẩu cho đến sự ra đời của năng lượng xanh và việc mất đi lợi thế giáo dục và công nghệ từ thời Liên Xô. Việc Điện Kremlin nhận ra biến đổi khí hậu là một vấn đề hàng đầu là một dấu hiệu đầy hy vọng cho thấy, Nga đang vượt qua sự phủ nhận trước đây về vấn đề này.

Chiến lược không bỏ qua các khía cạnh tinh thần và đạo đức của an ninh quốc gia, cung cấp một danh sách các giá trị truyền thống của Nga và thảo luận về chúng một cách kỹ càng. Chiến lược coi những giá trị này đang bị tấn công thông qua Phương Tây hóa, có nguy cơ cướp mất chủ quyền văn hóa của người Nga, và thông qua những nỗ lực phỉ báng nước Nga bằng cách viết lại lịch sử.

Tài liệu đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc Nga chính thức từ bỏ thuật ngữ tự do của những năm 1990 và thay thế nó bằng một quy tắc đạo đức bắt nguồn từ truyền thống của đất nước. Chiến lược đề cập đến việc vượt qua sự cần thiết phải loại bỏ tận gốc tham nhũng. Như Tổng thống Putin đề cập trong sự kiện hỏi đáp thường niên gần đây nhất được tổ chức ngày 30/6, nước Nga được điều hành bởi một lớp người, phần lớn là tự phục vụ và không quan tâm đến tất cả người dân bình thường hoặc đất nước, thay vào đó chỉ tập trung vào việc làm giàu.

Tiền - hay đúng hơn là nhiều tiền - đã trở thành giá trị hàng đầu của nhóm đó và là yếu tố ăn mòn nhất ở Nga ngày nay, có lẽ là lỗ hổng lớn nhất của nước Nga hiện đại. Về chính sách đối ngoại, chiến lược này đưa ra một gợi ý về những gì mà Xu hướng Chính sách Đối ngoại sắp tới có thể bao quát. Mỹ và một số đồng minh NATO giờ đây đã chính thức trở thành những quốc gia không thân thiện.

Quan hệ với Phương Tây không được ưu tiên và những nước này xếp cuối cùng về mức độ thân thiết, sau các nước thuộc Liên Xô cũ, các đối tác chiến lược Trung Quốc và Ấn Độ, các tổ chức phi Phương Tây như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, BRICS, và bộ ba Nga-Ấn-Trung, và các nước châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi khác. Ngoài việc triển khai quân sự của Mỹ và liên minh của nước này, những gã khổng lồ internet có trụ sở tại Mỹ với độc quyền ảo của họ trong lĩnh vực thông tin và đồng USD chi phối tài chính toàn cầu cũng được coi là công cụ kiềm chế Nga.

Nhìn chung, Chiến lược An ninh Quốc gia Nga năm 2021 tìm cách điều chỉnh đất nước phù hợp với một thế giới vẫn còn liên kết với nhau, vẫn còn chia cắt và chia rẽ, trong đó các chiến tuyến chính được vạch ra không chỉ và thậm chí không chủ yếu giữa các quốc gia, mà bên trong chính nước Nga. Thắng và bại thì chủ yếu diễn ra trên sân nhà. Theo đó, chính hậu phương là nơi đặt ra những vấn đề lớn nhất, và ở đó cần các định hướng chỉ đạo chính của chính sách nhà nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga công bố chiến lược an ninh quốc gia mới
Nga công bố chiến lược an ninh quốc gia mới

VOV.VN - Chiến lược An ninh quốc gia mới nêu các ưu tiên chiến lược chính của Nga như: bảo tồn dân tộc Nga, bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, cũng như an ninh sinh thái và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nga công bố chiến lược an ninh quốc gia mới

Nga công bố chiến lược an ninh quốc gia mới

VOV.VN - Chiến lược An ninh quốc gia mới nêu các ưu tiên chiến lược chính của Nga như: bảo tồn dân tộc Nga, bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, cũng như an ninh sinh thái và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tổng thống Nga Putin phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia
Tổng thống Nga Putin phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia

VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga. Sắc lệnh mới nêu các ưu tiên chiến lược chính của Nga trong thời đại mới.

Tổng thống Nga Putin phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia

Tổng thống Nga Putin phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia

VOV.VN - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê duyệt Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga. Sắc lệnh mới nêu các ưu tiên chiến lược chính của Nga trong thời đại mới.

Hé lộ những nội dung đáng chú ý trong chiến lược an ninh mới của Nga
Hé lộ những nội dung đáng chú ý trong chiến lược an ninh mới của Nga

VOV.VN - Chính quyền Liên bang Nga đang thảo luận về dự thảo Chiến lược an ninh quốc gia mới. Bản chiến lược này được sửa đổi 6 năm một lần, cập nhật những nội dung mới so với bản Chiến lược An ninh được ký năm 2015. 

Hé lộ những nội dung đáng chú ý trong chiến lược an ninh mới của Nga

Hé lộ những nội dung đáng chú ý trong chiến lược an ninh mới của Nga

VOV.VN - Chính quyền Liên bang Nga đang thảo luận về dự thảo Chiến lược an ninh quốc gia mới. Bản chiến lược này được sửa đổi 6 năm một lần, cập nhật những nội dung mới so với bản Chiến lược An ninh được ký năm 2015.