Chính sách của Mỹ ở Trung Đông không được lòng nhiều bên
VOV.VN - Việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel là một trong những nguyên nhân thổi bùng làn sóng biểu tình quy mô lớn tại khu vực.
Hàng trăm nhân viên Liên Hợp Quốc với nhiệm vụ hỗ trợ người tị nạn Palestine đã mất việc làm trong tuần vừa qua và những căng thẳng tại dải Gaza nhiều tháng nay vẫn chưa thể hạ nhiệt, là những hậu quả từ các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Getty Images)
Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự không đồng tình, còn đồng minh thân cận Arab của Mỹ cũng không thể ủng hộ đối với “Kế hoạch hòa bình Trung Đông” mà Washington sắp đưa ra.
Theo hãng tin Reuters, hơn 250 nhân viên của Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA) tuần trước đã mất việc làm. Đây là hậu quả từ việc Mỹ quyết định cắt giảm hàng trăm triệu USD viện trợ cho Cơ quan này, với cáo buộc tổ chức đã sử dụng tiền hỗ trợ để giúp những người dân Palestine trong các hoạt động chống lại Israel.
Ông Mattias Schmale, Giám đốc Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine tại Gaza ngày 29/7 một lần nữa bác bỏ “viện cớ vô căn cứ” về việc cắt giảm viện trợ từ phía Washington.
“Chúng tôi nhận tiền hỗ trợ quốc tế để phục vụ những người tị nạn Palestine” - ông Mattias Schmale cho biết. “Chúng tôi không dành số tiền đó để phục vụ phong trào Hamas. Hoàn toàn không có bất kỳ báo cáo nào, bằng chứng nào cho thấy số tiền hỗ trợ quốc tế chuyển cho Hamas. Chúng tôi sử dụng số tiền ấy cho 1,3 triệu người tị nạn”.
Việc nhân viên Liên Hợp Quốc chuyên hỗ trợ người tị nạn Palestine mất việc làm cũng sẽ đồng nghĩa về một tương lai “tối tăm hơn” đối với hàng triệu người tị nạn Palestine.
“Có một mối đe dọa rõ ràng rằng, nếu viện trợ dừng lại, việc giảng dạy sẽ bị dừng lại theo” - một nhân viên chuyên hỗ trợ giáo dục Liên Hợp Quốc nhận định. “Và số phận của 250.000 sinh viên Palestine không biết sẽ đi về đâu. Họ sẽ bị ném xuống ra đường và trở thành những người vô gia cư”.
Mỹ từng là quốc gia tài trợ lớn nhất cho Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc, với khoản viện trợ lên tới 370 triệu USD trong năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt giảm hơn 1 nửa trong gói hỗ trợ dự kiến ban đầu cho cơ cơ quan này trị giá 120 triệu USD.
Hiện những chính sách của Mỹ cho tiến trình hòa bình Trung Đông, với việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng là một trong những nguyên nhân thổi bùng làn sóng biểu tình quy mô lớn tại khu vực biên giới dải Gaza tiếp giáp với Israel, kể từ cuối tháng 3 đến nay. Nhiều cuộc biểu tình của người Palestine đã biến thành đụng độ với lực lượng an ninh Israel, khiến hơn 130 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.
Trước bức tranh “tối màu” tại Gaza, một đồng minh lớn và thân cận bậc nhất của Mỹ tại Trung Đông là Saudi Arabia cũng không thể đồng tình được với những chính sách của Mỹ đối với xung đột giữa Israel - Palestine.
Tại các cuộc tiếp xúc gần đây với giới chức cấp cao Mỹ và các nước Arab khác, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud khẳng định, sẽ không ủng hộ “kế hoạch hòa bình Trung Đông” của Mỹ nếu Đông Jerusalem không thể là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.
Nhà lãnh đạo Saudi Arabia ngày 29/7 khẳng định, Riyadh sẽ tiếp tục duy trì các cam kết trong Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002, trong đó ủng hộ thành lập một Nhà nước Palestine có đường biên giới trước năm 1967 và thủ đô là Đông Jerusalem.
Còn Jordan và Ai Cập – những đồng minh của Mỹ tại khu vực cũng đã đề nghị chính quyền Tổng thống Donald Trump chỉ công bố “kế hoạch hòa bình Trung Đông” của mình nếu kế hoạch đó công bằng đối với người Palestine. Giới chức Jordan cảnh báo thêm, nếu Kế hoạch hòa bình của Mỹ thiên vị Israel cũng sẽ gây ra sự bất ổn tại Jordan, và chính quyền Amman sẽ kịch liệt phản đối./. Palestine kêu gọi quốc tế giúp chấm dứt leo thang căng thẳng ở Gaza
Israel siết chặt Gaza, cuộc sống người dân Palestine “nghẹt thở”