Chính sách kinh tế của Trump và Clinton: Những gam màu đối lập
VOV.VN - Chính sách kinh tế mà tỷ phú Trump và bà Hillary Clinton mới công bố cho thấy 2 ứng viên Tổng thống Mỹ đang có quan điểm rất trái ngược nhau.
Theo ABC News, trên trang web vận động tranh cử của mình, bà Hillary Clinton nêu rất chi tiết chính sách kinh tế trong tương lai nếu bà trở thành Tổng thống Mỹ. Trang web của bà có một phần riêng đề cập đến kinh tế và việc làm tại Mỹ được chia nhỏ thành 17 hạng mục khác nhau.
Bà Clinton và ông Trump có quan điểm rất khác nhau về chính sách kinh tế. Ảnh AP
Trong khi đó, trên trang web vận động tranh cử của tý phú Trump chỉ vạch ra 6 điểm nhấn chính về chính sách của ông, trong đó có một điểm nhấn liên quan trực tiếp đến kinh tế. Tuy nhiên, theo những người vận động tranh cử cho ông Trump, điều này là bởi ông dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng về chính sách kinh tế trong ngày hôm nay (9/8).
Nhân dịp này, ABC News đã có một bài so sánh chi tiết về những “chủ đề nóng” mà cả hai ứng viên sẽ đề cập trong chính sách kinh tế của mình:
Thuế và cắt giảm thuế
Tỷ phú Mỹ Donald Trump đã điều chỉnh giọng điệu của mình khi đề cập chi tiết về kế hoạch cải tổ thuế trong những tháng qua. Kế hoạch cải tổ thuế này được ông Trump công bố hồi tháng 9/2015, trong đó đề xuất cắt giảm thuế thu nhập đánh vào những người giàu nhất nước Mỹ từ 39,6% xuống còn 25%.
Tuy nhiên, những lời bình luận của ông Trump trong các cuộc phỏng vấn sau đó đã khiến mọi người cảm thấy khó hiểu. “Tỷ lệ này sẽ tăng lên một chút”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn ngày 8/5 trên ABC News.
“Không, không, không, trong kế hoạch của tôi, tỷ lệ này phải giảm. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, tỷ lệ này có tăng lên đôi chút. Tôi đã phải tham gia đàm phán với đảng Dân chủ và đề xuất một kế hoạch theo tôi là tối ưu”, ông Trump nói thêm.
“Khi kế hoạch này được đàm phán xong xuôi, có thể tỷ lệ đó sẽ thay đổi chút ít. Đó là điều tôi muốn đạt tới và tôi sẽ tranh đấu đến cùng cho việc này. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm thực tế, tôi cho rằng, thuế đánh vào người giàu sẽ tăng lên đôi chút”, ông Trump khẳng định.
Bài viết trên trang web của ông Trump liên quan đến chính sách cải cách thuế của ông sau đó đã bị dỡ bỏ.
Đảng Dân chủ dồn sức “đánh hội đồng” Donald Trump
Trong khi đó, bà Clinton cam kết sẽ không tăng thuế đánh vào tầng lớp trung lưu, tuy nhiên, bà Clinton khẳng định sẽ tăng thuế đánh vào những người giàu có. Việc tăng thuế này theo bà Clinton là nhằm có đủ nguồn thu để bà có thể thực hiện các kế hoạch khác như phát triển cơ sở hạ tầng.
“Dựa trên “nguyên tắt Buffett” bà Clinton kêu gọi áp đặt thêm 4% thuế nhằm “chia sẻ một cách công bằng” đối với những người Mỹ kiếm được trên 5 triệu USD/năm- tương đương với chỉ 0,02% những người phải đóng thuế trên toàn nước Mỹ”, những người tham gia vận động tranh cử cho bà Clinton chia sẻ.
“Nguyên tắc Buffett” là một phần trong kế hoạch cải tổ thuế năm 2011 do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng, theo đó sẽ áp đặt mức thuế tối thiểu là 30% lên những người kiếm được hơn 1 triệu USD/năm. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã bác đề xuất này.
Mức lương tối thiểu
Trong cuộc tranh luận lần thứ 4 giữa các ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, khi được hỏi liệu ông có kế hoạch tăng lương tối thiểu hay không, ông Trump trả lời: “Tôi không định làm điều này” và nhận được tiếng vỗ tay vang dội của những người tham gia chương trình.
Tuy nhiên, chỉ sáu tháng sau, trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC News, ông Trump lại tuyên bố: “Dù chưa thể đưa ra con số cụ thể, tôi cho rằng, người Mỹ cần nhận được tiền lương tăng thêm. Đó là sự thay đổi mà tôi thấy cần thiết. Chúng ta cần một sự linh hoạt thực sự”.
Trong khi đó, từ trước đến nay bà Clinton luôn ủng hộ việc tăng lương tối thiểu. Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, bà Clinton cho biết, bà muốn tăng lương tối thiểu từ 7,25USD/h lên thành 12USD/h. Tại một số thành phố, mức lương tối thiểu sẽ tăng lên 15USD/h do chi phí sinh hoạt tại các thành phố này rất đắt đỏ.
Tuy nhiên, đề xuất này chủ yếu là nhằm đánh bại đối thủ trong đảng Dân chủ của bà là ông Bernie Sanders khi ông này tuyên bố sẽ tăng lương tối thiểu lên 15USD/h trên cả nước.
Bầu cử Mỹ: Hillary Clinton đánh thẳng vào niềm tự hào của Donald Trump
Vấn đề TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong lòng đảng Dân chủ.
Dù bà Clinton tuyên bố phản đối TPP nhưng chính bà khi còn là Ngoại trưởng Mỹ là tác nhân quan trọng giúp thỏa thuận này được thông qua. Tuy nhiên, bà Clinton cho rằng, khi được đọc bản thảo cuối cùng lúc bà là ứng viên Tổng thống Mỹ, bà đã phản đối thỏa thuận này vì nó “không đáp ứng được những tiêu chuẩn” mà bà đặt ra.
Trong khi đó, “phó tướng” của bà, ông Tim Kaine lại ủng hộ TPP. Dù vậy, một trợ lý của bà Clinton cho biết, Thượng nghị sĩ Kaine sẵn sàng phản đối TPP nếu cần thiết.
Đối thủ của bà Clinton, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố phản đối TPP trong chiến dịch tranh cử của mình. Theo ông Trump, TPP chính là yếu tố giúp Trung Quốc giành được ưu thế về kinh tế trước Mỹ.
“TPP sẽ hạ thuế đánh vào xe nhậu khẩu vào Mỹ trong khi vẫn duy trì thông lệ của các nước trong việc ngăn cản xe Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, đó không phải là mối lo ngại duy nhất.
Trung Quốc sẽ xâm nhập vào TPP thông qua “cửa hậu” vào một thời điểm thích hợp. Họ đang theo dõi và nghiên cứu tình hình. Dù chưa vào TPP nhưng họ sẽ tìm cách để được gia nhập. Dù điều này chẳng tốt lành gì nhưng họ sẽ làm được, như mọi lần trước đó”.
Bầu cử Mỹ: Donald Trump gọi Hillary Clinton là tham nhũng và dối trá
Phát triển cơ sở hạ tầng
Trong bài phát biểu của mình tại một nhà máy nhôm tại Pennsylvania, ông Trump cho biết cơ sở hạ tầng sẽ được mở rộng khi ông làm Tổng thống. Tuy nhiên, ông Trump không nêu chi tiết việc này.
“Chính quyền của ông Trump sẽ đảm bảo rằng, chúng ta sẽ sử dụng sắt thép của Mỹ cho các công trình của Mỹ”, ông Trump khẳng định: “Chính sắt thép của Mỹ sẽ xây chắc lại những cây cầu đã bị xập xệ… Sắt thép của Mỹ sẽ giúp những tòa nhà của Mỹ tiếp tục vươn cao lên trời xanh mang lại tầm nhìn tươi đẹp cho mọi người. Chúng ta sẽ xây dựng lại trung tâm các thành phố lớn cũng bằng chính sắt thép của Mỹ”.
Trong khi đó, bà Clinton đề xuất kế hoạch chi tiêu 275 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong vòng 5 năm tới. Số tiền này được lấy từ tiền thuế đánh vào các doanh nghiệp của Mỹ.
“Số tiền còn thiếu để bù đắp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng của nước Mỹ có thể lên đến hàng nghìn tỉ USD. Người lao động không kịp đến chỗ làm do tắc đường. Tắc đường cũng khiến nhiều cha mẹ bị kẹt nhiều giờ trên đường phố. Trong khi đó, bão lũ đe dọa các thành phố của chúng ta và khách du lịch đã phải chờ đợi nhiều giờ, hoặc thậm chí nhiều ngày tại các sân bay khi bão lũ xảy ra”, bà Clinton nhấn mạnh./.