Chính sách ngoại giao của Donald Trump: Họa từ miệng?
VOV.VN - Những lời lẽ thiếu cân nhắc trong chính sách ngoại giao của ông Trump đã khiến những quan điểm rất đáng lưu ý trong đó hoàn toàn bị quên lãng.
3 điểm “khó có thể tranh cãi” của ông Trump
Những lời lẽ "đao to búa lớn" đang khiến tỷ phú Mỹ Donald Trump "thiệt đơn thiệt kép" trong chiến dịch tranh cử của mình. Ảnh AP
Theo Yahoo News, trong vài năm qua, nhiều học giả và nhà phân tích chính sách đã nỗ lực để lý giải tại sao Mỹ có thể phát triển tốt đẹp hơn nhờ một chính sách ngoại giao mới ít can thiệp, ít tốn kém cũng như ít quan tâm đến lợi ích đặc biệt của mình hơn so với việc cố theo đuổi chiến lược tự do bá quyền mà 3 đời Tổng thống Mỹ trước đây đã từng thực hiện.
Chính sách ngoại giao mang đầy tính kiềm chế nói trên được cho là nhằm đặt lợi ích quốc gia của Mỹ lên hàng đầu. Nói cách khác, mục tiêu tối thượng trong chính sách ngoại giao đó là nhằm khiến người dân Mỹ trở nên an toàn và giàu mạnh hơn. Ngoài ra, chính sách này cũng đảm bảo việc các đồng minh thân cận của Mỹ sẽ phải đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tự bảo vệ bản thân.
Mỹ sẽ không can dự nhiều vào tình hình thế giới như trước nhưng cũng không rút vào “thành trì trong nước”. Thay vì thế, Mỹ sẽ chọn lọc hơn rất nhiều trong việc sử dụng sức mạnh quân sự và chỉ tập trung vào những “điểm nóng” ở châu Âu, châu Á hay Vịnh Ba Tư.
Những ý tưởng này hoàn toàn trùng lặp với một số quan điểm trong chính sách ngoại giao của ông Trump. Tuy nhiên, sự thiếu nhất quán cũng như những tuyên bố “nổ tung trời” của tỷ phú Mỹ đã khiến những gì đúng đắn mà ông nói ra “hoàn toàn biến sạch” khỏi tâm trí những người theo dõi chiến dịch tranh cử của ông.
Theo các chuyên gia, từ đầu chiến dịch tranh cử đến giờ, ông Trump đã đưa ra được 3 quan điểm về ngoại giao cực kỳ hợp lý và khó có thể bắt bẻ. Thứ nhất, ông tuyên bố rõ ràng rằng, mục tiêu hàng đầu trong chính sách ngoại giao của ông là thúc đẩy các lợi ích của Mỹ. Nói cách khác, ông cho rằng, mọi quốc gia đều đặt lợi ích của mình lên hàng đầu và Mỹ cũng phải làm điều tương tự.
Dù các nước đều đưa ra những “mỹ từ” liên quan đến chính sách ngoại giao như “mở rộng dân chủ, thúc đẩy nhân quyền và ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân”, những gì ông Trump nhấn mạnh về lợi ích của nước Mỹ cũng chính là điều các nước muốn nhắm tới.
Thứ 2, ông Trump tin rằng, nhiều đồng minh của Mỹ là các quốc gia giàu có nhưng lại không chịu chi trả gì cho Mỹ trong việc đảm bao an ninh cho những quốc gia đó cũng như an ninh chung. Rõ ràng, ông Trump đã có lý và nhiều nhà lãnh đạo khác của Mỹ như Tổng thống Barack Obama và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cũng đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố tương tự.
Cuối cùng, ông Trump công khai bày tỏ hoài nghi về cái gọi là “nỗ lực xây dựng ảnh hưởng của Mỹ” tại những nơi xa xôi trên khắp thế giới. Ông cũng phản đối việc Mỹ “lao vào những cuộc chiến ngu xuẩn”. Thật khó để có thể tranh luận nổi với ông Trump về quan điểm này dù chính ông Trump từng lên tiếng ủng hộ cuộc Chiến tranh Iraq năm 2003 (dù sau đó ông phủ nhận đã nói như vậy).
Chính sách kinh tế của Trump và Clinton: Những gam màu đối lập
Khi “cái miệng làm hại cái thân”
Nếu ông Trump thể hiện được sự nhất quán và có khả năng biến 3 điểm trọng yếu trên trở thành tâm điểm trong chính sách ngoại giao của mình, chiến dịch tranh cử của ông sẽ “thuận buồm xuôi gió” hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, dường như việc vạch ra được 3 điểm quan trọng nói trên đã “lấy hết cả sự khôn ngoan của ông Trump”. Những điểm còn lại trong chính sách đối ngoại của tỷ phú Mỹ mang nặng tính hời hợt, khiêu khích và reo rắc những niềm tin “độc hại” về tôn giáo và “hoàn toàn xa lạ với một người muốn trở thành ông chủ Phòng Bầu Dục”.
Đầu tiên, quan điểm của ông Trump về kinh tế thế giới phản ánh một quan điểm bảo hộ nặng nề được sản sinh ra từ vài thế kỷ trước. Việc không chấp nhận Hiệp định Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hay định rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ không giúp phục hồi nền công nghiệp chế tạo của Mỹ hay khiến nước Mỹ vĩ đại như trước. Thay vì thế, điều này sẽ là “một đòn chí mạng” giáng vào kinh tế Mỹ và thế giới và có thể dẫn tới một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp theo.
Rõ ràng, tỷ phú Trump dường như không hiểu được rằng, thương mại không phải là cuộc chơi kiểu “được ăn cả ngã về không”. Thương mại toàn cầu không giống như những thỏa thuận làm ăn “mờ ám” của ông Trump khi ông có thể “nhét tiền đầy túi mình” và mặc kệ việc bị những đối tác chỉ trích là lừa dối họ.
Ông Obama: Trump “không phù hợp” để trở thành Tổng thống Mỹ
Ngoài ra, ông Trump cũng tự tin tuyên bố rằng, ông có thể tự mình đàm phán để đạt được những thỏa thuận “tuyệt vời” thay thế cho những hệ thống thương mại đang tồn tại hiện nay dù thậm chí ông cũng không hiểu rõ hệ thống này được hình thành như thế nào.
Hơn thế nữa, ông Trump đang “tự tay bóp chết” cơ hội thắng cử của mình khi liên tục bày tỏ quan điểm phân biệt chủng tộc và lăng mạ đối thủ của mình. Thật khó hình dung một người thường xuyên chỉ trích người Mỹ Latin và người Hồi giáo có thể bàn chuyện ngoại giao như thế nào với các nước Mỹ Latin láng giềng hay với cả thế giới Arab?
Không ngại cả những vấn đề cấm kỵ
Việc ông Trump bày tỏ bất bình với giới quân đội Mỹ, nhất là việc ông công khai chỉ trích các cựu binh và gia đình các binh sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ được cho là một hành động “thiếu tôn trọng và dễ gây chia rẽ”.
Sẽ dễ cảm thông hơn nếu ông Trump chỉ trích một quan chức cấp cao của quân đội Mỹ về một vấn đề bất cập nào đó. Tuy nhiên, việc ông chọn các binh sĩ đã hy sinh xương máu của mình để bảo vệ tổ quốc làm mục tiêu nhắm tới là “rất khó chấp nhận”.
Người dân Mỹ cũng cảm thấy không mấy dễ chịu khi ông Trump tỏ ra thân thiết với Tổng thống Nga Putin- đối thủ hàng đầu của nước Mỹ. Trên thực tế, Mỹ vẫn làm ăn với một số quốc gia không có cùng quan điểm chính trị với mình như Saudi Arabia, Pakistan hay Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc ông Trump “quá vồ vập khen ngợi ông Putin” cũng như kêu gọi Nga can thiệp thô bạo vào cuộc bầu cử ở Mỹ bằng việc xâm nhập hệ thống máy tính của đảng Dân chủ là một điều “không thể tin nổi”, ít nhất là với một ứng viên Tổng thống.
Quan điểm của ông Trump về giải giáp vũ khí hạt nhân thậm chí còn “kinh khủng” hơn thế. Tỷ phú Mỹ từng công khai đặt câu hỏi tại sao Mỹ không sử dụng vũ khí hạt nhân để “giải quyết triệt để vấn nạn IS”.
Dù vẫn còn những bất đồng về vai trò của hệ thống vũ khí hạt nhân đối với chính sách ngoại giao và quốc phòng của Mỹ, nhưng không thể chối cãi được rằng, một người luôn muốn phá vỡ “luật bất thành văn” về vũ khí hạt nhân cũng như muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt khủng bố không xứng đáng làm Tổng tư lệnh quân đội Mỹ.
Donald Trump năm 2016- bản sao của Richard Nixon năm 1968?
Nếu Trump thất bại, Mỹ cũng không khá hơn với Clinton
Có thể nói, ông Trump là một “đại diện tồi cho một chính sách ngoại giao mới đầy hứa hẹn của Mỹ”. Thật đáng tiếc khi ông Trump xuất hiện một cách quá “thiếu nghiêm túc” trong các cuộc tranh luận rất đáng chú ý về chiến lược của Mỹ trong tương lai.
Nếu tỷ phú Trump thất bại, Mỹ sẽ lại kẹt trong chiến lược tự do bá quyền mà nước này đã thực thi một một cách rất thiếu hiệu quả trong suốt 25 năm qua. Bà Hillary Clinton và đội ngũ cố vấn của bà đã nhiều lần chia sẻ về việc kiên định với “vai trò không thể thay thế được từ trước đến nay của Mỹ” trên toàn cầu.
Tuy nhiên, những ngày tháng khi nước Mỹ có thể đồng thời xử lý mọi vấn đề trên khắp thế giới đã qua lâu và ngân sách Mỹ cũng đã bị bóp chặt lại dù ông Trump hay bà Clinton thắng cử.
Tổng thống mới của Mỹ sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn trong khi vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra một quyết định khó khăn về việc nên ưu tiên giải quyết vấn đề ở châu Âu, châu Á, Trung Đông hay ở bất kỳ nơi nào khác trước.
Cựu Tổng thống Bill Clinton- người rất có thể sẽ trở thành Đệ nhất Phu quân đầu tiên của nước Mỹ- đã từng rất cẩn trọng khi sử dụng các biện pháp quân sự, nhất là đưa bộ binh can thiệp vào một quốc gia nào đó.
Điều này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nước Mỹ hiện không còn phải đối mặt với những mối đe dọa rõ ràng nên người dân Mỹ sẽ không mấy mặn mà với một chính sách ngoại giao tốn kém. Bà Clinton có thể muốn thiết lập một trật tự thế giới mới theo ý của mình, nhưng bà sẽ phải làm điều này với một khoản ngân sách rất eo hẹp./.