Choáng váng vì Afghanistan sụp đổ nhanh chóng, chính quyền Biden thừa nhận sai lầm
VOV.VN - Các nhân vật hàng đầu trong chính quyền Biden thừa nhận họ đã tính toán sai lầm và đã mất cảnh giác trước những bước tiến nhanh như vũ bão của Taliban.
“Điều đó đã xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán”
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính phủ của ông hôm qua (15/8) đã phải nỗ lực rất nhiều để lập kế hoạch đảm bảo trật tự trong bối cảnh các binh sỹ Mỹ và các lực lượng nước ngoài khác đang chạy đua để sơ tán khỏi Afganistan khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul.
Sự sụp đổ nhanh chóng của các lực lượng quốc gia và chính phủ Afghanistan đã gây ra một cú sốc lớn đối với ông Biden cùng các thành viên cấp cao trong chính quyền ông, khi mà trước đó, tất cả đều tin rằng tình huống như vậy có thể xảy ra vài tháng sau khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan. Những thắng lợi như chẻ tre của Taliban trên trận địa khiến việc rút quân theo kế hoạch của Mỹ trở thành một nhiệm vụ cấp bách nhằm đảm bảo việc sơ tán diễn ra an toàn.
Tình hình hỗn loạn tại Afghanistan đã đặt ra thách thức nghiêm trọng nhất đối với Tổng thống Biden với vai trò là tổng tư lệnh quân đội Mỹ, khiến ông phải hứng mũi rìu chỉ trích của đảng Cộng hòa.
Còn nhớ, trong quá trình vận động tranh cử, ông Biden luôn thể hiện bản thân là một chuyên gia dày dặn kinh nghiệm về quan hệ quốc tế và đã dành nhiều tháng để hạ thấp khả năng Taliban sẽ giành quyền kiểm soát Afghanistan trong khi lập luận rằng, người Mỹ đã quá mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài 20 năm tại Afghanistan – một cuộc xung đột tiêu tốn quá nhiều tiền của và sức lực.
Tuy vậy vào hôm qua (15/8), các nhân vật hàng đầu trong chính quyền Biden thừa nhận họ đã tính toán sai lầm và đã mất cảnh giác trước những bước tiến nhanh như vũ bão của Taliban. Thách thức này đã trở nên rõ ràng sau khi có nhiều báo cáo về những tiếng súng nổ tại sân bay ở thủ đô Kabul khiến các công dân Mỹ phải tìm chỗ trú ẩn khi họ chờ các chuyến bay về nước.
Phát biểu với CNN, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chúng tôi nhận thấy rằng họ (quân đội Afghanistan) không thể bảo vệ đất nước và điều đó đã xảy ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán”.
Những diễn biến đáng lo ngại tại Afghanistan đã khiến Mỹ phải thay đổi trọng tâm một cách không mong muốn khi mà Tổng thống Biden đang ưu tiên cho chương trình nghị sự trong nước, trong đó có việc kiểm soát đại dịch Covid-19 và giành được sự chấp thuận của Quốc hội đối với dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD.
Theo các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, Tổng thống Biden vẫn ở Trại David vào ngày 15/8, thường xuyên cập nhật báo cáo về tình hình Afghanistan và tổ chức các cuộc hội thảo trực tuyến với các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia của ông. Ông Biden dự kiến có bài phát biểu trên toàn quốc về cuộc khủng Afghanistan, mặc dù quyết định cuối cùng vẫn chưa được công bố, một quan chức cho biết. Một vài ngày tới sẽ là thời điểm quan trọng để xác định liệu Mỹ có thể kiểm soát được tình hình ở một mức độ nào đó hay không.
Trong một tuyên bố chung ngày 15/8, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi đang hoàn thiện một loạt các bước nhằm đảo bảo an toàn cho Sân bay Quốc tế Hamid Karzai để cho phép các binh sỹ Mỹ và đồng minh rời khỏi Afghanistan an toàn thông qua các chuyến bay quân sự và dân sự”.
Joe Biden là tổng thống thứ 4 của nước Mỹ đối mặt với các thách thức tại Afghanistan. Ông khẳng định sẽ không để cuộc chiến dài nhất lịch sử nước Mỹ kéo dài sang người kế nhiệm. Tuy vậy, nhà lãnh đạo Mỹ nhiều khả năng sẽ phải làm rõ tại sao tình hình an ninh ở Afghanistan lại xuống cấp nhanh như vậy trong khi ông và các quan chức trong chính quyền nhiều lần khẳng định điều đó sẽ không xảy ra.
Gần đây nhất vào tuần trước, Tổng thống Biden bày tỏ hy vọng các lực lượng Afghanistan có thể giữ vững ý chí bảo vệ đất nước. Nhưng một số quan chức trong chính quyền ông lại cảnh báo rằng, quân đội Afghanistan đang sụp đổ trước thế mạnh của Taliban. Điều đó khiến ông Biden phải yêu cầu triển khai thêm 1.000 binh sỹ tới Kabul để đảm bảo việc sơ tán hôm 14/8.
Mối lo về sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố
Các cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump cũng từng muốn rút quân khỏi Afghanistan nhưng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các tướng lĩnh quân đội và bị phân tán bởi nhiều mối quan tâm chính trị khác. Trái lại, Tổng thống Biden quyết tâm thực hiện điều này vì ông tin rằng người dân Mỹ sẽ ủng hộ ông. Một cuộc thăm dò của ABC News / Ipsos vào tháng 7 cho thấy, 55% người Mỹ tán thành quyết định rút quân của ông Biden.
Một số thành viên đảng Cộng hòa đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Biden, nói rằng hình ảnh máy bay trực thăng Mỹ bay vòng quanh Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Kabul cho thấy sự rút lui thất bại của quân đội Mỹ. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện coi cảnh tượng này là “sự xấu hổ của một siêu cường”.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ ngày càng lo ngại về khả năng gia tăng mối đe dọa tấn công khủng bố ở nước này khi tình hình an ninh tại Afghanistan suy yếu. Phát biểu với các thượng nghị sỹ trong cuộc họp trực tuyến hôm 15/8, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nói rằng, giới chức Mỹ dự kiến sẽ thay đổi đánh giá được đưa ra trước đó về sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố ở Afghanistan. Căn cứ vào tình hình thực tế, họ tin rằng những nhóm khủng bố như al-Qaida có thể phát triển nhanh hơn dự kiến.
Mỹ vẫn chưa có kế hoạch bổ sung nào ngoài việc điều động thêm binh sỹ để hỗ trợ việc sơ tán. Nhiều quan chức cấp cao cho biết, Washington có thể duy trì an ninh tại sân bay Kabul đủ lâu để đảm bảo việc rút quân, nhưng số phận của những người không thể đến được sân bay vẫn chưa chắc chắn.
Không thể tránh khỏi
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy - thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, người ủng hộ chiến lược của chính quyền Biden lưu ý “sự sụp đổ quá nhanh chóng của chính phủ Afghanistan là điều bất ngờ” nhưng từ lâu người ta cho rằng Afghanistan sẽ rơi vào tay Taliban nếu Mỹ rút quân.
Trong hàng ngũ cấp cao của chính quyền Biden, có nhiều ý kiến cho rằng sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan cho thấy quyết định rút quân là hoàn toàn đúng đắn: Nếu sự tan rã của các lực lượng an ninh diễn ra quá nhanh sau gần 2 thập kỷ Mỹ hiện diện quân sự, thì việc binh sỹ Mỹ ở lại 6 tháng, 1 năm hoặc 2 năm nữa cũng sẽ không làm thay đổi tình hình.
Theo Washington Post, Tổng thống Biden trong hơn 1 thập kỷ qua luôn cho rằng Afghanistan là một gánh nặng đối với Mỹ. Ông nhận thấy tình trạng tham nhũng và việc nước này quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ khiến Afghanistan trở thành một đối tác không tin cậy. Khi còn làm phó tổng thống dưới thời chính quyền Obama, ông đã phản đối quyết định của cựu Tổng thống Obama triển khai thêm 30.000 binh sỹ vào Afghanistan trong một nỗ lực nhằm bình ổn quốc gia này trước khi Mỹ và các lực lượng đồng minh rút quân.
Mặc dù hài lòng với việc phơi bày sự thật rõ ràng của cuộc chiến tại Afghanistan cho người dân Mỹ, nhưng Tổng thống Biden có thể vẫn hối hận về việc đã đưa ra những đánh giá lạc quan chỉ một tháng trước khi chính quyền Afghanistan sụp đổ./.