Chương mới trong quan hệ giữa Myanmar - EU
(VOV) - EU gỡ bỏ hầu như toàn bộ các biện pháp cấm vận với Myanmar.
Ngày 22/4, các Ngoại trưởng Liên minh Châu Âu đã nhất trí dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp cấm vận đối với Myanmar. Diễn ra vào thời điểm hơn 1 tháng sau chuyến thăm 5 nước Châu Âu của Tổng thống Myanmar, Thein Sein, động thái này được cho là sẽ là một cú hích cho một bước khởi đầu mới trong quan hệ giữa Myanmar với Liên minh Châu Âu.
Những năm gần đây khách du lịch tới Myanmar tăng nhanh (Ảnh AFP) |
PV: Thưa chị Thùy Vân, tiếp sau việc chuyến thăm 5 nước Châu Âu vào tháng trước của Tổng thống Myanmar Thein Sein, vào ngày 22/04, quan hệ giữa hai bên lại có thêm 1 bước tiến mới khi Liên minh Châu Âu dỡ bỏ gần như hoàn toàn các biện pháp cấm vận đối với nước này. Chị có thể cho biết, lý do nào khiến Liên minh Châu Âu ra quyết định này?
PV Thùy Vân: Theo tôi, đây là một bước đi mới có tính bước ngoặt trong quan hệ giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Myanmar. Trên thực tế, cách đây 1 năm EU đã tạm ngưng việc thực thi các lệnh cấm vận với Myanmar và bây giờ họ quyết định đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa quan hệ với Myanmar bằng cách gỡ bỏ hầu như toàn bộ các biện pháp cấm vận với Myanmar, trừ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Myanmar. Lí do được EU chính thức đưa ra đó là sự ghi nhận “tiến trình cải cách ấn tượng” của Myanmar.
Điều này hoàn toàn không bất ngờ bởi Myanmar đã có những thay đổi lớn trong đời sống chính trị trong vài năm qua, bắt đầu bằng việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, nổi bật nhất là Aung San Suu Kyi, và thực hiện một loạt các chính sách dân chủ.
Mới đây nhất, ngày 1/4, chính quyền của Tổng thống Thein Sein cũng đã cho phép các tờ báo tư nhân được xuất bản trở lại tại Myanmar, lần đầu tiên sau gần nửa thế kỷ bị cấm. Tất cả các thay đổi rõ rệt đó tại Myanmar được các nước lớn trên thế giới ghi nhận, trong đó có cả nước Mỹ. EU dĩ nhiên là không thờ ơ với những thay đổi tại Myanmar và họ cũng đã có lộ trình cụ thể cho việc gỡ bỏ cấm vận Myanmar từ khá lâu rồi. Chuyến đi thăm châu Âu của ông Thein Sein vào tháng trước càng đẩy nhanh mối quan hệ giữa EU và Myanmar. Việc EU gỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận với Myanmar một mặt thể hiện những cam kết của EU trong việc ủng hộ cải cách dân chủ, mặt khác nó cũng giúp cho châu Âu không bị chậm chân trong việc tiến vào thị trường Myanmar, một đất nước rộng lớn và có rất nhiều tiềm năng về kinh tế.
PV: Vâng, đúng là quyết định này mang về lợi ích cho cả hai bên, Liên minh Châu Âu, lẫn Myanmar. Vậy chị có thể cho biết lệnh cấm vận này tác động như thế nào đến quan hệ giữa hai bên?
PV Thùy Vân: Trước hết, quyết định này là một thắng lợi lớn với Myanmar. Bởi ngoài ý nghĩa chính trị, nó còn có sức nặng về kinh tế rất lớn. Trước đây, để thực hiện lệnh cấm vận với chính quyền quân sự Myanmar, EU đã phong tỏa hơn 1.000 tài khoản của các công ty và tổ chức của Myanmar, cấm hơn 500 người Myanmar được nhập cảnh vào EU. Ngoài ra, EU cũng cấm mọi trợ giúp kỹ thuật và việc đầu tư vào các ngành như khai mỏ, khai thác gỗ và khai thác kim loại quý tại Myanmar. Vì thế, việc gỡ bỏ hầu hết các lệnh cấm này sẽ gần như trao cho Myanmar vai trò là một đối tác gần như bình đẳng với EU trong quan hệ kinh tế.
Với liên minh Châu Âu, lợi ích thu được cũng sẽ không nhỏ, dù vẫn còn nhiều hoài nghi. Chắc chắn sẽ có sự gia tăng đáng kể đầu tư của các công ty thuộc các quốc gia EU vào Myanmar như việc hãng bia Đan Mạch Carlsberg đầu tư mở nhà máy ở Myanmar hồi tháng 2 vừa qua.
Tuy nhiên, với phía EU thì việc dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar mới chỉ là bước đi đầu tiên của khối với quốc gia Đông Nam Á này bởi lẽ dù ai cũng thấy là Myanmar có nhiều tiềm năng kinh tế lớn nhưng đất nước này vẫn còn thiếu rất nhiều điều kiện về hạ tầng cơ sở, nhất là khía cạnh pháp lý, để có thể làm an lòng các nhà đầu tư. Chẳng hạn, Luật đầu tư nước ngoài của Myanmar đã quá cũ và dù mới được sửa đổi vào năm ngoái nhưng vẫn bị cho là còn nhiều thiếu sót trong việc bảo đảm lợi ích lâu dài cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng của Myanmar, sau nhiều thập kỷ bị tàn phá vì xung đột và bị bao vây, cấm vận, hiện còn rất thiếu thốn. Cuối cùng, các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là các nhà đầu tư của EU, vẫn còn chưa gỡ bỏ được hoàn toàn sự nghi ngại đối với những làn sóng bạo lực do xung đột sắc tộc tại Myanmar gây ra.
PV: Nhìn rộng ra, việc Liên minh Châu Âu dỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận đối với Myanmar không chỉ tác động tới hai bên mà còn được cho là ảnh hưởng tới dòng đầu tư từ Châu Âu vào Đông Nam Á trong thời gian tới. Chị có thấy như vậy không?
EU gần như xóa bỏ toàn bộ cấm vận đối với Myanmar (Ảnh AP) |
Tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, Myanmar vẫn cần một thời gian nữa để hoàn thiện hạ tầng pháp lý và phải giải quyết tốt thách thức về ổn định chính trị lâu dài khi thực hiện cải cách thì mới có thể thu hút ồ ạt các dòng vốn đầu tư từ EU. Tính minh bạch trong quản trị cũng là điều Myanmar khiến giới đầu tư lo lắng khi nước này bị xếp 172/174 quốc gia về sự minh bạch và tham nhũng, tức gần như đội sổ.
PV: Quay trở lại với quan hệ giữa Liên minh Châu Âu với Myanmar. Rõ ràng, việc dỡ bỏ hầu hết lệnh cấm vận đối với Myanmar mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, không phải là giữa hai bên đã giải quyết hết mọi khác biệt, mà cụ thể ở đây là Liên minh Châu Âu vẫn giữ lệnh cấm vận vũ khí Myanmar. Vậy chị có thể cho biết điều gì ngăn trở EU chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận này?
PV Thùy Vân: Năm 2012, khi dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar, Australia cũng không bỏ lệnh cấm vận vũ khí. EU cũng không bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Nguyên nhân cũng không quá khó hiểu bởi dù đã thực hiện cải cách chính trị từ 2011. Cho đến nay, trên thực tế chính quyền ở Myanmar vẫn đang nằm trong tay phe quân đội. Bà Aung San Suu Kyi mới chỉ được bầu vào Quốc hội Myanmar và Liên đoàn Dân chủ quốc gia của bà vẫn chưa phải là chính đảng lớn nhất ở Myanmar. Nói cách khác, vẫn chưa thể coi Myanmar là một chính quyền dân sự dù ông Thein Sein và đội ngũ của ông đã thực hiện rất nhiều cải cách tích cực.
Trong bối cảnh hiện tại, dù cổ vũ cho cải cách tại Myanmar nhưng theo các nhà phân tích thì EU, cũng như nhiều quốc gia khác, vẫn giữ một sự thận trọng nhất định. Họ cần phải chờ đến năm 2015, năm diễn ra bầu cử lập pháp ở Myanmar, thì mới biết được liệu cải cách ở Myanmar có thực sự lâu dài hay không. Hiến pháp Myanmar vẫn chưa sửa đổi và lực lượng quân đội vẫn có quyền lực rất lớn và vẫn chiếm đến 25% số ghế trong quốc hội. Vì thế, sự thận trọng của EU trong việc duy trì lệnh cấm vận vũ khí với Myanmar là có thể hiểu được.
Một lí do khác, đó là xung đột sắc tộc ở Myanmar hiện chưa có dấu hiệu giảm. Hiện Myanmar vẫn tiếp tục bị Châu Âu, và một số tổ chức quốc tế chỉ trích trong vấn đề nhân quyền.
PV: Vâng, xin cảm ơn PV Thùy Vân về những phân tích vừa rồi./.