Chuyên gia giải mã quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân của ông Kim Jong-un
VOV.VN -Giới quan sát cho rằng, Triều Tiên quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri là bởi nước này đã tích trữ được kho vũ khí hạt nhân lớn và đủ mạnh.
Hai ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra tại Bàn Môn Điếm, phía Hàn Quốc cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có kế hoạch để thực hiện cam kết dừng thử hạt nhân được đưa ra.
Theo đó, ông Kim Jong-un sẽ mời các chuyên gia cùng phóng viên từ Mỹ và Hàn Quốc tới chứng kiến việc Triều Tiên chính thức đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri trong tháng 5.
Hình ảnh vệ tinh từ bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. Ảnh: Yonhap. |
Chuyên gia giải mã ý định của ông Kim Jong-un
Theo phía Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thể hiện thiện chí thực sự muốn phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên khi quyết định công khai đóng cửa bãi thử này. Tuy nhiên giới quan sát vẫn hoài nghi vì Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua đã thúc đẩy khái niệm “phi hạt nhân hóa” không giống với định nghĩa của Mỹ. Bên cạnh đó Triều Tiên cũng cam kết chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân khi nào Mỹ rút quân trên bán đảo Triều Tiên và rút lại chiếc “ô hạt nhân” dùng để bảo vệ các đồng minh.
Adam Mount, nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng, quyết định đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri là một sự kiện quan trọng, đầy kịch tính, nhưng có khả năng mang ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn, nhằm đưa Triều Tiên tiến gần một hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Cam kết của ông Kim Jong-un đưa ra tại thời điểm này rất quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều hoài nghi.
“Các câu hỏi vẫn còn đó liên quan đến việc liệu ông Kim Jong-un có đồng ý thảo luận về các công nghệ hạt nhân khác, vật liệu hạt nhân và hệ thống tên lửa hay không. Bởi chính quyền ông Kim đã hàm ý rằng các tiến trình sẽ diễn ra theo từng giai đoạn đối xứng. Và cũng chưa rõ liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chấp nhận quá trình này hay không”, ông Adam Mount nói.
Một số nhà phân tích khác nhận định, thỏa thuận giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn thiếu nhiều yếu tố, chẳng hạn như khung thời gian cụ thể nhằm xác minh hoạt động từ bỏ hạt nhân của Triều Tiên, cũng như chưa đưa ra định nghĩa về điều gì sẽ tạo nên sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.
Trái với quan điểm này, ông Patrick McEachern, cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, hội nghị này dẫu sao vẫn rất có ý nghĩa vì Tổng thống Moon Jae-in đã thúc đẩy nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra được cam kết phi hạt nhân hóa – một dấu mốc quan trọng, khác biệt hoàn toàn so với yêu cầu trước đây của ông Kim Jong-un là mở rộng chất lượng và số lượng kho vũ khí hạt nhân.
Theo một số suy đoán, ông Kim Jong-un đưa ra cam kết tạm ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa là bởi bãi thử hạt nhân chính của nước này Punggye-ri đã bị hư hại nghiêm trọng sau vụ thử hồi tháng 9/2017 và Triều Tiên hiện đang thiếu nguồn tài chính để sửa chữa cơ sở này.
Một giả thuyết khác đặt ra là Triều Tiên đã tích trữ được kho vũ khí hạt nhân lớn và mạnh đủ để giành được các mục tiêu chiến lược của nước này và vì thế sự tồn tại của bãi thử Punggye-ri đến thời điểm này đã không còn quan trọng.
Tờ Times cho rằng, các cơ quan tình báo Mỹ đã đánh giá thấp khả năng của chính phủ Triều Tiên trong việc nhanh chóng đạt được độ chín về công nghệ hạt nhân, trong khi đó các thông tin như liệu tên lửa hạt nhân của Triều Tiên có hoạt động như dự định hay nước này đã phát triển thành công đầu đạn hạt nhân thu nhỏ thì họ vẫn chưa nắm rõ.
Con đường nào đưa ông Kim Jong-un tới Bàn Môn Điếm?
Punggye-ri – nơi tiến hành 6 vụ thử hạt nhân
Nằm trên một dãy núi ở phía Đông Bắc Triều Tiên, bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên được biết đến là một trong những cơ sở hạt nhân chính của nước này và cũng là bãi thử hạt nhân duy nhất trên thế giới còn hoạt động. Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc thử hạt nhân ở đây kể từ năm 2006.
Hầu hết các thông tin về cơ sở này có được từ các hình ảnh vệ tinh và dấu hiệu chuyển động của trang thiết bị trong khu vực. Các cuộc thử hạt nhân của Triều Tiên đã diễn ra ở một hệ thống hầm ngầm đào bên dưới núi Mantap, gần bãi thử Punggye-ri.
Vụ thử hạt nhân đầu tiên được tiến hành vào ngày 9/10/2016. Vụ thử thứ hai là vào ngày 25/5/2009. Các vụ thử bổ sung được tiến hành lần lượt vào ngày 12/2/2013, ngày 1/6 và ngày 9/9/2016. Vụ thử thứ 6, được coi là mạnh nhất từ trước đến nay diễn ra vào ngày 3/9/2017.
Các nhà quan sát Triều Tiên đã nghiên cứu kỹ lưỡng việc đào bới tại các đường hầm trên nhằm tìm ra manh mối rằng liệu nước này có đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân mới không.
Trước thềm vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên, một số nhà quan sát đã viện dẫn ảnh vệ tinh từ tháng 8, trong đó cho thấy bãi thử vẫn ở tình trạng sẵn sàng cho một vụ thử.
Hồi đầu năm nay, giới quan sát đã phát hiện được các hoạt động đào bới tại khu vực này cũng như các thiết bị lạ được đặt bên ngoài một trong số các hầm ngầm. Thiết bị thử được chôn sâu ở phía cuối đường hầm mà đoạn kết thúc có hình cái móc.
Tháng 3 vừa qua, trang web 38 độ Bắc của Mỹ chuyên nghiên cứu Triều Tiên thông báo các hình ảnh từ vệ tinh cho thấy các hoạt động tại bãi thử này bị chậm lại đáng kể do sự ấm lên trong quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Thực hư chuyện bãi thử hạt nhân này bị sập
Chỉ 8 phút rưỡi sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 9/2017, các nhà khoa học cho biết đã có sự sụp đổ theo chiều thẳng đứng tại trung tâm thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên. Theo giới quan sát, đây có thể là lý do khiến ông Kim Jong-un tuyên bố ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Triều Tiên coi ngọn núi này là địa điểm lý tưởng để tiến hành các vụ thử hạt nhân dưới lòng đất bởi độ cao hơn 2.100 m trên mực nước biển và địa hình của nó. Khu vực này ít bị ảnh hưởng sau bốn lần thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất trước năm 2017.
Tuy nhiên, vụ thử hạt nhân ngày 3/9 có sức công phá cực kỳ mạnh mẽ đã làm bốc hơi các tảng đá với mức nhiệt chưa từng có và mở ra một không gian có đường kính lên tới 200m. 2 trận động đất nhỏ tại các khu vực lân cận mà Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận được sau vụ nổ này cho thấy địa điểm thử nghiệm đã mất ổn định về mặt địa chất.
Điều đó khiến giới phân tích hoài nghi liệu Punggye-ri sẽ bị từ bỏ sau vụ thử này hay không. Giới chức tình báo Mỹ cho rằng, bãi thử này vẫn sử dụng được và dễ dàng cải tạo bất chấp thiệt hại từ lần thử nghiệm hạt nhân gần nhất. Ngoài ra, cũng chưa có bằng chứng đảm bảo bãi thử nghiệm này sẽ bị phá hủy hoàn toàn hay chỉ tạm thời đóng cửa./.
Điều gì khiến ông Kim Jong-un tuyên bố ngừng thử hạt nhân và tên lửa?