Chuyên gia Mỹ: Nếu chính phủ Assad sụp đổ, IS sẽ chiếm trọn Syria
VOV.VN - Các lực lượng Hồi giáo cực đoan được cho là sẽ lấp đầy khoảng trống chính trị ở Syria trong trường hợp Tổng thống Assad buộc phải ra đi.
Nếu chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad bị giải thể, thì khi đó hoặc là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, hoặc là các tổ chức khủng bố khác sẽ khống chế toàn Syria.
Tổng thống Mỹ Obama (giữa) bên cạnh là Bộ trưởng Quốc phòng Carter (trái) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dempsey |
Đó là nhận định của ông Richard Becker thuộc tổ chức phản chiến ANSWER Coalition của Mỹ, thể hiện trong cuộc phỏng vấn với đài RT của Nga.
PV: Có gì thực sự mới trong chiến thuật mà Tổng thống Obama vạch ra vào hôm 6/7 để chống IS?
Richard Becker: Từ những gì chúng tôi nghe được từ Lầu Năm Góc về việc Mỹ tiếp tục tiến hành không kích thì có vẻ như không có gì mới cả. Nhưng tôi nghĩ, mọi người đều ý thức được rằng một cuộc không chiến không thể đánh bật hoặc tiêu diệt được tổ chức này khi mà IS hiện đã chiếm được 1/3 lãnh thổ Iraq và 1/2 lãnh thổ Syria, đồng thời lan tỏa ra vô số quốc gia khác ở cả Trung Đông và châu Phi.
Có một điều đặc biệt lạ là Tổng thống Obama tiếp tục yêu cầu giải tán chính phủ Bashar al-Assad. Nếu điều đó xảy ra, tức là chính quyền Assad sụp đổ, thì hoặc là IS hoặc liên minh các chiến binh thánh chiến, các tổ chức jihad sẽ lấp khoảng trống chính trị ở Syria.
Tình hình hiện nay ở Syria là do cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq gây ra.
PV: Ông Obama thừa nhận rằng cuộc chiến chống IS là một chiến dịch dài lâu. Liệu Mỹ sẽ xem xét việc gửi lục quân tới đây tham chiến?
Richard Becker: Rõ ràng chẳng người Mỹ nào muốn tham chiến trên bộ ở Syria. Tổng thống Obama từng xem xét mở một cuộc chiến chống Syria vào cuối tháng 9/2013. Nhưng khi đó ông ấy đã vấp phải sự phản đối của người dân Mỹ và người dân thế giới sau khi họ thấy mức độ tàn phá xảy ra ở Trung Đông, Bắc Phi và những đau khổ mà người dân ở đây phải chịu đựng. Đã vậy tình trạng đó còn mở đường cho sự phát triển của IS dưới dạng một hình thức trả thù sự xâm lược của Mỹ trước đó. Thật không may, nạn nhân của sự trả thù đó lại chính là người dân trong khu vực.
PV: Ông Obama đang trong thế khó. Công chúng Mỹ đã mỏi mệt về việc Washington sa lầy ở Trung Đông, nhưng IS hiện lại đặt ra một đe dọa rất nghiêm trọng. Làm thế nào mà ông Obama cân bằng được điều này?
Richard Becker: Tôi cho rằng đây là một vấn đề rất nghiêm trọng. Thực tế là, việc kiểm soát Trung Đông đã là một mục tiêu trọng tâm trong chính sách ngoại giao Mỹ từ thời kỳ Thế chiến 2 và sau đó. Chúng ta đã được chứng kiến nào là các cuộc đảo chính, nào là các kiểu can thiệp, phong tỏa, chiến tranh, trừng phạt, v.v. và v.v. nhằm mưu toan thiết lập và bảo vệ quyền kiểm soát đó, do vị trí quan trọng chiến lược của Trung Đông và đương nhiên là cả kho tài nguyên thiên nhiên phong phú ở đây, đặc biệt là dầu mỏ.
Và đúng là, người dân Mỹ không có lòng dạ nào muốn gửi hàng trăm ngàn quân Mỹ trở lại Iraq và Syria... Tôi tin đó là một điều đầy bất định đối với Tổng thống Obama và các tư lệnh quân đội cấp cao cũng như các lãnh đạo dân sự của Mỹ./.
Tổ chức phản chiến ANSWER Coalition được thành lập vào thời điểm 3 ngày sau loạt vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. ANSWER là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Act Now to Stop War and End Racism” (hành động ngày bây giờ để ngăn chặn chiến tranh và chấm dứt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc).
ANSWER Coalition đã phát động một phong trào phản chiến rộng khắp ở Mỹ để phản đối việc chính phủ tiến hành chiến tranh xâm lược Iraq vào năm 2003.