Chuyên gia Việt nhận định hậu quả đáng sợ nếu IS và al-Qaeda hợp nhất
VOV.VN - Ông Phạm Phú Phúc, chuyên gia về Trung Đông, cho rằng nếu IS và al-Qaeda hợp nhất, kịch bản khủng khiếp này sẽ là đại họa cho an ninh thế giới.
Giới quan sát những ngày qua đang hết sức quan ngại trước cảnh báo của một quan chức thuộc Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Liên bang Nga (SVR RF) rằng hai nhóm khủng bố khét tiếng là IS và al-Qaeda có thể sắp hợp nhất thành một tổ chức khủng bố mới gây ra các mối nguy hại khủng khiếp cho toàn cầu.
Chuyên gia, nhà báo Phạm Phú Phúc. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Trước viễn cảnh u ám trên, nhà báo Phạm Phú Phúc, chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế, nguyên phóng viên TTXVN từng nhiều năm lăn lộn tại các địa bàn Trung Đông trong bài phỏng vấn với VTC News ngày 5/9 đã đưa ra những phân tích, quan điểm riêng về khả năng kịch bản thảm họa này xảy ra.
'Đứa con bất trị'' do chính tay Mỹ nhào nặn
Cả IS và al-Qaeda đều ra đời từ hậu quả của các cuộc chiến tranh.
Al-Qaeda ra đời sau 1979 sau khi Liên Xô đưa quân vào giải phóng Afghanistan. Khi đó, Mỹ có ý định thành lập một tổ chức cùng phong trào Taliban chống lại Liên Xô. Washington đã dựng lên đứa con của mình, trang bị tận răng cho nó với mục đích chống lại quân đội Liên Xô, dưới cái mác bảo vệ thế giới Hồi giáo.
Nhưng Mỹ không ngờ được rằng chính con đẻ dưới cái ô này được họ bảo hộ đã quay lại chống Mỹ hơn bất cứ một quốc gia, tổ chức chống Mỹ nào khác. Mỹ lúc này đã rơi vào thế gậy ông đập lưng ông.
Quái vật khủng bố IS chưa chết, đang cùng al-Qaeda tấn công phương Tây
Với IS, tổ chức này thành lập sau khi Mỹ viện cớ do CIA dựng lên rằng Baghdad sở hữu và phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt (gồm vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học), đồng thời có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda để đưa quân vào đánh Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein năm 2003. IS ban đầu là chi nhánh tự phát của al-Qaeda ở Iraq còn gọi là Al-Qaeda Arab được lập ra để chống sự can thiệp của liên quân do Mỹ dẫn đầu tấn công vào Iraq.
Thời điểm mang tính bước ngoặt đối với sự phát triển của IS là vào tháng 3/2011 khi những phát súng đầu tiên của cuộc nội chiến Syria nổ ra. Lợi dụng thời điểm quân đội Syria đang suy yếu, nhóm khủng bố này đưa quân sang đánh chiếm các thành phố ở quốc gia Trung Đông, lập đại bản doanh, phát triển và bắt đầu mở rộng vùng ảnh hưởng ở Syria, đặc biệt khu vực biên giới với Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ kể cả là Aleppo.
Với một nền tảng vững chắc như vậy, chúng bắt đầu vươn vòi ra nhiều khu vực và trở thành nỗi kinh hãi toàn cầu. Đặc biệt là vào tháng 6/2014 khi nội bộ Iraq có vấn đề, hàng loạt tướng lĩnh, binh sỹ Iraq đã đào ngũ chạy sang tổ chức này cùng với nhiều binh sỹ từ Mỹ, phương Tây, Australia, Nga... cũng đồng loạt gia nhập vào hàng ngũ của tổ chức.
Theo thống kê, vào thời điểm đó, mỗi một tháng có khoảng từ 1.000 đến 1.500 binh sỹ nước ngoài đổ về Iraq chiến đấu dưới lá cờ “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria” (ISIS) (nay chỉ còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo - IS). Sau đó, tổ chức này giành được nhiều chiến thắng mà chính người Mỹ và phương Tây cũng phải thừa nhận là lẫy lừng, không thể ngờ đến, đặc biệt là khi chúng chiếm đóng Mosul, thành phố cực kỳ quan trọng ở Iraq.
Mỹ hơn ai hết không thể ngờ ''đứa con'' al-Qaeda mà mình tạo ra lại phát triển và biến tướng nguy hiểm như vậy.
Ảnh: Phiến quân Hồi giáo giăng thế trận chống Liên Xô ở Afghanistan
Ban đầu, Washington dựng lên al-Qaeda với mục tiêu là chống chủ nghĩa cộng sản, quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Nhưng giờ đây, mục tiêu của al-Qaeda và IS là loại bỏ những người ngoại đạo (đạo Hồi), chống lại những thế lực giày xéo, xâm lược thế giới Hồi giáo.
Với các chiến binh thánh chiến của 2 tổ chức này thì bất cứ người Hồi giáo nào, tất cả anh em Hồi giáo đều là người một nhà. Mảnh đất dù chỉ 1 người Hồi giáo sinh sống cũng là đất thiêng. Ai giày xéo lên mảnh đất ấy đều là kẻ thù. Đây là giáo lý soi đường chỉ lối để các tổ chức khủng bố này chiêu nạp binh sỹ từ khắp mọi nơi trên thế giới, ngày nay chúng hiện diện từ Philippines, Indonesia, Pháp, Somali hay bất cứ mảnh đất nào có người Hồi giáo sinh sống.
Chung mục đích nhưng khác ''tầm vóc"
Có một điểm khác biệt cơ bản giữa al-Qaeda và IS là tầm nhìn. Trong khi Al Queda "ăn xổi ở thì", không có mục tiêu dài hạn, chỉ biết phản đòn tự phát, không có tầm nhìn dài hạn, thì IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) lại hướng tới xây dựng một thể chế ở mỗi một nơi chúng chiếm đóng với mục tiêu rõ ràng. IS có tầm nhìn, chiến lược bài bản, tự xây dựng cho mình một mục tiêu riêng là xây dựng nhà nước Hồi giáo và xóa đường biên giới giữa các nước Hồi giáo với mục tiêu thống nhất thế giới Hồi giáo.
Al-Qaeda từ một tổ chức do Mỹ dựng lên đã quay sang chống Mỹ hơn bất cứ quốc gia, tổ chức nào khác. (Ảnh: National Interest). |
Nếu xét trên gốc gác, sách lược chiến tranh, các phát biểu trình bày quan điểm, khả năng IS và al-Qaeda hợp nhất là rất khó xảy ra. Nếu có chỉ là trong một trận đánh, trong một thời điểm nhất định, còn xét trên một tầm chiến lược thì kịch bản này rất khó xảy ra. IS và al-Qaeda nếu mang ra so sánh thì khập khiễng từ mục tiêu chiến lược cho đến tổ chức thực hiện.
Al-Qaeda không có tầm của một tổ chức bài bản trong khi IS ngay trong tên gọi đã xác định rõ mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo.
Cực đoan nhân đôi, đại họa nhãn tiền
Khó không có nghĩa là không thể xảy ra. Trong trường hợp IS và al-Qaeda hợp nhất, đó sẽ là đại họa cho hòa bình và an ninh thế giới bởi 3 nguyên nhân.
Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?
Thứ nhất, mâu thuẫn giữa đạo Hồi với một số tôn giáo sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng. Việc người Hồi giáo nhất là những người Hồi giáo cực đoan luôn cảm thấy họ không được tôn trọng khiến mâu thuẫn này đẩy lên cao. Thêm vào đó, một số người phương Tây, thậm chí là các chính trị gia mặc nhiên coi thế giới Hồi giáo là cực đoan, khủng bố. Nhưng thực tế thì không ai có quyền coi một dân tộc là một dân tộc cực đoan, khủng bố.
Lợi dụng điểm yếu trong tâm lý này của những người đạo Hồi nói chung, IS và al-Qaeda sẽ chiêu nạp những người cuồng tín, tiêm nhiễm những suy nghĩ và hành động cực đoan, từ đó bọn chúng sẽ có lực lượng rải rác khắp toàn cầu, khắp mọi thành phố lớn trên thế giới. Nếu những chiến binh thánh chiến này hưởng ứng lời kêu gọi và hành động thì hậu quả tàn phá của chúng sẽ rất khủng khiếp.
Thứ hai, một số chính quyền, quốc gia trên thế giới do nội chiến, xung đột vũ trang, kinh tế, dịch bệnh trở nên yếu kém về kinh tế, chính trị, quân sự, đối ngoại và quản lý đất nước. Nếu IS và Al Qaeda hợp nhất, 2 tổ chức này sẽ dễ dàng cài cắm người vào các chi nhánh, nhảy vào các nước này để tuyển mộ binh sỹ. Khi đó các chân rết của chúng sẽ bám trụ, mở rộng địa bàn, xây dựng thêm các đại bản doanh, đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia sở tại.
Thứ ba, bản chất của IS và al-Qaeda là hai tổ chức vô cùng cực đoan, chứ không đơn thuần là những nhóm vũ trang, chúng có mục tiêu hành động rõ ràng và sẵn sàng đuổi cùng giết tận. Vậy nên khi chúng sáp nhập với nhau, cực đoan sẽ nhân đôi tạo ra viễn cảnh u ám cho hòa bình và an ninh trên thế giới. /.